Giáo án ngữ văn 6: Bài Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ

Dưới đây là mẫu giáo án phát triển năng lực bài: Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ. Bài học nằm trong chương trình ngữ văn 6 tập 1. Bài mẫu có : văn bản text, file PDF, file word đính kèm. Thầy cô giáo có thể tải về để tham khảo. Hi vọng, mẫu giáo án này mang đến sự hữu ích và tham khảo cần thiết

Ngày soạn:
Ngày giảng:
Tiết :
TỪ NHIỀU NGHĨA VÀ HIỆN TƯỢNG CHUYỂN NGHĨA CỦA TỪ
I. MỤC TIÊU BÀI HỌC
Sau bài học, HS có khả năng:
1. Kiến thức:
- Khái niệm từ nhiều nghĩa, hiện tượng chuyển nghĩa của từ.
2. Kĩ năng:
- Nhận diện được từ nhiều nghĩa, bước đầu biết sử dụng từ nhiều nghĩa trong giao tiếp.
Tích hợp kĩ năng sống
- Ra quyết định:Lựa chọn cách sử dụng từ tiếng Việt trong thực tiễn giao tiếp của bản thân.
- Giao tiếp: Trình bày suy nghĩ, ý tưởng, thảo luận và chia sẻ những cảm nhận cá nhân về cách sử dụng từ trong tiếng Việt.

3. Định hướng phát triển năng lực: Giúp học sinh phát triển một số năng lực:
- Năng lực làm chủ và phát triển bản thân: Năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề.
- Năng lực xã hội: Năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác.
- Năng lực công cụ: Năng lực sử dụng ngôn ngữ.
- Năng lực đặc trưng của bộ môn: năng lực tiếp nhận văn bản, năng lực cảm nhận thẩm mĩ.
II. PHƯƠNG PHÁP TRỌNG TÂM
- Nêu vấn đề, gợi mở, vấn đáp, thảo luận nhóm, trình bày một phút kết quả thảo luận.
III.CHUẨN BỊ
1. Giáo viên: Phương tiện: giáo án, SGK, SGV, STK, bảng phụ ghi ví dụ.
2. Học sinh: SGK, học bài, soạn bài.
IV. TIẾN TRÌNH BÀI DẠY
1. Ổn định lớp(1’)
2. Kiểm tra bài cũ(3’)
3. Bài mới:

HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG
- Mục tiêu: tạo tình huống/vấn đề học tập nhằm huy động kiến thức, kinh nghiệm hiện có của học sinh và nhu cầu tìm hiểu kiến thức mới liên quan đến tình huống/vấn đề học tập
- Phương pháp: vấn đáp
- Thời gian: 2 phút
- GV đặt câu hỏi cho HS: Hãy tìm 3 từ có chứa tiếng “mắt”? Nghĩa của từ “mắt” trong các trường hợp đó có giống nhau không?
- HS tự lấy ví dụ và giải thích. Ví dụ: mắt xích, mắt biếc, mắt na
- GV dẫn dắt: Khi mới xuất hiện, thường mỗi từ chỉ được dùng với một nghĩa nhất định. Nhưng xã hội phát triển, nhận thức của con người cũng phát triển, nhiều sự vật của thực tế khách quan được con người khám phá và vì vậy cũng nảy sinh nhiều khái niệm mới. Chúng ta có thể có hai cách, một là tạo ra một từ mới để gọi sự vật. Hai là thêm nghĩa vào cho những từ đã có sẵn. Theo cách thứ hai này, những từ trước đây chỉ có một nghĩa, nay được mang thêm nghĩa mới. Vì vậy mà nảy sinh ra hiện tượng nhiều nghĩa của từ.
HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC
- Mục tiêu: trang bị cho học sinh những kiến thức mới liên quan đến tình huống/vấn đề học tập nêu ra ở hoạt động khởi động.
- Phương pháp: thuyết trình, pháp vấn, gợi mở, phân tích, nêu vấn đề,…
- Thời gian: 20p
Hoạt động của giáo viên và học sinh Nội dung bài học
Hoạt động của giáo viên và học sinh
- Bước 1: GV yêu cầu HS quan sát ngữ liệu và giải thích nghĩa từ “chân” trong câu: Ông tôi bị đau chân.
- HS trả lời, GV nhận xét:
Bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi đứng chạy nhảy.
- Bước 2: GV gọi HS đọc bài thơ SGK/55
HS đọc.
- GV đặt câu hỏi: Tìm những sự vật được gắn với từ “chân” trong bài thơ trên ? Giải thích nghĩa của các từ đó?
- HS trả lời, GV chuẩn kiến thức:
Chân gậy ...
Chân kiềng ...
Chân com-pa ...
Chân bàn ....
- GV đặt tiếp câu hỏi: Vậy chân trong những trường hợp này có nghĩa gì?
- HS trả lời, GV chuẩn kiến thức: Là bộ phận dưới cùng của một số đồ vật, có tác dụng đỡ cho các bộ phận khác.
- GV mở rộng kiến thức, yêu cầu HS thảo luận theo cặp đôi và tìm những nghĩa khác của từ chân?
VD: chân gỗ, chân sút, chân trong ban lãnh đạo...
I. Từ nhiều nghĩa
1. Phân tích ngữ liệu (SGK/35)
- GV đưa lên tài liệu tham khảo:
Theo từ điển TV – 2009, từ chân có các nghĩa sau:
(1) Bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi đứng chạy nhảy. VD: Co chân đá ... Thú bốn chân ... Nước đến chân mới nhảy ...
(2) Chỉ con người, nhưng coi là biểu tượng của cương vị, tư cách hay phận sự nào đó trong một tổ chức. VD: Ông ấy có chân trong hội đồng khoa học .../ thiếu một chân trong hội tổ tôm/ thế chân người khác ...
(3) Một phần tư con vật có bốn chân khi chung nhau sử dụng hoặc chia nhau thịt. VD: Hai nhà chung nhau một chân lợn.
(4) Bộ phận dưới cùng của đồ dùng có tác dụng đỡ cho các bộ phận khác. VD: chân đèn, chân giường ...
(5) Phần dưới cùng của một vật, tiếp giáp và bám chặt vào mặt nền. VD: chân núi, chân tường, chân răng ...
(6) Ngoài ra chân còn là từ để chỉ từng đơn vị những đám ruộng thuộc một loại nào đó. VD: chân ruộng trũng, chân đất bạc màu, chân mạ (nơi chuyên để gieo mạ).
- GV yêu cầu HS quan sát và rút ra kết luận: Hãy nhận xét nghĩa của từ “chân”?
- HS trả lời. GV chuẩn kiến thức: “Chân” là một từ nhiều nghĩa
- Bước 3: GV yêu cầu HS thảo luận nhóm bàn (2p)
+ Tìm ra các nghĩa khác nhau của từ mũi?
- HS thảo luận và trả lời, các nhôm khác bổ sung
- GV nhận xét và chuẩn kiến thức
(a) Mũi: Bộ phận của cơ thể người hoặc động vật có đỉnh nhọn dùng để hô hấp (Bộ phận cơ quan hô hấp). Ví dụ: Cái mũi...
(b) Bộ phận nhọn của đồ vật: Ví dụ: Mũi kim, mũi kéo, mũi dao, mũi lê...
(c) Bộ phận phía trước của phương tiện giao thông. Ví dụ: Mũi thuyền, mũi tàu...
(d) Bộ phận của lãnh thổ (Phần nhô ra biển có hình nhọn): Mũi đất, mũi Cà Mau, mũi Né...
- Bước 4: GV yêu cầu HS suy nghĩ và trả lời: Theo em, có từ nào chỉ có một nghĩa không? Nếu có, hãy đưa ra ví dụ?
- HS trả lời, GV dẫn chứng thêm ví dụ:
Bút, in-tơ-nét, toán học, com-pa, kiềng, rau muống, cá chép...
- Bước 5: GV đặt câu hỏi chung cả lớp: Hãy rút ra nhận xét về nghĩa của từ tiếng Việt?
- HS trả lời, GV dẫn chứng thêm ví dụ. 2. Ghi nhớ (SGK/56)
Hoạt động 2: Hướng dẫn HS hình thành kiến thức về hiện tượng chuyển nghĩa của từ
- Bước 1: GV yêu cầu hs quan sát lại các nghĩa của từ “chân” và đặt câu hỏi đàm thoại gợi mở:
+ Tìm mối liên hệ giữa các nghĩa của từ chân?
- HS suy nghi trả lời. GV chuẩn kiến thức:
Các từ đều có chứa nghĩa cơ sở là nghĩa (1): bộ phận dưới cùng.
Tuy nhiên trong những trường hợp cụ thể từ “chân” lại có thêm những nghĩa khác nhau.
• Chân gậy -> Giúp đỡ bà.
• Chân com-pa -> Giúp quay.
• Chân kiềng -> Đỡ thân kiềng.
• Chân bàn -> Đỡ thân bàn...
- GV đặt câu hỏi tiếp: Trong các nghĩa của từ chân đã tìm hiểu, theo em nghĩa nào là nghĩa xuất hiện đầu tiên?
 Đáp án: Nghĩa 1
GV bổ sung: Nghĩa đầu tiên đó gọi là nghĩa gốc.
+ Vậy nghĩa gốc là gì?
Là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác
+ Nghĩa nào của từ chân được hình thành trên cơ sở của nghĩa ban đầu?
 Đáp án: (2) (3) (4) (5) (6)
GV bổ sung: Nghĩa đó gọi là nghĩa chuyển
+ Trong bài thơ “Những cái chân”, từ chân được dùng với nghĩa nào?
 Đáp án: Nghĩa chuyển
- Bước 2: GV đặt câu hỏi kết luận: Vậy nghĩa chuyển là gì?
- HS trả lời, GV chuẩn kiến thức.
- Bước 3: Trong câu: Ông tôi đau chân /Cái bàn gãy chân từ chân được dùng với mấy nghĩa?
- HS trả lời, GV nhận xét: Từ “chân” được dùng một nghĩa.
- GV đưa ví dụ và đặt câu hỏi HS: Giải nghĩa từ “xuân” trong câu thơ trên?
Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
- HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức:
- Xuân1: Chỉ mùa xuân
- Xuân 2: Chỉ sự tươi đẹp, trẻ.
- Bước 4: Từ ví dụ trên, em rút ra nhận xét gì về đặc điểm của từ và từ nhiều nghĩa?
Thông thường trong câu, từ chỉ có một nghĩa nhất định. Tuy nhiên trong một số trường hợp, từ có thể được hiểu theo cả nghĩa gốc và nghĩa chuyển.
- Bước 5: Cần phân biệt hiện tượng chuyển nghĩa của từ và từ đồng âm.
- GV yêu cầu HS quan sát các ví dụ và trả lời: Hãy giải thích nghĩa của từ bàn trong từng trường hợp? Các cách dùng từ bàn ở trên có phải hiện tượng chuyển nghĩa không? Vì sao?
( 1) Mẹ em mới mua cho em một cái bàn rất đẹp.
( 2) Chúng em bàn nhau đi lao động ngày chủ nhật để giúp đỡ gia đình.
- HS suy nghĩ trả lời, GV nhận xét: Giải thích nghĩa của từ bàn:
(1) Đồ dùng có mặt phẳng và chân, làm bằng vật liệu cứng để bày đò đạc, thức ăn...
(2) Trao đổi ý kiến với nhau về việc gì đó.
- Các cách dùng trên không phải hiện tượng chuyển nghĩa của từ vì các nghĩa của từ bàn không liên quan đến nhau (hiện tượng đồng âm)
II. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ
1. Phân tích ngữ liệu

- Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc
- Bước 6: GV gọi HS đọc ghi nhớ SGK/56
HS đọc
2. Ghi nhớ (SGK/56)
- Bước 7: GV chia lớp thành 3 tổ thảo luận trong bàn: Thi nhau tìm từ (3p)
+ Tổ 1: Lấy ví dụ về sự chuyển nghĩa của từ đầu
+ Tổ 2: Lấy ví dụ về sự chuyển nghĩa của từ tay
+ Tổ 3: Lấy ví dụ về sự chuyển nghĩa của từ mắt
- HS thực hiện nhiệm vụ, trình bày. GV chuẩn kiến thức.

- Đầu:
+ Nghĩa gốc: bộ phận cơ thể người hoặc động vật chứa não, ở trên cùng
+ Nghĩa chuyển: Bộ phận ở trên cùng, đầu tiên (đầu hàng, đầu danh sách); bộ phận quan trọng nhất (đầu đàn...); khơi mào (đầu mối, đầu têu...)
- Tay:
+ Nghĩa gốc: bộ phận cơ thể người dùng để cầm, nắm...
+ Nghĩa chuyển: Tay ghế, tay vịn cầu thang, tay súng...
HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
- Mục tiêu: hoàn thiện kiến thức vừa chiếm lĩnh được; rèn luyện kĩ năng áp dụng kiến thức mới để giải quyết các tình huống/vấn đề trong học tập.
- Phương pháp: Vấn đáp
- Thời gian: 10 phút
- GV yêu cầu HS làm bài tập 2:
Gợi ý: Lá -> lá phổi, lá lách
Quả -> quả tim, quả thận
- GV yêu cầu HS thảo luận nhóm bàn BT4 (SGK/57)
- HS thực hiện nhiệm vụ, trình bày. GV chuẩn kiến thức.
a) Tác giả nêu hai nghĩa của từ bụng. Còn thiếu một nghĩa nữa – “phần phình to ở giữa của một số sự vật” (bụng chân).
b) Nghĩa của các trường hợp sử dụng từ bụng:
- ấm bụng: nghĩa 1 - bụng chân: nghĩa 3
- tốt bụng: nghĩa 2
HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
- Mục tiêu: phát hiện các tình huống thực tiễn và vận dụng được các kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống tương tự tình huống/vấn đề đã học.
- Phương pháp: Vấn đáp
- Thời gian: 3p
GV cho HS giải thích nghĩa của một số từ như: Cần cù, sách, siêng năng. Trong thực tế giao tiếp, bản thân em có hay dùng từ với nghĩa chuyển không? Cho VD?
HOẠT ĐỘNG TÌM TÒI, MỞ RỘNG
- Mục tiêu: tìm tòi, mở rộng thêm những gì đã được học, dần hình thành nhu cầu học tập suốt đời.
- Phương pháp: vấn đáp
- Thời gian: 5 phút
- GV yêu cầu HS tra từ điển các nghĩa của từ “chạy”. Đặt câu với mỗi trường hợp?
- HS thực hiện nhiệm vụ
- GV nhận xét và chuẩn kiến thức: Các nghĩa của từ “chạy”
+ Hoạt động dời chỗ bằng chân với tốc độ nhanh
+ Hoạt động của máy móc
+ Tìm kiếm
+ Trốn tránh

4. Hướng dẫn về nhà
1. Hướng dẫn học sinh học bài cũ: Học thuộc phần ghi nhớ; Làm các bài tập còn lại trong SGK.
- Tra từ điển nghĩa của các từ tham quan, đề bạt, yếu điểm, nhấp nháy
2. Hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài tiết sau: Chủ đề và dàn bài của bài văn tự sự
- Trả lời theo các câu hỏi SGK
- Viết phần mở bài cho đề văn: Kể về một lần mắc lỗi

Xem thêm các bài Giáo án ngữ văn 6, hay khác:

Bộ Giáo án ngữ văn 6 được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục với mục đích giúp các Thầy, Cô giảng dạy dễ dàng và biên soạn Giáo án tốt hơn, đơn giản hơn theo sát chương trình.