Giáo án ngữ văn 6: Bài Thánh Gióng

Dưới đây là mẫu giáo án phát triển năng lực bài: Thánh Gióng. Bài học nằm trong chương trình ngữ văn 6 tập 1. Bài mẫu có : văn bản text, file PDF, file word đính kèm. Thầy cô giáo có thể tải về để tham khảo. Hi vọng, mẫu giáo án này mang đến sự hữu ích và tham khảo cần thiết

Ngày soạn:
Ngày giảng:
Tiết: 6
THÁNH GIÓNG
I. MỤC TIÊU BÀI HỌC
Sau bài học, HS có khả năng:
1. Kiến thức
- Nắm được nội dung chính và đặc điểm nổi bật của truyện Thánh Gióng: nhân vật, sự kiện, cốt truyện trong tác phẩm thuộc thể loại truyền thuyết về đề tài giữ nước.
- Hiểu rõ những sự kiện và di tích phản ánh lịch sử đấu tranh giữ nước của ông cha ta được kể trong một tác phẩm truyền thuyết.
2. Kĩ năng
- Rèn kỹ năng đọc – hiểu văn bản truyền thuyết theo đặc trưng thể loại; kĩ năng kể tóm tắt truyện.
- Phân tích được ý nghĩa của một vài chi tiết nghệ thuật kì ảo trong văn bản.
3. Thái độ
- Yêu nước, tự hào, yêu mến, kính trọng các vị anh hùng dân tộc, từ đó thể hiện bằng hành động, việc làm góp phần xây dựng quê hương.
4. Định hướng hình thành phát triển năng lực
- Năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo, hợp tác, tự quản bản thân.
- Năng lực giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ, cảm thụ văn học
II. CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH
- Giáo viên: nghiên cứu sách giáo khoa, sách giáo viên, chuẩn kiến thức kĩ năng, các văn bản làm ngữ liệu, tranh ảnh về Đền Gióng…
- Học sinh: đọc kĩ SGK, soạn bài theo hướng dẫn về nhà của GV.
III. PHƯƠNG PHÁP TRỌNG TÂM
- Nêu vấn đề, gợi mở, vấn đáp, thảo luận nhóm, trình bày một phút kết quả thảo luận.

IV. TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC
1. Ổn định lớp(1’)
2. Kiểm tra bài cũ(3’)
3. Bài mới:

HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG
- Mục tiêu: tạo hứng thú, tâm thế cho học sinh.
- Phương pháp: vấn đáp, trực quan
- Thời gian: 5p
- GV cho HS quan sát đoạn video về Hội Gióng (Sóc Sơn) và đặt câu hỏi cho HS: Hãy cho biết lễ hội trên là tưởng nhớ vị thánh nào của dân tộc?
- HS trả lời.
- GV: Thánh Gióng là truyện dân gian thể hiện tiêu biểu và độc đáo chủ đề này, là một trong những truyện cổ đẹp nhất, bài ca chiến thắng hào hùng nhất chống giặc của nhân dân Việt Nam xưa. Vậy Thánh Gióng là ai? Gióng là người như thế nào? Tiết học hôm nay sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi đó.
HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC
- Mục tiêu: trang bị cho học sinh những kiến thức mới liên quan đến tình huống/vấn đề học tập nêu ra ở hoạt động khởi động.
- Phương pháp: thuyết trình, pháp vấn, gợi mở, phân tích, nêu vấn đề, thảo luận nhóm…
- Thời gian: 25 phút
Hoạt động của giáo viên và học sinh Nội dung bài học
Hoạt động 1: Hướng dẫn HS tìm hiểu chung về truyền thuyết Thánh Gióng
- GV dẫn dắt: Truyện Thánh Gióng thuộc nhóm các tác phẩm truyền thuyết thời đại Hùng Vương giai đoạn đầu. Nếu như Con Rồng, cháu Tiên là truyền thuyết nói về thời kì lập nước; Bánh chưng, bánh giầy nói về giai đoạn xây dựng đất nước thì truyền thuyết Thánh Gióng lại kể về giai đoạn giữ nước. I. Giới thiệu chung
Truyện Thánh Gióng thuộc thể loại truyền thuyết thời đại Hùng Vương thời kì giữ nước.
Hoạt động 2: Hướng dẫn HS đọc hiểu văn bản
- Bước 1: GV hướng dẫn HS đọc: Giọng đọc ngạc nhiên hồi hộp ở đoạn Gióng ra đời. Lời Gióng trả lời sứ giả cần dõng dạc, trang nghiêm. Đoạn Gióng cưỡi ngựa sắt đánh giặc giọng khẩn trương mạnh mẽ. Khi Gióng bay về trời, cần đọc chậm nhẹ.
- GV đọc mẫu 1 đoạn. Gọi 2 HS lần lượt đọc.
Bước 2: GV cho HS theo dõi chú thích SGK và giải thích thêm các từ:
+ Tục truyền: Phổ biến, truyền miệng trong dân gian -> Đây là một trong những từ ngữ thường mở đầu các truyện dân gian (VD: Ngày xửa, ngày xưa ...)
+ Tâu: Báo cáo, nói với vua.
- Bước 3: GV yêu cầu HS tóm tắt văn bản thông qua hoạt động trò chơi “Ai nhanh hơn?” (thời gian 2 phút)
+ Nội dung: chia lớp thành 4 nhóm và được phát bộ phiếu học tập. Hãy sắp xếp theo thứ tự đúng.
- Các nhóm thảo luận và hoàn thành. Nhóm nhanh nhất sẽ gianh phần thắng.
- HS thực hiện nhiệm vụ. GV chuẩn kiến thức. II/ Đọc, hiểu văn bản
1. Đọc, kể tóm tắt, chú thích
PHIẾU HỌC TẬP
Đọc và đánh số thứ tự vào từng ô trước các chi tiết dưới đây theo đúng trình tự xuất hiện trong truyện Thánh Gióng (học sinh làm vào phiếu học tập)
(1) Hai vợ chồng ông lão ao ước có một đứa con
(2) Bà ra đồng thấy một vết chân to ướm thử
(3) Bà sinh ra Gióng, lên ba vẫn không biết nói
(4) Giặc Ân xâm lược, vua sai sứ giả rao tìm người tài cứu nước
(5) Nghe tiếng rao, Gióng liền nói được ngỏ lời xin đi đánh giặc
(6) Gióng lớn nhanh như thổi, bà con làng xóm phải góp gạo nuôi
(7) Vua cho mang ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt đến, Gióng vươn vai cao hơn trượng, phi ngựa xông vào trận, giặc tan.
(8) Gióng cùng ngựa sắt lên núi Sóc Sơn và bay lên trời
(9) Vua nhớ công ơn, lập đền thờ
- Bước 3: GV đặt câu hỏi: VB có thể chia làm mấy phần? Nêu ND chính của từng phần?
- HS trả lời. GV nhận xét và chuẩn kiến thức.
- GV đặt tiếp câu hỏi: PTBĐ chính của truyện là gì?
- HS trả lời, GV chuẩn kiến thức: Phương thức tự sự 2. Bố cục: 4 phần
- P1: từ đầu… nằm đấy : Sự ra đời kỳ lạ của Gióng
- P2: Tiếp… cứu nước: Gióng cất tiếng nói đầu tiên xin đi cứu nước; cả làng góp gạo nuôi Gióng.
- P3: Tiếp… lên trời: Gióng đánh tan giặc và bay về trời
- P4: Còn lại: Những vết tích còn lại của Gióng.

- Bước 4: GV đặt câu hỏi: Hình tượng Thánh Gióng – nhân vật chính của truyện đã được xây dựng bằng rất nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo. Em hãy tìm và liệt kê ra những chi tiết đó?
- HS trả lời, GV nhận xét và bổ sung:
+ Gióng được sinh ra một cách kì lạ: Bà mẹ ướm chân - thụ thai, 12 tháng mới sinh; cậu bé lên 3 không nói, cười, đi, đặt đâu nằm đấy.
+Tiếng nói đầu tiên của Thánh Gióng là tiếng nói đòi đánh giặc.
+ Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không biết no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Bà con làng xóm góp gạo nuôi Gióng.
+ Gióng vươn vai thành tráng sĩ ... ra trận đánh giặc... Roi sắt gãy... nhổ tre bên đường quật vào lũ giặc.
+ Giặc tan, Gióng phi ngựa lên núi Sóc, cởi áo giáp bỏ lại, rồi cưỡi ngựa bay về trời... 3. Phân tích
a. Hình tượng Thánh Gióng
- GV đặt câu hỏi: Chi tiết kể về sự ra đời kì lạ của Gióng có ý nghĩa như thế nào?
- HS suy nghĩ, trả lời.
- GV chuẩn kiến thức. - Ra đời kì lạ: Gióng là một vị thần được sinh ra từ nhân dân

- Bước 5: GV yêu cầu HS thảo luận theo nhóm: Tìm hiểu ý nghĩa của các chi tiết kì ảo trong truyện?
+ Tổ 1:
(1) Tiếng nói đầu tiên của Gióng là đòi đi đánh giặc.
(2) Gióng đòi sứ giả tâu với vua rèn ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt.
+ Tổ 2:
(3) Bà con làng xóm góp gạo nuôi Gióng.
(4) Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ.
+ Tổ 3:
(5) Thánh Gióng bay về trời.
- HS thực hiện nhiệm vụ, trình bày
- GV đánh giá, chuẩn kiến thức.
- Tiếng nói đầu tiên của cậu bé là đòi đánh giặc:
• Ý nghĩa: ca ngợi ý thức đánh giặc cứu nước: Khi Gióng bắt đầu nói thì nói điều quan trọng, nói lời yêu nước, lời cứu nước. Đó là ý thức yêu nước được đặt lên đầu tiên.
• Ý thức ấy tạo cho người anh hùng những khả năng khác thường thần kì
• Gióng là hình ảnh của nhân dân, khi dân tộc gặp cơn nguy biến thì họ sẵn sàng đứng ra cứu nước, giống như Gióng, khi vua vừa kêu gọi đã đáp lời cứu nước
- Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt để đánh giặc: Những vật dụng mà Gióng yêu cầu là những thành tựu về văn hoá, kĩ thuật của dân tộc ta từ những buổi đầu đánh giặc giữ nước, đánh dấu sự ra đời của đồ sắt thay thế cho thời kì đồ đá, và nghề thủ công.
- Bà con làng xóm góp gạo nuôi:
• Gióng lớn lên bằng thức ăn, đồ mặc của nhân dân, nuôi dưỡng bằng những cái bình thường, giản dị.
• Chi tiết còn nói lên truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta từ thuở xưa. ND ta rất yêu nước, ai cũng mong Gióng lớn nhanh ra trận đánh giặc.
Sức mạnh của Gióng là sức mạnh của toàn dân. Một người không thể cứu nước, phải toàn dân hợp sức thì công cuộc đánh giặc cứu nước mới trở lên mau chóng.
- Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ:
• Sự vươn vai của Gióng có liên quan đến truyền thống của truyện cổ dân gian. Thời cổ nhân dân ta quan niệm người anh hùng phải khổng lồ về thể xác, sức mạnh, chiến công. Thần Trụ trời, Sơn Tinh ... đều là những nhân vật khổng lồ. Cái vươn vai của Gióng để đạt đến độ phi thường ấy.
• Sự lớn lên của Gióng đã đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ cứu nước. Khi lịch sử đặt ra vấn đề sống còn cấp bách, khi tình thế đòi hỏi dân tộc vươn lên một tầm vóc phi thường thì dân tộc ta vụt lớn dậy như Thánh Gióng, tự mình thay đổi tư thế tầm vóc của mình.
- Roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc:
• Chi tiết cho thấy sự sáng tạo, nhanh trí của Gióng
• Gióng đánh giặc không những bằng vũ khí mà bằng cả cỏ cây của quê hương đất nước, bằng bất cứ những gì có thể giết được giặc  thể hiện quyết tâm giết giặc đến cùng.
- Giặc tan, Gióng cưỡi ngựa bay về trời:
• Nhân dân yêu mến, trân trọng muốn giữ mãi hình ảnh của người anh hùng nên đã để Gióng về với cõi vô biên, bất tử, sống mãi trong lòng dân tộc.
• Đánh giặc xong, Gióng không trở về nhận phần thưởng. Dấu tích của chiến công, Gióng để lại cho quê hương xứ sở (tên đất, tên làng, ao hồ...)
- Bước 6: Ý nghĩa của hình tượng nhân vật TG (Gióng đại diện cho ai? Mang sức mạnh của ai? Hình tượng Gióng thể hiện ước mơ gì của nhân dân?)
- HS suy nghĩ, trả lời.
- GV chuẩn kiến thức. b. Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng
- Gióng là hình tượng người anh hùng đầu tiên, tiêu biểu cho lòng yêu nước, cho ý thức đánh giặc cứu nước của nhân dân ta.
- Gióng là vị thần sinh ra từ nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng, mang sức mạnh của cộng đồng, của thiên nhiên, văn hóa, kĩ thuật.
- TG thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân về người anh hùng dân tộc: Mong muốn có một sức mạnh siêu nhiên để đánh giặc.
- Bước 7: GV đặt câu hỏi cho cả lớp: Truyện có ý nghĩa gì? Nêu những đặc sắc nghệ thuật của truyện?
- HS suy nghĩ, trả lời
- GV chuẩn kiến thức. 4. Tổng kết
a. Nội dung – Ý nghĩa
* Nội dung: Truyện kể về công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm của người anh hùng Thánh Gióng, qua đó thể hiện ý thức tự cường của dân tộc ta.
* Ý nghĩa: Truyện ca ngợi người anh hùng đánh giặc tiêu biểu cho sự trỗi dậy của truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, anh dũng kiên cường của dân tộc ta.
b. Nghệ thuật
- Chi tiết tưởng tượng kì ảo
- Khéo kết hợp huyền thoại và thực tế (cốt lõi sự thực lịch sử với những yếu tố hoang đường)
- Bước 8: GV gọi HS đọc ghi nhớ SGK/23
HS đọc c. Ghi nhớ (SGK/23)
HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
- Mục tiêu: hoàn thiện kiến thức vừa chiếm lĩnh được; rèn luyện kĩ năng áp dụng kiến thức mới để giải quyết các tình huống/vấn đề trong học tập.
- Phương pháp: Vấn đáp
- Thời gian: 5p

Câu 1: Ý nghĩa hình tượng Thánh Gióng là gì?

A. tượng trưng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân
B. biểu tượng về lòng yêu nước, sức mạnh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.
C. ước mơ cùa nhân dân ta về hình mẫu lí tưởng của người anh hùng chống giặc ngoại xâm thời kì đầu dựng nước.
D. Tất cả đều đúng
Câu 2: Trong truyện Thánh Gióng, cậu bé Gióng cất tiếng nói đầu tiên khi nào?
A. Khi Gióng được sáu tuổi và đòi đi chăn trâu.
B. Khi cha mẹ Gióng bị bệnh và qua đời.
C. Khi nghe sứ giả của nhà vua thông báo công chúa kén phò mã.
D. Khi nghe sứ giả của nhà vua đi loan truyền tìm người tài giỏi cứu nước, phá giặc Ân.
Câu 3: Tác phẩm Thánh Gióng thuộc thể loại truyện dân gian nào?

A. Cổ tích.
B. Thần thoại.
C. Truyền thuyết.
D. Ngụ ngôn.
Câu 4: Phát biểu nào sau đây nói đúng nhất về nhân vật Thánh Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng?
A. Thánh Gióng là nhân vật được xây dựng từ hình ảnh những người anh hùng có thật thời xưa.
B. Thánh Gióng là nhân vật được xây dựng dựa trên truyền thống tuổi trẻ anh hùng trong lịch sử và từ trí tưởng tượng bắt nguồn từ tinh thần yêu nước của nhân dân.
C. Thánh Gióng là một cậu bé kì lạ chỉ có trong thời kì đầu dựng nước.
D. Thánh Gióng là nhân vật do nhân dân tưởng tượng hư cấu nên để thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên.
Câu 5: Để ghi nhớ công ơn của Thánh Gióng, vua Hùng đã phong cho Thánh Gióng danh hiệu gì?
A. Đức Thánh Tản Viên.
B. Lưỡng quốc Trạng nguyên.
C. Bố Cái Đại Vương.
D. Phù Đổng Thiên Vương.
HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
- Mục tiêu: phát hiện các tình huống thực tiễn và vận dụng được các kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống tương tự tình huống/vấn đề đã học.
- Phương pháp: Vấn đáp
- Thời gian: 5p
- Gv đặt câu hỏi: Qua video phần đầu kết hợp với hiểu biết bản thân, hãy cho biết Hội Gióng được tổ chức ở đâu? Vào thời gian nào? Mục đích của Hội Gióng là gì?
- HS trả lời, GV mở rộng kiến thức:
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2010. Giá trị nổi bật của hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ.
HOẠT ĐỘNG TÌM TÒI, MỞ RỘNG
- Mục tiêu: tìm tòi, mở rộng thêm những gì đã được học, dần hình thành nhu cầu học tập suốt đời.
- Phương pháp: vấn đáp
- Thời gian: 3p
Yêu cầu: hãy sưu tầm và kể lại truyền thuyết về một nhân vật lịch sử có gắn với các di tích ở địa phương em?
4. Hướng dẫn về nhà (1 phút)
- Học bài cũ: Học thuộc ghi nhớ; hoàn thiện các bài tập trong phần luyện tập
- Chuẩn bị bài mới: Tìm hiểu chung về văn tự sự

Xem thêm các bài Giáo án ngữ văn 6, hay khác:

Bộ Giáo án ngữ văn 6 được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục với mục đích giúp các Thầy, Cô giảng dạy dễ dàng và biên soạn Giáo án tốt hơn, đơn giản hơn theo sát chương trình.