Cách giải bài toán dạng: Chứng minh hai tam giác đồng dạng

ConKec xin gửi tới các bạn bài học Chứng minh hai tam giác đồng dạng. Bài học cung cấp cho các bạn phương pháp giải toán và các bài tập vận dụng. Hi vọng nội dung bài học sẽ giúp các bạn hoàn thiện và nâng cao kiến thức để hoàn thành mục tiêu của mình.

A. PHƯƠNG PHÁP GIẢI

Cách chứng minh hai tam giác thường đồng dạng

- Nếu một đường thẳng cắt hai cạnh của một tam giác và song song với cạnh còn lại thì nó tạo thành một tam giác mới đồng dạng với tam giác đã cho (hệ quả định lý Ta-lét)

- Nếu ba cạnh của tam giác này tỉ lệ với ba cạnh của tam giác kia thì hai tam giác đó đồng dạng (cạnh - cạnh - cạnh)

- Nếu hai cạnh của tam giác này tỉ lệ với hai cạnh của tam giác kia và hai góc tạo bởi các cặp cạnh đó bằng nhau, thì hai tam giác đó đồng dạng (cạnh - góc - cạnh)

- Nếu hai góc của tam giác này lần lượt bằng hai góc của tam giác kia thì hai tam giác đó đồng dạng với nhau (góc - góc)

Cách chứng minh hai tam giác vuông đồng dạng

- Tam giác vuông này có một góc nhọn bằng góc nhọn của tam giác vuông kia (góc-góc)

- Tam giác vuông này có hai cạnh góc vuông tỉ lệ với hai cạnh góc vuông của tam giác kia (cạnh - góc - cạnh)

Ví dụ 1: Cho tứ giác ABCD có AB = 2cm; BC = 6cm; CD = 8cm; DA = 3cm và BD = 4cm. Chứng minh rằng $\Delta BAD\sim \Delta DBC$

Hướng dẫn:

Ta có:

$\frac{BA}{DB}=\frac{2}{4}=\frac{1}{2}$

$\frac{AD}{BC}=\frac{3}{6}=\frac{1}{2}$

$\frac{DB}{CD}=\frac{4}{8}=\frac{1}{2}$

$\Rightarrow \frac{BA}{DB}=\frac{AD}{BC}=\frac{DB}{CD}$

$\Rightarrow \Delta BAD\sim \Delta DBC$ (c.c.c)

Ví dụ 2: Cho hình vẽ dưới. Hãy chỉ ra các tam giác đồng dạng, viết các tam giác theo thứ tự đỉnh tương ứng và giải thích vì sao đồng dạng.

Hướng dẫn:

$\Delta ABC\sim \Delta ADC$ vì $\left\{\begin{matrix}\widehat{A}=\widehat{A}\\\widehat{B}=\widehat{D}=90^{\circ}\end{matrix}\right.$

$\Delta EDF\sim \Delta EBA$ vì $\left\{\begin{matrix}\widehat{E}=\widehat{E}\\\widehat{B}=\widehat{D}=90^{\circ}\end{matrix}\right.$

$\Delta CBF\sim \Delta CDA$ vì $\left\{\begin{matrix}\widehat{C}=\widehat{C}\\\widehat{B}=\widehat{D}=90^{\circ}\end{matrix}\right.$

$\Delta ABC\sim \Delta ADC$ vì $\left\{\begin{matrix}\widehat{D}=\widehat{B}=90^{\circ}\\\widehat{F_{2}}=\widehat{F_{1}}\end{matrix}\right.$

B. Bài tập & Lời giải

1. Hai tam giác mà các cạnh có độ dài như sau có đồng dạng không?

a) 4cm; 5cm; 6cm và 8mm; 10mm; 12mm

b) 3cm; 4cm; 6cm và 9cm; 15cm; 18cm

c) 1dm; 2dm; 2dm và 1dm; 1dm; 0,5dm

2. Cho $\Delta $ABC cân tại A có góc ở đáy bằng a. Trên các cạnh AB, BC, CA lần lượt lấy các điểm D, M, E sao cho $\widehat{DME}=a$. Chứng minh $\Delta $BDM đồng dạng với $\Delta $CME.

3. Cho hình thoi ABCD có $\widehat{A}=60^{\circ}$, qua C kẻ đường thẳng d cắt các tia đối của các tia BA, DA theo thứ tự ở E và F. Chứng minh rằng:

a) $\frac{EB}{BA}=\frac{AD}{DF}$

b) $\Delta EBD\sim \Delta BDF$

4. Cho $\Delta $ABH vuông tại H có AB = 20cm; BH = 12cm. Trên tia đối của tia HB lấy điểm C sao cho $\frac{AC}{AH}=\frac{5}{3}$. Chứng minh rằng $\Delta ABH\sim \Delta CAH$

5. Cho $\Delta $ABC vuông tại A có đường cao AH . Gọi D là hình chiếu của H trên AC, E là hình chiếu của H trên AB. Chứng minh $\Delta ADE\sim \Delta ABC$

Xem lời giải

Xem thêm các bài Chuyên đề toán 8, hay khác:

Để học tốt Chuyên đề toán 8, loạt bài giải bài tập Chuyên đề toán 8 đầy đủ kiến thức, lý thuyết và bài tập được biên soạn bám sát theo nội dung sách giáo khoa Lớp 8.

Lớp 8 | Để học tốt Lớp 8 | Giải bài tập Lớp 8

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 8, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 8 giúp bạn học tốt hơn.