A. PHƯƠNG PHÁP GIẢI
Để chứng minh tứ giác là hình thoi, ta có thể chứng minh theo một số cách sau đây:
- Tứ giác có bốn cạnh bằng nhau.
- Hình bình hành có hai cạnh kề bằng nhau.
- Hình bình hành có hai đường chéo vuông góc.
- Hình bình hành có một đường chéo là đường phân giác của một góc.
Ví dụ 1: Chứng minh rằng các trung điểm bốn cạnh của một hình chữ nhật là các đỉnh của một hình thoi.
Hướng dẫn:
Xét hình chữ nhật ABCD có M, N, P, Q lần lượt là trung điểm của các cạnh AB, BC, CD, DA. Ta cần chứng minh tứ giác MNPQ là hình thoi
Vì ABCD là hình chữ nhật nên $A\widehat{A}=\widehat{B}=\widehat{C}=\widehat{D}=90^{\circ}$ (1)
Áp dụng tính chất về cạnh và giả thiết vào hình chữ nhật ABCD ta được:
- AM = MB; CP = PD
- AQ = QD; BN = NC
- AB = CD; AD = BC
$\Rightarrow $ MA = MB = PC = PD và AQ = BN = CN = DQ (2)
Từ (1) và (2) suy ra bốn tam giác vuông MAQ, MBN, PCN, PDQ bằng nhau
$\Rightarrow $ MN = NP = PQ = QM
Tứ giác MNPQ có 4 cạnh bằng nhau nên là hình thoi.
Ví dụ 2: Cho hình thoi ABCD. Trên cạnh BC và CD lần lượt lấy hai điểm E và F sao cho BE = DF. Gọi G, H thứ tự là giao điểm của AE và AF với đường chéo BD. Chứng minh rằng tứ giác AGCH là hình thoi.
Hướng dẫn:
Gọi O là giao điểm của AC và BD thì AC $\perp $ BD tại O theo tính chất về đường chéo của hình thoi.
Áp dụng định nghĩa, tính chất về góc và giả thiết vào hình thoi ABCD ta được:
- AB = AD
- $\widehat{B}=\widehat{D}$
- BE = DF
$\Rightarrow $ $\Delta $ABE = $\Delta $ADF (c.g.c)
$\Rightarrow \widehat{A_{1}}=\widehat{A_{4}}$ (1)
Điều này chứng tỏ $\Delta $AGH có đường cao AO đồng thời là đường phân giác nên $\Delta $AGH cân tại A $\Rightarrow $ HO = OG (2)
Áp dụng tính chất về đường chéo vào hình thoi ABCD ta được AO = OC (3)
Từ (1), (2) và (3) có tứ giác AGCH là hình bình hành có đường chéo AC là phân giác của $\widehat{HAG}$ nên nó là hình thoi.
B. Bài tập & Lời giải
1. Cho hình bình hành ABCD có AC $\perp $ CD. Gọi M, N lần lượt là trung điểm của AD và BC. Chứng minh rằng tứ giác AMCN là hình thoi.
2. Cho $\Delta $ABC cân tại A, đường cao BD và CE. Gọi M là trung điểm của BC, H và K lần lượt là chân đường vuông góc kẻ từ M đến AB và AC, I là trung điểm của DE. Tứ giác MHIK là hình gì? Vì sao?
3. Cho hình thoi ABCD. Trên hai cạnh BC, CD lần lượt lấy hai điểm M và N sao cho BM = DN. Gọi P, Q thứ tự là giao điểm của AM và AN với đường chéo BD. Chứng minh rằng tứ giác APCQ là hình thoi.