Giáo án địa lí 9: Bài 25: Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

Dưới đây là mẫu giáo án phát triển năng lực bài:vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Bài học nằm trong chương trình Địa lí 9. Bài mẫu có : văn bản text, file word đính kèm. Thầy cô giáo có thể tải về để tham khảo. Tài liệu hoàn toàn miễn phí. Hi vọng, mẫu giáo án này mang đến sự hữu ích và tham khảo cần thiết.

BÀI 25: VÙNG DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ
I. MỤC TIÊU : HS cần:
1.1. Kiến thức
- Khắc sâu sự hiểu biết qua các bài học về vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là nhịp cầu nối giữa Bắc Trung Bộ với Đông Nam Bộ, giữa Tây nguyên với biển Đông.
- Là vùng có 2 quần đảo lớn: Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của đất nước
1.2. Kĩ năng
- Nắm vững phương pháp so sánh sự tương phản lãnh thổ trong nghiên cứu vùng duyên hải miền Trung.
- Đọc và phân tích lược đồ tự nhiên
1.3. Thái độ
Giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc
1.4. Định hướng phát triển năng lực
- NL chung: tự học, sáng tạo, tự quản lí, giao tiếp, hợp tác, sử dụng ngôn ngữ, tính toán
- NL chuyên biệt: tư duy tổng hợp theo lãnh thổ, sử dụng bản đồ, tranh ảnh, số liệu.
II. CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH
2.1. Chuẩn bị của GV
- Lược đồ tự nhiên vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
- Tranh ảnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
2.2. Chuẩn bị của HS
Một số tranh ảnh về vùng
III. TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP
1. Ổn định tổ chức
2. Kiểm tra bài cũ
Câu hỏi:
1. Nêu những thành tựu và khó khăn về phát triển nông - công nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ?
2. Tại sao du lịch là thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ?
3. Tiến trình dạy học
3.1. HOẠT ĐỘNG MỞ ĐẦU
Bước 1: GV yêu cầu HS
+ Học sinh xem 1 clip cảnh đẹp và địa danh các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ
+ Theo dõi clip ghi nhanh tên tỉnh, địa danh có trong clip và cho biết chúng thuộc vùng kinh tế nào?
+ Ai ghi được nhiều, đúng và nhanh nhất ->chiến thắng nhận 1 phần thưởng của cô (gói Bim Bim).
https://www.youtube.com/watch?v=d9R2XN23Rp8
- Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ:HS theo dõi clip và ghi nhanh những gì GV yêu cầu.
- Bước 3: Từ phần trả lời của học sinh, giáo viên dẫn vào bài.
3.2. HÌNH THÀNH KIẾN THỨC MỚI
Hoạt động 1: Tìm hiểu vị trí địa lí và lãnh thổ của vùng (5 phút)
* Mục tiêu
- Xác định và phân tích trên bản đồ vị trí và phạm vi giới hạn của vùng.
- Trình bày được ý nghĩa của VTĐL đối với việc phát triển KT-XH.
- Liên hệ vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo thông qua vai trò, ý nghĩa của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
* Phương pháp/kĩ thuật dạy học
- Cặp đôi/Nghiên cứu bản đồ, đặt câu hỏi.
* Phương tiện
- Bản đồ các vùng kinh tế của VN.
- Bản đồ tự nhiên Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
- Phiếu học tập
* Tiến trình hoạt động
Hoạt động của GV và HS Nội dung
Bước 1: Xác định lãnh thổ của vùng
GV giới thiệu vùng trên lược đồ.
? Dựa thông tin sgk cho biết khái quát quy mô lãnh thổ của vùng

Bước 2: Xác định vị trí của vùng
? Xác định vị trí giới hạn của vùng?
(Đông giáp biển Đông có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Tây giáp Lào, Tây Nguyên, Bắc giáp Bắc Trung Bộ., Nam giáp Đông Nam Bộ)
HS lên bảng xác định.
? Vị trí đó có ý nghĩa gì đối với vùng và với cả nước?
(Lãnh thổ kéo dài dọc ven biển có nhiều Hải cảng là cửa ngõ của Tây Nguyên với Đông Nam Bộ. Là nơi có nhiều phong cảnh đẹp phát triển du lịch, các đảo và quần đảo lớn có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế và cả đối với quốc phòng) * Khái quát:
- Vùng gồm có: 8 Tỉnh thành
- S: 44.254 km2 chiếm 13%
- Dân số: (năm 2002) 8,4 triệu chiếm 11% dân số cả nước.
I. Vị trí giới hạn
- Vị trí giới hạn: ( Lược đồ H25.1)
- Ý nghĩa:
+ Là cầu nối Bắc Trung Bộ với Tây Nguyên và với Đông Nam Bộ
+ Có các đảo và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có tầm quan trọng đặc biệt cả về kinh tế - quốc phòng đối với vùng và với cả nước.
Hoạt động 2: Tìm hiểu điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng (20 phút)
* Mục tiêu
- Trình bày được đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, thuận lợi và khó khăn của vùng với phát triển kinh tế - xã hội.
- Xác định trên bản đồ (Atlat) vị trí và tên một số tài nguyên thiên nhiên, cảnh đẹp tự nhiên của vùng và vai trò của chúng trong phát triển kinh tế của vùng.
- Vấn đề bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo của vùng rất quan trọng.
* Phương pháp/kĩ thuật dạy học:
- Nhóm, đặt câu hỏi, nghiên cứu bản đồ tranh ảnh.
- Kĩ thuật: ‟Chúng em biết 3”
* Phương tiện
- Máy chiếu, hình ảnh, bản đồ
* Tiến trình hoạt động
Hoạt động của GV và HS Nội dung
Bước 1: Đặc điểm địa hình, khí hậu
? Hãy nhận xét về đặc điểm địa hình
(Các đồng bằng không rõ nét như ở Bắc Trung Bộ là do bị chia cắt, có những dải cát rộng kéo dài)
? Bằng kiến thức đã học và sự hiểu biết của bản thân, cho biết đặc điểm khí hậu của vùng?
(Mang tính chất nhiệt đới gió mùa và sắc thái khí hậu á xích đạo)
? Xác định trên bản đồ các vịnh Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh. Các bãi tắm và các địa điểm du lịch nổi tiếng của vùng?
Bước 2: Phân tích thế mạnh và hạn chế
HS hoạt động nhóm trả lời các câu hỏi sau:
+ Nhóm 1: Phân tích thế mạnh về kinh tế Biển?
(Vùng nước mặn, lợ thuận lợi nuôi trồng thủy sản (tôm sú), đảo ven bờ từ Quảng Nam đến Khánh Hòa khai thác tổ yến)
+ Nhóm 2: Phân tích thế mạnh về phát triển nông nghiệp, công nghiệp của vùng?
(Đất nông nghiệp ở đồng bằng ven biển trồng lúa ngô, sắn khoai, rau quả, cây công nghiệp như bông; chân núi chăn nuôi gia súc lớn. Công nghiệp khai thác khoáng sản)
+ Nhóm 3: Phân tích thế mạnh phát triển du lịch và những khó khăn do thiên nhiên gây ra?
(Thường xuyên hạn hán kéo dài, hiện tượng sa mạc hóa nguy cơ mở rộng)
HS báo cáo - nhận xét -> bổ sung.
GV chuẩn kiến thức.
? Tại sao vấn đề bảo vệ và phát triển rừng có tầm quan trọng đặc biệt ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ?
(Bảo vệ và phát triển rừng nhằm hạn chế thiên tai (chống xói mòn đất, giữ nước, hạn chế lũ lụt trong mùa mưa , bão, hạn hán trong mùa hè…) tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi) II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
- Địa hình: Phức tạp
+ Phía Tây là núi, gò đồi
+ Phía Đông là dải đồng bằng hẹp bị các dãy núi chia cắt. Bờ biển khúc khuỷu, có nhiều vũng, vịnh.
- Khí hậu khô hạn, thiên tai thường xuyên xảy ra đặc biệt trong mùa mưa, bão. Hiện tượng sa mạc hoá đang có xu hướng mở rộng.
- Tài nguyên thiên nhiên:
+ Vùng nước mặn, nước lợ ven bờ, với vùng biển rộng lớn có các đảo và quần đảo, nguồn thuỷ sản phong phú.=> Thế mạnh về kinh tế biển .
+ Đất nông nghiệp ở dải đồng bằng duyên hải. Đất rừng chân núi => Thuận lợi trồng cây lương thực, cây công nghiệp, trồng rừng và chăn nuôi gia súc.
+ Khoáng sản chính: Cát thuỷ tinh, titan, vàng.

Hoạt động 3: Tìm hiểu đặc điểm dân cư – xã hội của vùng (15 phút)
* Mục tiêu
- Trình bày và phân tích được đặc điểm, những thuận lợi và khó khăn về đặc điểm dân cư xã hội của vùng trong phát triển kinh tế xã hội.
- Đưa ra giải pháp rút ngắn khoảng cách giữa khu vực phía tây và đông?
- Đọc được bảng số liệu.
* Phương pháp/kĩ thuật dạy học
Cá nhân/cặp đôi, Nghiên cứu tranh ảnh, bảng số liệu, đặt câu hỏi.
* Phương tiện
Hình ảnh, bảng số liệu liên quan
* Tiến trình hoạt động
Hoạt động của GV và HS Nội dung
Bước 1: Phân bố dân cư
? Hãy nhận xét về sự khác biệt trong phân bố dân cư, dân tộc và hoạt động kinh tế giữa vùng đồng bằng ven biển với vùng đồi núi phía tây?
(Đồng bằng: người kinh chủ yếu một bộ phận nhỏ người chăm, mật độ dân số cao phân bố ở thành phố , thị xã, kinh tế. Công nghiệp thương mại, du lịch khai thác nuôi trồng thủy sản.Vùng đồi: Chủ yếu là dân tộc Cơtu, Eâđê,.. mật độ dân số thấp, hộ nghèo cao; chăn nuôi gia súc lớn rừng, cây công nghiệp)
Bước 2: Trình độ dân cư – xã hội của vùng
? Dựa và bảng 25.2 hãy nhận xét tình hình dân cư - xã hội ở duyên hải Nam TBộ so với cả nước?
(Thấp hơn so với cả nước)
? Xác định trên bản đồ vị trí các di tích văn hoá - lịch sử được công nhận là di sản văn hoá thế giới
(Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An…….) III. Đặc điểm dân cư - xã hội
- Trong phân bố dân cư, dân tộc và hoạt động kinh tế có sự khác nhau giữa vùng đồng bằng ven biển và vùng đồi núi phía tây (bảng 25.1)
- Đời sống các dân tộc ở miền núi phía tây còn thấp và có nhiều khó khăn.
- Dân cư có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khắc phục thiên tai, giàu kinh nghiệm trong khai thác vùng biển đông
- Có nhiều di tích văn hoá - lịch sử: Di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An (di sản văn hoá thế giới)
3.3. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP:
- Bước 1: Tổ chức HS chơi Trò chơi: Ô CỬA BÍ MẬT.
Giáo viên lấy tinh thần xung phong 2 bạn lên điều khiển trò chơi (1 HS ngồi điều khiển máy chiếu, 1 HS dẫn trò chơi)
- Bước 2: Nhận xét và khen ngợi động viên cá nhân và cả lớp.
Gợi ý các câu hỏi:
Câu 1: Tỉnh nào sau đây không thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ?
A. Thừa Thiên Huế. B. Đà Nẵng. C. Bình Định. D. Bình Thuận.
Câu 2: Vịnh nào sau đây không thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ?
A. Dung Quất. B. Cam Ranh C. Hạ Long. D. Vân Phong.
Câu 3. Vùng tiếp giáp với Duyên hải Nam Trung Bộ là
A. vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. B. vùng Đông Nam Bộ.
C. vùng Đồng bằng sông Hồng. D. Đồng bằng sông Cửu Long.
Câu 4: Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lần lượt thuộc tỉnh, thành phố nào?
A. Tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. B. Tỉnh Bình Định và Phú Yên.
C. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. D. Tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Câu 5: Khoáng sản chính của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là:
A. sắt, đá vôi, cao lanh. B. than nâu, mangan, thiếc.
C. đồng, apatít, vàng. D. cát thủy tinh, titan, vàng.
Câu 6: Các di sản văn hóa của thế giới trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là:
A. Cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế. B. Ca trù, Quan Họ
C. Vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng. D.Phố cổ Hội An, di tích Mĩ Sơn.
Câu 7: Các bãi biển thu hút đông khách du lịch ở Duyên hải Nam Trung Bộ là:
A. Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm. B. Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ.
C. Non Nước, Nha Trang, Mũi Né. D. Đồ Sơn, Lăng Cô, Vũng Tàu.
Câu 8: Hoạt động kinh tế ở khu vực đồi núi phía tây của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chủ yếu là:
A. nuôi bò, nghề rừng, trồng cà phê.
B. công nghiệp, thương mại, thủy sản.
C. trồng cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giao thông.
D. chăn nuôi gia súc lớn, nghề rừng, trồng cây công nghiệp.
3.4. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
Bước 1: Vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề sau:
- Nếu cho em lựa chọn một tỉnh thành của Duyên hải Nam Trung Bộ để em đến công tác, em sẽ chọn tỉnh nào? Vì sao?
- Để chọn một ngành nghề cống hiến sức mình cho xã hội ở Duyên hải Nam Trung Bộ, em sẽ chọn ngành nào? Vì sao?
Bước 2: HS về nhà trả lời tiếp 2 câu trên. Giờ sau cô giáo sẽ thu chấm điểm.
Bước 3: Hướng dẫn học bài.
-Nghiên cứu SGK/95,96,97 và thông tin mới trên mạng để làm nhiệm vụ của nhóm với nội dung sau:
N1(tổ 1, 3): Phân tích bảng 26.1/95 và giải thích vì sao chăn nuôi bò, khai thác và nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của vùng? Vì sao vùng biển Nam Trung Bộ nổi tiếng về nghề làm muối, đánh bắt và nuôi hải sản.
N2(tổ 2): quan sát lược đồ 26.1/ 96 và bảng 26.2/97 nhận xét tình hình sản xuất công nghiệp của vùng? Những thành tựu chuyển dịch cơ cấu vùng thể hiện như thế nào? Chỉ những trung tâm CN trên bản đồ.
N3(tổ 4): Nhắc lại những thuận lợi của vùng với phát triển dịch vụ: giao thông vận tải, du lịch? Chỉ trên lược đồ những điểm du lịch nổi tiếng?
3.5. HOẠT ĐỘNG TÌM TÒI/ MỞ RỘNG
- Chuẩn bị nội dung bài 26:
+ Sưu tầm tài liệu về nghề muối, nuôi tôm.
+ Các trung tâm công nghiệp của vùng.
V. RÚT KINH NGHIỆM

Xem thêm các bài Giáo án địa lý 9, hay khác:

Bộ Giáo án địa lý 9 được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục với mục đích giúp các Thầy, Cô giảng dạy dễ dàng và biên soạn Giáo án tốt hơn, đơn giản hơn theo sát chương trình Lớp 9.

Lớp 9 | Để học tốt Lớp 9 | Giải bài tập Lớp 9

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 9, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 9 giúp bạn học tốt hơn.