Đề bài: Viết đoạn văn ngắn về một nét sinh hoạt thể hiện vẻ đẹp con người và truyền thống văn hóa nơi em đang sống.
Bài tham khảo 1:
Quê em ở Nha Trang. Nhà em cách biển không xa. Những đêm trăng đẹp, em thường được cha mẹ cho ra ngắm biển. Biển quê em đẹp tuyệt vời trong những đêm trăng sáng. Mặt biển như một tấm thảm dát vàng khổng lồ. Xa xa, ánh đèn trên những chiếc thuyền câu lúc ẩn lúc hiện như những ánh sao trong đêm. Trên bãi biển, những du khách đang thả bước một cách thanh bình. Họ như muốn tận hương vẻ đẹp kì diệu của đêm trăng. Một vài bạn nhỏ đang chơi đùa dưới ánh trăng với những trò như cút bắt, trốn tìm. Chơi hết buổi tối mà em cũng chưa muốn về vì luyến tiếc vẻ đẹp của nó.
Bài tham khảo 2:
Giữa lòng thủ đô Hà Nội đầy tấp nập thì đâu đó vẫn có những quán hàng bày bán cốm non. Hương cốm non của đồng quê phả vào trong cơn gió bay ngào ngạt giữa không gian. Từng người bán hàng tay nhanh nhẹn và khéo léo gói những gói cốm nhỏ cho người mua. Góc phố Hà Nội mùa thu thì việc ăn cốm làm cho con người có thể cảm nhận được vị dẻo thơm của hạt gạo theo một nét rất riêng. Dường như Cốm đã trở thành một đặc trưng không thể thiếu của mảnh đất ngàn năm văn hiến, nó không chỉ là một thứ quà ăn vui miệng mà còn níu giữ tâm hồn của những người con Hà Nội.
Bài tham khảo 3:
Hằng năm, cứ đến ngày 6/2 âm lịch là nam nữ thanh niên, những người con xa xứ lại tề tựu về làng để dự hội làng. Ngày hội làng quê em thường được tổ chức rất long trọng và rộn rã. Để chuẩn bị cho ngày hội, các cụ bô lão trong làng đã ra quét dọn đình làng, khấn xin thành hoàng cho được tổ chức lễ hội từ chiều ngày hôm trước. Đêm trước lễ hội cũng là đêm vui vẻ nhất bởi các trò chơi văn nghệ, đố vui được làng tổ chức với sự góp vui, tranh tài của tất cả các thôn trong làng. Thôn nào cũng muốn thể hiện tài năng, cũng muốn giành giải nhất để cầu mong cho một năm mới bình an, thuận lợi. Đến ngày mồng 6/2, nghi thức quan trọng nhất là tế thần hoàng làng được đông đảo người dân tham gia. Nhà nào cũng muốn dâng lên Ngài một mâm ngũ quả do chính mình làm ra để tưởng nhớ công ơn lập làng, truyền nghề của đức thành hoàng làng.
Bài tham khảo 4:
Lễ hội làng nghề Bát Tràng là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền đời của Hà Nội và cũng là nơi cung cấp đồ sứ lớn nhất Việt Nam. Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh nghề truyền thống và thể hiện ước vọng của người dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Công việc chuẩn bị cho lễ hội rất công phu và long trọng. Phần tế lễ theo phong tục truyền thống và lễ rước nước, tấm bài vị, rước bài vị ra đình được thực hiện hết sức trang trọng. Sau khi lễ xong thì các vật phẩm đều được hạ xuống để chia đều cho các họ cùng hưởng. Sang đến phần hội thì em cảm thấy hứng thú hơn bởi diễn ra nhiều trò chơi, đặc biệt là trò chơi cờ và hát thờ. Khi đến với lễ hội, chúng ta sẽ được tìm hiểu một cách trực quan nhất về những nét đẹp văn hóa độc đáo chứa đựng bao tâm huyết của thế hệ người Việt.