Đề bài: Viết đoạn văn từ 200 - 300 chữ ghi lại cảm xúc của em khi đọc bài thơ Gặp lá cơm nếp
Bài làm
Bài tham khảo 1:
Sau khi đọc xong bài thơ “Gặp lá cơm nếp” của tác giả Thanh Thảo, em đã có rất nhiều cảm xúc về tình cảm yêu thương của người con dành cho mẹ và quê hương. Tình cảm đó khởi nguồn từ hương vị lá nếp thơm lừng làm cho người con nhớ về hình ảnh mẹ ngày xưa thổi cơm bếp nấu xôi cho anh ăn. Đó là một chi tiết hết sức cảm động. Bởi lẽ trên hành trình chiến đấu gian khổ, chỉ cần nhớ về những điều bình dị nhất luôn ở bên cạnh ta, cũng có thể khiến cho con người nghẹn ngào, nhung nhớ. Người con ở đây cũng vậy, chính nhớ hương thơm lá cơm nếp đó đã chữa lành cho tâm hồn yếu đuối của người con. Để cho người con dù ở phương trời xa cũng không thể quên được đi mùi vị của quê hương đất nước, của người mẹ già kính yêu. Cả hai thứ đó như hòa quyện vào làm một, tạo nên điểm nhấn cho cảm xúc mà Thanh Thảo muốn gửi gắm tới người đó. Đó chính là hãy trân trọng, yêu thương những điều giản đơn, bình dị nhất luôn hiện hữu xung quanh chúng ta.
Bài tham khảo 2:
Bài thơ “Gặp lá cơm nếp” của Thanh Thảo là một trong những bài thơ hay nhất nói về tình cảm yêu thương của người con với quê hương, mẹ già và đất nước mà em đã từng đọc. Cái hay của nó bởi vì từng dòng thơ là cảm xúc và trải nghiệm của chính tác giả, nên mang ý nghĩa và hình dung chân thực hơn cả. Mở đầu là hình ảnh hương khói bay ngang, mùi xôi lạ lùng khiến nhà thơ thèm bát xôi mùa gặt. Đây là chi tiết khởi nguồn cho dòng cảm xúc của bài thơ. Ngay sau đó, nhà thơ nhớ về người mẹ dấu yêu của mình cùng hình ảnh mẹ “nhặt lá về đun bếp”, “thổi cơm nếp”. Hình ảnh này thực sự rất cảm động, với người con xa quê, sự nhớ nhung về gia đình, về sự tần tảo, chịu khó của người mẹ khiến cho người đọc lắng đọng lại trong những cảm xúc suy tư. Không chỉ nhớ về người mẹ già, nhà thơ còn nhớ về mùi vị quê hương đất nước. Từ đó cho ta thấy tình cảm yêu thương đong đầy của người con xa quê dành cho những sự vật, con người xung quanh mình. Bài thơ đã để lại những dòng cảm xúc suy tư sâu sắc, khiến cho độc giả cảm nhận được hương vị của tình thân, tình yêu đất nước, yêu sự vật.
Bài tham khảo 3:
Khi đến với bài thơ “Gặp lá cơm nếp” của nhà thơ Thanh Thảo, người đọc sẽ được lắng đọng trong những dòng thơ tràn ngập cảm xúc. Đó chính là cảm xúc nhớ nhung về hương vị cơm nếp, nhớ về người mẹ già và nhớ về quê hương đất nước của người con. Người con ấy cũng chính là tác giả, vậy nên cảm xúc ấy được diễn tả chân thực và sâu sắc hơn hết. Đọc từng dòng thơ, người đọc chắc hẳn sẽ không thể quên được mùi xôi lạ lùng của hương khỏi bay ngang qua. Điều đó gợi cho nhân vật người con nhớ về hình ảnh người mẹ tần tảo, chịu khó của mình. Nhà thơ gọi mẹ trong sự nhung nhớ, mong chờ về hương vị của cơm nếp mẹ thường vẫn hay nấu. Chình điều đó khiến cho người đọc cảm động và đồng cảm với người con. Từ hương vị lá cơm nếp của mẹ, nhà thơ còn nhớ đến mùi vị của quê hương khiến anh phải thốt lên rằng: “Con quên làm sao được”. Câu nói dường như là một lời khẳng định, nhấn mạnh một điều là dù có đi xa đến nơi nào, thì quê hương, đất nước vẫn là nhà, là nơi bình yên và hạnh phúc nhất để quay trở về. Từng dòng cảm xúc lắng đọng thể hiện qua nỗi nhớ của người con trong bài thơ đã để lại ấn tượng và mang đến nhiều suy nghĩ trong lòng người đọc.
Bài tham khảo 4:
Tình cảm mẫu tử thiêng liêng và tình yêu quê hương, đất nước bất diệt là những đề tài quen thuộc trong các sáng tác văn học. Nhà thơ Thanh Thảo cũng đã viết về đề tài ấy, ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc trong bài thơ “Gặp lá cơm nếp”. Bài thơ đã ghi lại những dòng hồi tưởng của người con khi nghĩ đến hương vị của mùi xôi và nhớ về mẹ. Người con ấy là người chiến sĩ đang hành quân trên chiến trường Trường Sơn khốc liệt với rất nhiều gian nan, nguy hiểm và đôi lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng nhờ có hương vị làn khói của mùi xôi bay ngang qua, khiến cho anh nhớ về người mẹ thân yêu của mình. Mẹ hiện lên với sự tần tảo, chiu thương, chịu khó, chính mùi hương thơm của lá cơm nếp mẹ nấu khiến cho anh không thể nào quên được. Bên cạnh nỗi nhớ về mẹ, nỗi nhớ về quê hương cũng gợi lên trong anh, mùi vị đó thật quen thuộc biết bao khiến anh không thể quên được. Để rồi anh chia đều nỗi nhớ cho cả mẹ già và đất nước. Từ những chi tiết đó cho người đọc những cảm nhận khó quên, lắng đọng và thấu hiểu nhất. Hình ảnh kết thúc bài thơ là “Cây nhỏ rừng Trường Sơn/Hiều lòng nên thơm mãi…” cũng mang rất nhiều ý nghĩa. Đồng thời nó cũng chính là nỗi niềm, sự đồng cảm và thấu hiểu của người đọc đối với tâm trạng, nỗi nhớ của người con. Tóm lại, bài thơ đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc, giúp người đọc có những phút giây lắng đọng, hồi tưởng.