Đề bài: Trình bày ý kiến của em về thú chơi dân tranh dân gian trong đời sống hiện đại.
Bài tham khảo 1:
Chơi tranh là một trong những thú chơi lịch lãm và tao nhã của rất nhiều người không kể giàu nghèo. Trong đời sống của người Việt trước khi du nhập nền văn minh phương Tây thì tranh dân gian chiếm vị thế chủ đạo. Với loại tranh này, không chỉ những người địa vị cao trong xã hội mà cả tầng lớp bình dân đều có thể tham gia “chơi”.
Điển hình và rộng rãi trong xã hội là phong tục chơi/treo tranh Tết. Dịp Tết, mỗi gia đình Việt trước kia đều dán vài tờ tranh Tết cho không khí Tết ùa vào trong nhà từ sau ngày ông công ông táo. Bên cạnh thú chơi tranh Tết, câu đối Tết cũng là một thú chơi tao nhã của người Việt, đặc biệt là các nhà nho và những người thích chữ nghĩa. Khác với hoành phi, câu đối được làm cố định khi trang trí trong nhà, câu đối Tết chỉ sử dụng mỗi năm một lần. Câu đối Tết thường mang những ý nghĩa như “cung chúc tân xuân”, mừng đất nước, mừng gia tộc… đặc biệt là những nội dung cụ thể cho hy vọng trong năm mới của gia chủ. “Câu đối đỏ” mang đến sinh khí mới ấm áp, cũng có giá trị trang trí như một bức tranh trong những ngày đón xuân mới.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống vật chất thay đổi từng ngày, no ấm hơn, giàu có hơn. Mỗi người cũng được tiếp cận nhiều hơn với những thành tựu của khoa học và công nghệ, được giao lưu nhiều hơn với những luồng văn hóa bên ngoài lũy tre làng. Xã hội hiện đại cũng đã đưa đến những thay đổi lớn trong đời sống tinh thần, đặc biệt là các hình thức giải trí. Những thú vui cũ, những trò chơi dân gian xưa đã dần được thay thế bằng các sản phẩm văn hóa tân thời. Hát karaoke trở nên phổ biến, các game show trên truyền hình hay game online đã thay cho các trò chơi dân gian của con trẻ như thả diều, nhảy ngựa, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê… Và tranh dân gian xưa dường như cũng đã đi vào quên lãng. Thay vào đó là tranh hiện đại hoặc tranh khảm, tranh sứ, tranh kính, tranh đá… với những chất liệu đắt tiền hơn, cầu kỳ hơn.
Bên cạnh những yếu tố tích cực được mang lại từ những tiến bộ của khoa học công nghệ trong xã hội hiện đại, người dân cũng đang phải chịu nhiều sức ép từ mặt trái của cơ chế thị trường và quá trình toàn cầu hóa. Những tác động đó cũng hiện diện trong thú chơi tranh. Khác với lối chơi tranh dân gian giản dị và bình dân xưa, người chơi tranh hiện nay không nhiều nhưng lại có nhiều loại. Kẻ sang chơi tranh “xịn”, kẻ bình dân chơi tranh chép, tranh nhái, tranh giả cổ của cả tây lẫn ta. Cái được là biết thêm nhiều loại tranh mới ngoài tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống, còn cái mất là mất khả năng tư duy nghệ thuật truyền thống. Có thể bắt gặp ở nhiều nhà trọc phú hiện đại những biệt thự kiểu tây, nội thất chạm khảm kiểu ta, treo tranh chép của tây bên cạnh hoành phi câu đối giát vàng của ta… Điều đó cho thấy sự giàu có không đồng nghĩa với mỹ cảm nghệ thuật và tri thức.
Theo GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, “Treo tranh dân gian trong ngày Tết đã từng là thú vui tao nhã, phong tục đẹp của người Việt Nam, trước đây hầu như không có nhà nào không treo tranh dân gian trong dịp Tết. Tuy nhiên, hiện nay để có thể mua được tranh Đông Hồ bày bán trên các con phố Hà Nội trở nên rất khó khăn, hoặc nếu có thì kỹ thuật và thẩm mỹ cũng rất kém do bị thương mại hóa”.
Nhưng dù có khá nhiều người bị choáng ngợp bởi các loại tranh ngoại nhập và hiện đại trong cái xô bồ, náo nhiệt của đời sống hiện nay nhưng vẫn còn những người giữ được thú chơi tranh dân gian. Đó chính là mảnh đất nhỏ còn sót lại để tranh dân gian bám rễ và tồn tại. Tuy nhiên, thú chơi tranh dân gian giờ đây lại có sự tinh tế và sự đầu tư kỹ lưỡng hơn của người chơi tranh. Vẫn là những bức tranh Tố nữ, Hứng dừa, Gà mẹ gà con, Tứ linh, Tứ quí… xưa, nhưng người chơi tranh ngày nay đã biến chúng thành những tác phẩm đắt giá bằng nhiều chất liệu cao cấp bền hơn, đẹp hơn, đắt tiền hơn chứ không phải chỉ in trên giấy bản, giấy dó như xưa.
Sự chuyển đổi chất liệu không làm mất đi vẻ đẹp của tranh dân gian truyền thống mà còn tạo cho chúng một hơi thở mới, một sức sống mới. Nhiều bức tranh dân gian được ghép bằng đá quí, thêu lụa hay in gốm… mang tâm hồn Việt Nam, cốt cách Việt Nam được khách hàng đặt mua với giá hàng nghìn đô-la. Đó chính là “đất sống” mới cho tranh dân gian. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã nổi tiếng khá lâu ở làng tranh Đông Hồ cho biết: Ngoài những bức tranh truyền thống vẫn được in và bán cho khách du lịch, ông còn chế tác và bán được một mặt hàng khác là những khuôn in tranh. Khách hàng mua các mộc bản về treo ở nhà như những bức tranh khắc. Những người tìm mua các mộc bản là những người cầu kỳ, tỷ mỷ và khá am hiểu về dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Ngày nay, trong sự phát triển ngày càng mạnh mẽ và đa dạng của các loại hình nghệ thuật mới, tranh dân gian không còn chiếm vị trí độc tôn như xưa nhưng đâu đó vẫn dành được sự mến mộ của những người yêu nghệ thuật dân tộc. Ngày Tết, bên cạnh mâm cỗ Tết, ta vẫn còn thấy mâm ngũ quả và những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống được treo trong nhiều gia đình. Đặc biệt, tranh dân gian Việt Nam vẫn luôn được các học giả, các nhà sưu tập đánh giá cao về giá trị nghệ thuật. Hy vọng rằng, vẻ đẹp của tranh dân gian sẽ mãi được các thế hệ người Việt Nam lưu giữ cho hôm nay và cho cả mai sau.
Bài tham khảo 2:
Trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, tranh dân gian giữ một vị trí quan trọng, phản chiếu đời sống tinh thần của người dân. Không chỉ đa dạng về mẫu mã, thể loại, các đề tài trong tranh dân gian cũng vô cùng phong phú. Điều này thể hiện rõ trong các dòng tranh: Kim Hoàng, Hàng Trống, Đông Hồ, làng Sình... Mỗi dòng tranh có những đặc trưng và cũng có những thăng trầm riêng. Tranh Kim Hoàng thất truyền từ năm 1945 do nạn lụt và đói. Tranh Hàng Trống thì hiện chỉ có duy nhất gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn giữ nghề. Tranh Đông Hồ và làng Sình dẫu vẫn còn nhiều gia đình giữ được nghề xưa nhưng không thể vang bóng như thuở hoàng kim. Trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện đại, tranh dân gian đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền bởi nhu cầu chơi tranh, sử dụng tranh không còn phổ biến như xưa.
Làm thế nào để những dòng tranh dân gian được “hồi sinh”, đó cũng chính là trăn trở của các nghệ sĩ nhóm Latoa Indochine. Nhóm này được thành lập tháng 6-2022, hội tụ những họa sĩ có cùng đam mê, tâm huyết với sơn mài truyền thống và văn hóa dân gian với các tên tuổi quen thuộc trong giới nghệ thuật như: Lương Minh Hòa, Nguyễn Văn Phúc, cùng sự cộng tác kỹ thuật của các nghệ sĩ: Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Đình Duy, Nguyễn Trọng Khang, Phạm Huy Tuấn, Đinh Quang Hùng, Nguyễn Văn Điện.
“Tranh dân gian đã trải qua những thăng trầm, đó cũng là nguồn cảm hứng bất tận để chúng tôi nghiên cứu và làm mới nó. Sau nhiều nghiên cứu, thử nghiệm, chúng tôi đã tìm ra giải pháp, đó là chuyển thể tranh dân gian sang chất liệu sơn mài khắc (kết hợp giữa sơn mài và khắc). Thật may là nhiều họa sĩ trẻ rất quan tâm đến dự án này, đó là điều khiến tôi rất hạnh phúc bởi tôi nhìn thấy những người kế cận tiếp nối con đường di sản của cha ông”, ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Latoa Indochine chia sẻ.
5 năm nghiên cứu và 1 năm thực hành, các nghệ sĩ của Latoa Indochine đã “trình làng” trước công chúng hàng trăm tác phẩm tranh dân gian trên chất liệu sơn mài khắc. Trong gần 100 tác phẩm giới thiệu tại Triển lãm "Con đường" ở Bảo tàng Hà Nội lần này, phần lớn được sáng tác dựa trên những đề tài quen thuộc của các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàng như các bức tranh: "Thần Kê", "Đám cưới chuột", "Cá chép ngắm trăng", "Ngũ hổ"...
Ngoài các bức tranh lấy cảm hứng từ tranh dân gian, còn có một số bức tranh khác như: “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” và “Hương Vân Đại Đầu Đà” lấy cảm hứng từ Phật giáo và bức tranh chân dung danh nhân Nguyễn Trãi (được chuyển thể dựa trên bức tranh về Nguyễn Trãi chất liệu bột màu trên nền vải của tác giả P.D.TUE vẽ năm 1917) cũng cho thấy sự dày công và tâm huyết của các nghệ sĩ. Họa sĩ Lương Minh Hòa cho hay: “Khó khăn nhất khi chuyển thể tranh dân gian từ chất liệu giấy sang sơn mài khắc là giữ được nét, nếu trau chuốt quá thì lại là sản phẩm mỹ nghệ, còn lem nhem quá thì cũng không được. Vậy nên chúng tôi cố gắng hài hòa chất liệu để làm sao có thể giữ được tinh thần, hồn cốt của tranh dân gian, không làm mất đi sự kết nối từ chất liệu giấy sang sơn mài khắc”.
Với cách thể hiện đặc biệt mới mẻ, nhóm Latoa Indochine mang đến cho những người yêu nghệ thuật một góc nhìn thú vị, đầy sáng tạo về dòng tranh truyền thống của dân tộc, đồng thời, góp phần phát triển một nét văn hóa xưa lên tầm cao mới, hòa quyện giữa dân gian bình dị trong dòng chảy hiện đại, cấp tiến.
Có thể nói, việc chuyển hóa tranh dân gian vẽ, in trên giấy sang chất liệu sơn mài khắc đã mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của tranh dân gian. Vẫn là những chủ đề, đề tài quen thuộc của tranh dân gian nhưng với kỹ thuật thể hiện nghệ thuật sơn mài và khắc (chạm khắc, dát vàng, dát bạc...), các nghệ sĩ đã "khoác" thêm "chiếc áo mới" cho dòng tranh dân gian mà không làm mất đi hồn cốt của tranh dân gian cũng như những rung cảm trước tầng sâu của truyền thống thẩm mỹ Việt.
Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê: "Những bức tranh sơn mài dát vàng, dát bạc tạo được các mảng màu đối lập và bắt sáng, làm cho các bức tranh dân gian mang một hình ảnh mới sang trọng và giá trị hơn. Các hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện sắc nét, có chiều sâu và khi quan sát kỹ sẽ thấy tầng tầng lớp lớp màu được mài rất tỉ mỉ. Tất cả những điều đó khiến tranh dân gian trở nên đẹp hơn, hiện đại, sang trọng hơn, giá trị văn hóa-nghệ thuật cũng được nâng lên một tầm cao mới. Đây thực sự là một dự án bảo tồn và phát huy tranh dân gian có ý nghĩa, cần được nhân rộng và phát triển".
Ông Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá: Đây là sáng kiến rất đáng ghi nhận, vừa phát huy được giá trị của nghệ thuật truyền thống là sơn mài, sơn khắc, vừa phát huy được tinh hoa của tranh dân gian. Nếu không có niềm đam mê vốn cổ thì không thể thực hiện được.
Latoa là dự án bảo tồn, phục hồi tranh dân gian sơn mài khắc truyền thống Việt Nam. Triển lãm “Con đường” cũng là sự khởi đầu Dự án “Bảo tồn tranh dân gian Việt Nam” của Latoa Indochine, với mong muốn tiếp nối con đường cha ông. Đây là hành trình mà nhóm nghệ sĩ đã ấp ủ từ lâu. Một hành trình được xây dựng bởi những con người yêu, trân quý nét đẹp văn hóa dân tộc.
Bài tham khảo 3:
Xưa, mùa xuân đến, các làng tranh truyền thống lại nhộn nhịp in, quẩy tranh đi bán khắp nẻo, mang sắc Tết đến từng nhà. Nay, nét đẹp ấy thưa vắng dần. Đó là lý do mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ, họa sĩ Trang Thanh Hiền (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) tiếp tục hành trình nghiên cứu, làm dày thêm cuốn “Tranh Tết - Nét tinh hoa truyền thống Việt” để khơi dậy thú chơi tranh Tết dân gian trong đời sống hiện đại.
Bài tham khảo 4:
Không phải là thú chơi sang trọng của những nhà sưu tập, những người thuộc giới “thượng lưu”, trong đời sống của người Việt trước khi hội họa châu Âu du nhập tới, tranh dân gian chiếm vị thế chủ đạo. Sự chuyển mình của tranh Đông Hồ cũng như của các loại hình mỹ/nghệ thuật dân gian nói chung trong bối cảnh mới thắp lên những hy vọng về các giá trị văn hóa của cha ông được lưu (và) truyền không chỉ cho con cháu mà với cả bạn bè quốc tế gần xa. Dịp Tết đến, mỗi gia đình dán vài tờ tranh Tết để hơi Xuân ùa vào nhà từ sau ngày ông công ông táo.
Trong xã hội hiện đại, những thú vui cũ, những trò chơi dân gian xưa đã dần được thay thế bằng các sản phẩm văn hoá tân thời. Karaoke thay cho hát đối đáp giao duyên, các game show hay game online dễ gây nghiện (như) đã thay cho các trò chơi dân gian của con trẻ như thả diều, nhảy ngựa, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê v.v. Tranh dân gian xưa dường như cũng như đã đi vào quên lãng bởi tranh hiện đại hoặc tranh bằng những chất liệu đắt tiền hơn, cầu kỳ hơn: đá quý, vàng, bạc, xà cừ... Cũng có thể dễ dàng gặp tranh chép của tây bên cạnh hoành phi, câu đối giát vàng ở nhà vài người mới giàu. Sự giàu có không phải bao giờ cũng đi cùng với mỹ cảm nghệ thuật và tri thức.
Nhưng dù có khá nhiều người bị choáng ngợp bởi các loại tranh ngoại nhập và hiện đại trong cái xô bồ, náo nhiệt của đời sống hiện nay, vẫn còn những người giữ được thú chơi tranh dân gian. Đó chính là “mảnh đất nhỏ còn sót lại” để tranh dân gian bám rễ và tồn tại. Đó chính là “đất sống” mới cho tranh dân gian. Với những nỗ lực của các nghệ nhân, những người có tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, các dòng tranh dân gian đã dần được nhớ lại và bắt đầu có sự hồi sinh. Có thể thấy rõ điều đó từ làng Hồ.
Hỡi cô lưng thắt bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề in tranh
Làng Mái trong câu ca chính là làng Đông Hồ (nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Làng Hồ từ xưa đã nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc về nghề in tranh. Thời kỳ thịnh đạt, khách theo đường bộ từ Bắc Ninh về, từ Hà Nội sang, khách từ miền Nam, từ Thanh - Nghệ theo đường sông lên bến đò Hồ để “ăn tranh”. Họ nhắc nhau:
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh
Làng Đông Hồ xưa có đến 17 (chi) dòng họ người dân làm nghề tranh. Dòng họ Nguyễn Đăng có đến 22 đời kế tiếp làm tranh. Gần đến dịp Tết là chợ tranh Đông Hồ lại tấp nập kẻ bán người mua. Tranh treo la liệt trong đình, ngoài bãi. Tranh bày trên chiếu, tranh treo trên dây, tranh còn được bán ngay tại nhà cho những khách quen. Năm 1938, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh đã lặn lội sang làng Hồ và đã chụp bức ảnh để đời có nhân vật là hai cô thiếu nữ răng đen bán tranh ở chợ tranh nơi cửa đình. Hơn 80 năm đã qua kể từ bức ảnh đó, cùng với thế cuộc, tranh Đông Hồ hôm nay đã mang những chuyển động mới của làng nghề dân gian trong thời hiện đại.
Điều khác biệt của tranh làng Hồ, chỉ có ở làng Hồ mà không có ở làng tranh nào khác, là được in trên giấy điệp. Vỏ con điệp (một loại giáp xác ở biển) được đem nung rồi tán mịn. Chất bột vỏ điệp này được hoà với hồ loãng rồi quết lên giấy dó hoặc giấy vỏ dâu tạo thành nền tranh óng ánh mà ấm áp trên lớp giấy xốp dễ hút “no” màu. Đông Hồ còn đặc sắc về cách in tranh. Tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng được in nét rồi người làm tranh tô vờn màu trực tiếp bằng bút lông, còn tranh Đông Hồ được in theo phương pháp dùng bản gỗ in chồng tách màu - một bức tranh phải qua 4 - 5 lần in nét và các bản màu khác nhau. Màu in tranh cũng lấy từ thiên nhiên: sỏi son cho màu đỏ, lá chàm cho màu xanh, hoa hoè cho màu vàng tươi, than lá tre cho màu đen để viền nét... Trên mỗi bức tranh có sự kết tinh tri thức dân gian về đồ họa, về màu sắc, về cách thể hiện những chủ đề mang tính triết lý trong tư duy của người Việt. Các công việc tạo mẫu, khắc ván, làm giấy điệp trên nền giấy dó, chọn và chế năm màu sắc cơ bản (xanh, trắng, đỏ, vàng, đen) từ nguyên liệu tự nhiên, đến các dụng cụ và cả những thao tác in tranh đều là sự tích lũy kinh nghiệm, đúc kết tri thức qua nhiều thế hệ.
Đề tài của tranh làng Hồ rất phong phú, ngoài những chủ đề quen thuộc của loại tranh thờ: ông Công ông Táo; tranh các vị anh hùng trong lịch sử: Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đức Thánh Trần; tranh truyện cổ tích: Sơn Tinh -Thuỷ Tinh, Thạch Sanh cứu công chúa; tranh trang trí: Tố nữ, tứ quý (bốn mùa xuân - hạ - thu - đông)... Cuộc sống làng quê với những phong tục tập quán, những cảnh sinh hoạt đời thường của người nông dân cần cù chất phác dưới con mắt và bàn tay của những nghệ nhân Đông Hồ tài hoa, qua những nét khắc tinh xảo, qua những mảng màu tươi sáng bỗng trở nên lung linh, sinh động, đáng yêu: mục đồng (chăn trâu thổi sáo), thả diều, đánh đu, đánh vật, bịt mắt bắt dê, hứng dừa, đại cát (cậu bé ôm gà trống), lợn ăn khoai môn, đàn gà... Đôi khi lại gặp cái nhìn hóm hỉnh, sâu sắc về nhân tình thế thái ở tranh đánh ghen, đám cưới chuột... Mỗi bức tranh đều mang nhiều lớp ý nghĩa, phản ánh nhiều khía cạnh nhân sinh. Bức tranh trên giấy điệp vẽ nên cả tâm hồn bình dị và khát vọng của người nông dân Việt về một cuộc sống thanh bình, sinh sôi, sung túc. Người ta mua tranh Đông Hồ về treo trong những ngày đón xuân như mang về cho cả gia đình niềm hy vọng tốt đẹp trong năm mới:
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà lợn
đua nhau đẻ nhiều.
Cùng với khổ tranh “cổ điển” 26 x 37 cm được lồng trong khung cho dễ treo thay vì dán lên vách như xưa, tranh được in với nhiều kích cỡ khác để đưa lên mành tre để treo và cũng có thể cuộn lại cho du khách hào hứng mang theo kỷ niệm. Tranh được đặt lên post card, đặt lên sổ, đặt lên lịch (và rẻ thôi) cho các em học sinh, sinh viên vui vẻ tặng nhau những tâm tư ý nhị… Khuôn tranh được khắc dương bản để khách có thể mua về, vừa như tranh vừa như một “hiện vật” của làng nghề. Tranh Đông Hồ nay được phổ biến ở một thị trường khác, hẹp hơn nhưng nhiều hứa hẹn. Đó là thị trường những sản phẩm văn hoá dân gian phục vụ cho khách du lịch. Những năm gần đây, làng Hồ đã là điểm đến của nhiều đoàn du khách.
Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vẫn được thấy như hiện nay là do những cố gắng kiên trì của các thế hệ nghệ nhân. Họ đã và đang giữ vai trò “chủ lực” trong việc bảo vệ, hồi sinh và phát huy giá trị dòng tranh dân gian này. Các gia đình nghệ nhân cố gắng truyền lại nghề cho con, cháu. Họ cũng cố gắng đa dạng hóa các sản phẩm và tìm cách quảng bá giới thiệu sản phẩm của mình. Nhưng để những nỗ lực đó không còn lẻ loi đang đòi hỏi cần có sự bảo vệ và hỗ trợ khẩn cấp từ các cấp, các ngành, cả trong nước và quốc tế. Hơn thế nữa, mỗi bức tranh Đông Hồ không chỉ là một sản phẩm hàng hóa cần bán để thu lãi sau khi trừ đi những chi phí in tranh mà còn phải coi đó là một di sản văn hóa của dân tộc, mang những thông điệp của văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và truyền lại cho đời sau. Mỗi nghệ nhân cũng cần được coi như một “tài sản” của nền văn hóa dân tộc, cần được trân trọng để có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và yêu cầu truyền thụ lại tinh hoa cho các thế hệ kế tiếp trong một tầm nhìn dài hạn.