Đề bài: Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm
Bài tham khảo 1:
Người lớn đã từng là trẻ em, nhưng trẻ em thì chưa từng làm người lớn”, dù là trong sinh hoạt hằng ngày, học tập, vui chơi hay đời sống tinh thần, thì con trẻ cũng rất cần nhận được sự lắng nghe và chia sẻ từ bố mẹ. Thực tế cho thấy rất nhiều ông bố, bà mẹ vẫn chưa thực sự lắng nghe con, vẫn chưa thực sự thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của con trẻ.
Bản thân mỗi đứa trẻ khi sinh ra đã là một cá thể riêng biệt, mỗi con sẽ có những tính cách và thói quen, tố chất khác nhau. Bởi vậy, cách dạy dỗ đối vói mỗi đứa trẻ cũng khác nhau. Bố mẹ không thể áp sở thích, đường hướng học tập của trẻ này lên trẻ khác. Bó mẹ cũng không thể để một đứa trẻ thích vận động ngồi một chỗ làm thơ, hay bắt một đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật phải học tốt về các con số. Nếu như không lắng nghe, không trò chuyện với con, thì vô tình cha mẹ đang kìm hãm những ước mơ của con. Khi cha mẹ thật sự lắng nghe thì trẻ em sẽ dần dần học được cách chia sẻ những khúc mắc, hy vọng và mong muốn của mình với cha mẹ. Dù cha mẹ có trò chuyện tán gẫu với con về bất cứ vấn đề gì thì đó cũng là một cách thể hiện tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ đối với trẻ. Kỳ thực, con trẻ suy nghĩ vô cùng đơn giản, chúng chỉ muốn hằng ngày cha mẹ quan tâm tới mình nhiều hơn, trò chuyện với mình nhiều hơn. Cho dù đó chỉ là một số chuyện vặt.
Tuy nhiên, cũng có những lúc vì gánh nặng mưu sinh mà cha mẹ lại sao nhãng đi việc trò chuyện thấu hiểu với chúng ta. Những lúc như vậy, thay vì trách cứ cha mẹ chúng ta hãy tiến lại gần trò chuyện, tâm tình với cha mẹ. Điều đó vừa giúp cha mẹ giải tỏa bớt áp lục, đồng thời cũng giúp họ hiểu được suy nghĩa của chúng ta hơn.
Tôi tin rằng nếu chúng ta mở lòng thì cha mẹ sẽ luôn sẵn lòng lắng nghe chúng ta.
Bài tham khảo 2:
Xin chào cô và các bạn, trong buổi học ngày hôm nay, em xin trình bày ý kiến của mình vấn đề: "Trẻ em với việc học tập".
Việc học tập có vai trò rất quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt là đối với trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước. Vậy thế nào là học tập? Học tập là quá trình đạt được sự hiểu biết, kiến thức, hành vi, kĩ năng, giá trị. Học giúp chúng ta nâng cao hiểu biết của bản thân, vận dụng tri thức vào thực tiễn để làm việc hiệu quả. Tri thức là phương tiện hữu hiệu giúp chúng ta vươn tới thành công, khẳng định chính mình trong cuộc sống. Nhờ có vốn hiểu biết mà chúng ta biết phân biệt tốt, xấu, sai trái để hoàn thiện bản thân, bảo vệ chính mình và mọi người. Học tập giúp chúng ta tự tin hơn trong cuộc sống. Học tập là chìa khoá vạn năng để mỗi chúng ta có thể mở cửa tương lai chính mình, xây dựng nước nhà.
Trẻ em hiện nay được nhà nước tạo điều kiện đến trường, được gia đình chăm lo để phát triển toàn diện. Trẻ em có cơ hội nhiều hơn đề tiếp xúc với ngoại ngữ, tin học,... những tri thức cần thiết trong thời đại hội nhập. Rất nhiều học sinh đang nỗ lực, cố gắng học tập từng ngày để nâng cao tri thức.
Tuy nhiên, mình thấy vẫn còn đâu đây nhiều bạn chưa hiểu hết vai trò của việc học, còn ham chơi, lười biếng mà bỏ bê việc học. Mình thấy rất buồn vì điều đó.
Các bạn ạ, mình biết chúng ta còn là những cô cậu bé, ham chơi là điều dễ hiểu. Nhưng mình nghĩ chúng ta nên cân bằng giữa việc chơi và việc học, sắp xếp thời gian biểu hợp lí để có thể trau dồi tri thức cho bản thân. Chúng ta có thể học tập bằng nhiều hình thức như: tự học, học theo nhóm nhỏ, tìm hiểu tri thức qua internet,...Mình tin rằng nếu các bạn có cho mình phương pháp học tập hợp lí, đúng đắn thì sẽ không bao giờ thấy nhàm chán với việc học. Vì tương lai bản thân, vì niềm tự hào của gia đình, chúng ta cùng cố gắng nhé!
Bài nói của mình đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe!
Bài tham khảo 3:
Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường......... Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, trẻ em được tiếp cận với các sản phẩm công nghệ từ rất sớm như: Ipad, Smartphone, tivi, máy tính, ... Trên thực tế, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp những trẻ nhỏ đã sử dụng thành thạo iphone, ipad, ... ngoan ngoãn ngồi chơi hàng tiếng đồng hồ không làm phiền bố mẹ. Một câu hỏi được đặt ra đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh: "Trẻ em tiếp xúc với công nghệ: Nên hay Không nên?". Hãy cùng trao đổi với tôi để tìm hiểu và giải đáp thắc mắc trên nhé!
Thứ nhất, chúng ta hãy cùng bàn đến lợi ích và tác hại của các thiết bị công nghệ:
1. Lợi ích
Công nghệ ngày nay tiến bộ rất nhiều xuất phát từ những thành công trong nghiên cứu khoa học – kỹ thuật giúp cho các thế hệ trẻ ngày một tiếp cận với những thành tựu công nghệ.
Những sản phẩm công nghệ cao ngày nay như smartphone, laptop thế hệ mới với nhiều tính năng vượt trội, các nguồn thông tin, các kiến thức từ các trang web công nghệ trên Internet, …luôn tạo ra sự phấn khích tò mò cho trẻ, từ đó làm tiền đề cho sự phát triển khả năng, tư duy và sáng tạo hơn cho trẻ trong quá trình học tập. Vì thế mà hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thiết bị công nghệ với những ứng dụng học tập bổ ích và thú vị giúp trẻ tiếp thu bài một cách dễ dàng, nhanh chóng. Nhiều trường tiểu học và mầm non trên thế giới đã sử dụng iPad như một phần của chương trình giảng dạy, tạo điều kiện để học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn. Do vậy, công nghệ phát triển đã góp phần nâng cao hiệu quả của ngành giáo dục hơn.
2. Tác hại
- Ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách:
Các bé thường hay bị thu hút sự chú ý bởi các thiết bị công nghệ nên cha mẹ Việt thường hay có thói quen cho con cái sử dụng máy tính, điện thoại hoặc ipad để con đỡ đòi hỏi và ngoan ngoãn nghe lời hơn. Thế nhưng, việc này lại gây ảnh hưởng xấu cho bé vì mỗi lần các con "ăn vạ" thì mẹ lại lấy smartphone để dỗ dành con. Khi đó trẻ sẽ sinh ra tâm lí thích đòi hỏi và các con sẽ luôn nghĩ rằng chỉ cần cứ giận dữ là bố mẹ sẽ cho sử dụng điện thoại.
Bên cạnh đó, nếu bố mẹ cho con dùng đồ công nghệ quá thường xuyên sẽ khiến bé sinh ra một tâm lí “gây nghiện” khó bỏ. Đặc biệt là hiện nay có rất nhiều trò chơi bạo lực, nội dung thiếu lành mạnh cho trẻ tính cách nóng nảy và khiến các bé dễ dàng bắt chước theo, ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng của bé.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe:
Khi trẻ dành nhiều thời gian chơi video game, sử dụng máy tính liên tục, không vận động thể thao sẽ dẫn đến tình trạng:
Ngày càng lì hơn khi ngồi hàng giờ trước các sản phẩm công nghệ
Giảm khả năng linh hoạt của tay: bé sẽ chỉ tập trung vào ngón trỏ và cái để lướt web, do vậy mà các ngón khác sẽ không hoạt động đều
Nguy cơ béo phì, khó ngủ, trầm cảm sẽ ngày càng tăng cao hơn do ngồi lì một chỗ, lười vận động, sức khỏe của bé sẽ bị giảm sút một cách nhanh chóng.
Giảm thị lực khi trẻ xem phim, chơi điện tử trên điện thoại, ipad…
- Ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ:
Việc phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị công nghệ sẽ khiến trẻ không dành thời gian trò chuyện, tương tác với mọi người xung quanh. Điều này dẫn đến việc bé ngại giao tiếp, thiếu tự tin, phản xạ kém, khó khăn trong việc giải quyết các tình huống giao tiếp thông thường.
Thứ hai, chúng ta hãy cùng đưa ra các giải pháp khắc phục:
Công nghệ đã cung cấp nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng công nghệ mang lại một số tiêu cực không mong muốn mà chính người lớn chúng ta cần giám sát, giải thích cặn kẽ để giúp trẻ có cái nhìn tốt hơn và định hướng tới những mặt tốt hơn trong cuộc sống.
1. Cần xác định được thời gian cho trẻ dùng thiết bị công nghệ mỗi ngày: Một ngày không quá 2 tiếng. Bên cạnh đó, cần phân bổ thời gian hợp lý đến giấc ngủ, các hoạt động học tập, ăn uống và tập thể dục…của trẻ!
2. Đừng cấm mà hãy đưa ra những lựa chọn: Hãy cho trẻ xem nhưng sau đó bạn có thể cho trẻ đi chơi thể thao, chơi đồ chơi thông minh, đọc sách …và chính những niềm vui đó sẽ cho bé thấy được niềm đam mê khác để có thể thay thế được!
3. Hãy thay đổi chính mình: Bố mẹ hãy là tấm gương cho con và từ đó trẻ sẽ luyện tập cho mình những thói quen tốt hơn khi ở cùng gia đình! Ngoài việc đi làm, bố mẹ nên dành nhiều thời gian chơi cùng con, lắng nghe, chia sẻ, đưa con ra ngoài để tạo cơ hội khám phá thế giới xung quanh, biết thêm nhiều điều mới lạ, bổ ích giúp con giảm bớt thời gian sử dụng các sản phẩm công nghệ. Bên cạnh việc phát triển tư duy, phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua các thiết bị công nghệ, thì việc đọc sách cùng con, hoặc giúp con tiếp cận với các sản phẩm đồ chơi thông minh cũng đang là sự lựa chọn của rất nhiều phụ huynh.
Cuối cùng, thông qua bài trao đổi này hy vọng các bậc phụ huynh sẽ có cái nhìn tổng quát hơn trong việc cho con sử dụng các sản phẩm công nghệ để từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp trong quá trình giáo dục, phát triển thể chất, trí tuệ, tâm hồn của trẻ.
Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ của thầy cô và các bạn vấn đề khác mà mọi người quan tâm.
Bài tham khảo 4:
Hiện nay có rất nhiều vấn đề đáng để chúng ta quan tâm như: ô nhiễm môi trường, nói tục chửi thể và một trong số đó không thể không kể đến bạo lực học đường. Vậy hiện trạng bạo lực học đường hiện nay của học sinh diễn ra như thế nào? Chúng ta dễ dàng bắt gặp những trường hợp đánh nhau, gây gổ, tụ tập để “trả thù”, “dằn mặt” nhau bằng các loại vũ khí nguy hiểm như dao, mã tấu, gậy,… khiến ai nấy đều lo lắng. Học sinh bây giờ chỉ cần có một chút hiềm khích thôi cũng có thể sẵn sàng lao vào ẩu đả và đánh nhau. Có lẽ nguyên nhân gây ra bạo lực học đường là do cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, nhà trường chưa sát sao trong việc giáo dục nhân cách học sinh. Hay cũng có thể do lứa tuổi này học sinh đang muốn tự khẳng định mình nên muốn đánh nhau để thể hiện bản thân. Tất cả những điều đó đều gây ra bạo lực học đường và gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Hậu quả khôn lường về cả thể chất, tiền bạc, lẫn tinh thần. Đã có rất nhiều học sinh bị đánh đến mức phải nhập viện hay phải nghỉ học, chuyển trường. Rõ ràng hậu quả của bạo lực học đường là vô cùng kinh khủng. Vậy để khắc phục được tình trạng đó thì có lẽ sự giáo dục của gia đình và nhà trường là vô cùng quan trọng và cần thiết. Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không xa vào những tệ nạn xã hội như vậy.