Đề bài: Trao đổi về vấn đề Trẻ em và việc sử dụng các thiết bị công nghệ (tivi, điện thoại, máy tính,...)
Bài tham khảo 1:
Hình ảnh quê hương luôn luôn hiện lên trong tâm trí của mỗi con người. Với những cánh đồng bát ngát, với những buổi chiều mà chúng ta được thỏa sức chơi đùa với những đứa bạn. Nào là bắt dế, bắt sâu, thả diều,...đó là những điều mà chúng ta sẽ luôn nhớ mãi. Nhưng xã hội càng ngày phát triển, thời đại 4.0 khiến cho có rất nhiều thiết bị hiện đại, các thiết bị công nghệ để cuộc sống phát triển và tiện ích hơn. Điều đó cũng khiến cho trẻ em sử dụng những thiết bị công nghệ đó càng nhiều hơn.
Hiện nay hầu hết cả trẻ em, cả những trẻ nhỏ cũng đã sử dụng nhiều thiết bị công nghệ như smartphone, máy tính bảng,...Mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ sẽ ít khi bạn bắt gặp các bạn ấy chơi những trò chơi nào khác ngoài cầm trên tay những thiết bị công nghệ. Điều đó cũng có thể thấy được mặt tốt của thiết bị công nghệ như bạn có thể kết nối với mọi người nhanh hơn, có thể cập nhật được những thông tin, những điều thú vị mà trước giờ bạn chưa được biết. Đặc biệt là khi mà chúng ta vừa trải qua đại dịch Covid khiến cho trẻ em không thể đến trường, nhờ những thiết bị này sẽ giúp các bạn có thể học online không bị hẫng kiến thức.
Nhưng tác hại của thiết bị công nghệ khiến cho các bạn nhỏ ngày càng sống khép kín hơn với mọi người, không còn muốn khám phá thế giới tự nhiên mà lúc nào cũng dán mắt vào smartphone. Không chỉ vậy môi trường mạng mà các bạn đang truy cập vào có nhiều nội dung chưa được kiểu định ảnh hưởng đến quá trình phát triển của các em.
Vậy nên bố mẹ cần quan tâm hơn đến việc sử dụng thiết bị công nghệ của con em mình. Hãy để con mình có thể quan sát, lắng nghe và cảm nhận thế giới tự nhiên sẽ khiến cho cuộc sống thay đổi.
Bài tham khảo 2:
Hiện nay, internet phát triển kéo theo hàng loạt các thiết bị công nghệ ra đời để phục vụ nhu cầu của xã hội. Chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của nó trong đời sống con người. Nhưng trẻ em có nên sử dụng các thiết bị công nghệ hay không? Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta cùng điểm qua những mặt lợi, hại của thiết bị công nghệ.
Đầu tiên, xét về lợi ích, các thiết bị công nghệ giúp chúng ta giải trí sau những giờ học căng thẳng. Nó cũng là phương tiện để chúng ta có thể giao lưu, trao đổi với bạn bè các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Những ứng dụng học tiếng Anh hữu ích, những bài giảng online được cập nhật trên YouTube nhờ có thiết bị công nghệ mà chúng ta có dễ dàng tiếp cận hơn. Hơn thế nữa, internet giúp chúng ta phát huy tinh thần tự học, tìm kiếm thông tin, mở mang tri thức, nâng cao năng lực khám phá, sáng tạo. Có thể thấy các thiết bị công nghệ mạng lại cho chúng ta nhiều điều hữu ích. .
Tuy nhiên, xét về tác động tiêu cực, các thiết bị điện tử cũng gây ra những tác động tiêu cực. Thị lực của chúng ta sẽ bị giảm khi ngồi trước điện thoại hàng giờ đồng hồ. Nhiều bạn vì vậy mà ít vận động gây ra tình trạng béo phì, sức khoẻ giảm sút. Một số bạn khác phụ thuộc quá nhiều vào internet dẫn đến lười tư duy, lười suy nghĩ khiến học tập sa sút. Những mâu thuẫn trên mạng xã hội đến ngoài đời thực cũng xảy ra liên tục trong độ tuổi học sinh,...
Các bạn thấy không, điều gì cũng có mặt tốt, xấu. Thiết bị công nghệ cũng vậy, nó có thể tốt với người này nhưng lại chưa chắc đã tốt với người khác. Mình nghĩ nếu biết sử dụng chúng một cách hợp lí, điều độ thì chắc chắn thiết bị công nghệ sẽ phát huy tối đa vai trò của nó giúp các bạn học tập, giải trí hiệu quả. Ngược lại, nếu lạm dụng quá nhiều sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng lâu dài trong cuộc sống. Vì vậy, quan điểm của mình, trẻ em có thể sử dụng thiết bị công nghệ nhưng không nên lạm dụng nó.
Bài tham khảo 3:
Những tác hại đối với quá trình phát triển của trẻ, các nhà khoa học khuyến cáo phụ huynh nên cân nhắc việc cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử từ sớm. Điều này không có nghĩa là cấm cản hoàn toàn việc con cái sử dụng smartphone, máy tính bảng. Thay vào đó, phụ huynh nên để con tiếp xúc một cách hợp lý, việc sử dụng nên nằm trong vòng kiểm soát của người lớn.
Bài tham khảo 4:
Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường......... Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, trẻ em được tiếp cận với các sản phẩm công nghệ từ rất sớm như: Ipad, Smartphone, tivi, máy tính, ... Trên thực tế, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp những trẻ nhỏ đã sử dụng thành thạo iphone, ipad, ... ngoan ngoãn ngồi chơi hàng tiếng đồng hồ không làm phiền bố mẹ. Một câu hỏi được đặt ra đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh: "Trẻ em tiếp xúc với công nghệ: Nên hay Không nên?". Hãy cùng trao đổi với tôi để tìm hiểu và giải đáp thắc mắc trên nhé!
Thứ nhất, chúng ta hãy cùng bàn đến lợi ích và tác hại của các thiết bị công nghệ:
1. Lợi ích
Công nghệ ngày nay tiến bộ rất nhiều xuất phát từ những thành công trong nghiên cứu khoa học – kỹ thuật giúp cho các thế hệ trẻ ngày một tiếp cận với những thành tựu công nghệ.
Những sản phẩm công nghệ cao ngày nay như smartphone, laptop thế hệ mới với nhiều tính năng vượt trội, các nguồn thông tin, các kiến thức từ các trang web công nghệ trên Internet, …luôn tạo ra sự phấn khích tò mò cho trẻ, từ đó làm tiền đề cho sự phát triển khả năng, tư duy và sáng tạo hơn cho trẻ trong quá trình học tập. Vì thế mà hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thiết bị công nghệ với những ứng dụng học tập bổ ích và thú vị giúp trẻ tiếp thu bài một cách dễ dàng, nhanh chóng. Nhiều trường tiểu học và mầm non trên thế giới đã sử dụng iPad như một phần của chương trình giảng dạy, tạo điều kiện để học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn. Do vậy, công nghệ phát triển đã góp phần nâng cao hiệu quả của ngành giáo dục hơn.
2. Tác hại
- Ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách:
Các bé thường hay bị thu hút sự chú ý bởi các thiết bị công nghệ nên cha mẹ Việt thường hay có thói quen cho con cái sử dụng máy tính, điện thoại hoặc ipad để con đỡ đòi hỏi và ngoan ngoãn nghe lời hơn. Thế nhưng, việc này lại gây ảnh hưởng xấu cho bé vì mỗi lần các con "ăn vạ" thì mẹ lại lấy smartphone để dỗ dành con. Khi đó trẻ sẽ sinh ra tâm lí thích đòi hỏi và các con sẽ luôn nghĩ rằng chỉ cần cứ giận dữ là bố mẹ sẽ cho sử dụng điện thoại.
Bên cạnh đó, nếu bố mẹ cho con dùng đồ công nghệ quá thường xuyên sẽ khiến bé sinh ra một tâm lí “gây nghiện” khó bỏ. Đặc biệt là hiện nay có rất nhiều trò chơi bạo lực, nội dung thiếu lành mạnh cho trẻ tính cách nóng nảy và khiến các bé dễ dàng bắt chước theo, ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng của bé.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe:
Khi trẻ dành nhiều thời gian chơi video game, sử dụng máy tính liên tục, không vận động thể thao sẽ dẫn đến tình trạng:
Ngày càng lì hơn khi ngồi hàng giờ trước các sản phẩm công nghệ
Giảm khả năng linh hoạt của tay: bé sẽ chỉ tập trung vào ngón trỏ và cái để lướt web, do vậy mà các ngón khác sẽ không hoạt động đều
Nguy cơ béo phì, khó ngủ, trầm cảm sẽ ngày càng tăng cao hơn do ngồi lì một chỗ, lười vận động, sức khỏe của bé sẽ bị giảm sút một cách nhanh chóng.
Giảm thị lực khi trẻ xem phim, chơi điện tử trên điện thoại, ipad…
- Ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ:
Việc phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị công nghệ sẽ khiến trẻ không dành thời gian trò chuyện, tương tác với mọi người xung quanh. Điều này dẫn đến việc bé ngại giao tiếp, thiếu tự tin, phản xạ kém, khó khăn trong việc giải quyết các tình huống giao tiếp thông thường.
Thứ hai, chúng ta hãy cùng đưa ra các giải pháp khắc phục:
Công nghệ đã cung cấp nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng công nghệ mang lại một số tiêu cực không mong muốn mà chính người lớn chúng ta cần giám sát, giải thích cặn kẽ để giúp trẻ có cái nhìn tốt hơn và định hướng tới những mặt tốt hơn trong cuộc sống.
1. Cần xác định được thời gian cho trẻ dùng thiết bị công nghệ mỗi ngày: Một ngày không quá 2 tiếng. Bên cạnh đó, cần phân bổ thời gian hợp lý đến giấc ngủ, các hoạt động học tập, ăn uống và tập thể dục…của trẻ!
2. Đừng cấm mà hãy đưa ra những lựa chọn: Hãy cho trẻ xem nhưng sau đó bạn có thể cho trẻ đi chơi thể thao, chơi đồ chơi thông minh, đọc sách …và chính những niềm vui đó sẽ cho bé thấy được niềm đam mê khác để có thể thay thế được!
3. Hãy thay đổi chính mình: Bố mẹ hãy là tấm gương cho con và từ đó trẻ sẽ luyện tập cho mình những thói quen tốt hơn khi ở cùng gia đình! Ngoài việc đi làm, bố mẹ nên dành nhiều thời gian chơi cùng con, lắng nghe, chia sẻ, đưa con ra ngoài để tạo cơ hội khám phá thế giới xung quanh, biết thêm nhiều điều mới lạ, bổ ích giúp con giảm bớt thời gian sử dụng các sản phẩm công nghệ. Bên cạnh việc phát triển tư duy, phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua các thiết bị công nghệ, thì việc đọc sách cùng con, hoặc giúp con tiếp cận với các sản phẩm đồ chơi thông minh cũng đang là sự lựa chọn của rất nhiều phụ huynh.
Cuối cùng, thông qua bài trao đổi này hy vọng các bậc phụ huynh sẽ có cái nhìn tổng quát hơn trong việc cho con sử dụng các sản phẩm công nghệ để từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp trong quá trình giáo dục, phát triển thể chất, trí tuệ, tâm hồn của trẻ.
Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ của thầy cô và các bạn vấn đề khác mà mọi người quan tâm.