Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng của bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ
Bài làm
Bài tham khảo 1:
Trong đoạn trích “Trong lòng mẹ”, nhà văn Nguyên Hồng đã rất tinh tế và tài tình khi miêu tả diễn biến tâm trạng của cậu bé Hồng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Bé Hồng sinh ra trong một gia đình không lấy gì lắm êm ấm: bố nghiện thuốc phiện, ốm đau rồi chết, mẹ Hồng còn quá trẻ nên đã bỏ nhà và con ra đi tha hương cầu thực. Hồng đành phải sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng bên nội. Từ đó, bé Hồng nhận thức được mình rõ hơn. Cậu bé đã vươn lên và đứng vững để bảo vệ mình, bảo vệ tình cảm của mình trong sáng như này nào, vẫn giữ tình thương mẹ sâu sắc. Và chỉ một yếu tố nào đó khẽ chạm vào là những tình cảm ấy lại trỗi dậy mãnh liệt và cao đẹp nhất. Đó chính là khi bà cô nói chuyện về mẹ của Hồng, tình cảm ấy được thể hiện rất rõ qua tâm trạng của bé. Lúc bà cô lên tiếng bắt đầu cuộc trò chuyện không lấy gì làm tốt đẹp: “Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hoa chơi với mợ mày không?”. Câu nói ấy đã khơi dậy tâm hồn trẻ thơ sự khao khát yêu thương của tình mẫu tử trong khoảng trống tâm hồn bấy lâu không ai bồi đắp. Nhưng Hồng đã sớm nhận ra những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và trên nét mặt cười rất kịch của cô. Thấp thoáng hiện lên trong đầu em hình ảnh người mẹ hiền hậu luôn phải sống trong câu nói ám ảnh của bà cô. Bà cô của Hồng thật ác nghiệp, bà mang trong mình những lời ghen ghét nhỏ nhen, luôn dựng chuyện người khác và thêu dệt những lời bịa đặt lên bé Hồng chỉ biết lẳng lặng cúi đầu không đáp.
Không chỉ vậy, cuộc trò chuyện cứ tiếp diễn cắn xé tâm trạng của Hồng. Bà cô đưa tin mẹ Hồng đã có con khi chưa đọan tang chồng, lại nghèo túng khốn khó nơi đất khách, thấy người quen phải tránh mặt với mục đích lăng nhục mẹ Hồng. Đồng thời còn gieo rắc vào đầu óc em sự hoài nghi, khinh nghiệt mẹ. Từng lời nói cay độc ấy như con dao sắc cứa vào tâm hồn thơ dại. Bé Hồng từ chỗ nhẫn nhục im lặng, cúi đầu đến lúc không nén được nỗi đau đớn, đã bật khóc, nước mắt ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đài ở cằm và cổ. Một thứ tình cảm phức tạp vừa thương yêu, vừa căm tức nảy sinh trong tâm hồn bé Hồng khiến em cười dài trong tiếng khóc. Đó là tiếng cười đau đớn thể hiện sự đắng cay đau khổ đến tột đỉnh, nó là sự mất mát lớn lao về tinh thần không gì bù đắp nổi. Chính cuộc đời thực tại phũ phàng đã khiến em sớm nhận ra những gì là độc ác của họ hàng, xã hội, nó làm cho tâm hồn, suy nghĩ của em trở nên dày dặn và cứng cỏi hơn.
Bé Hồng căm ghét những hủ tục phong kiến lạc hậu, tàn nhẫn đã đày đọa lên mẹ. Lòng căm ghét cao độ ấy được tác giả diễn tả bằng những hình ảnh cụ thể với nhịp gấp gáp, dồn dập: “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Qua đó ta thấy bé có một cái nhìn, cử chỉ quan sát rất tỉ mỉ và nhận xét rất chuẩn xác và không kém phần sắt đá về xã hội đương thời. Nó chính là nguyên nhân gây ra những hậu quả đau lòng trong xã hội cũ. “Trong lòng mẹ” đã lên tiếng kết án sự bất công của một xã hội không tiền vô nhân đạo.
Hình ảnh mẹ và nỗi nhớ cứ dâng đầy tràn ngập trong lòng Hồng khi ngày giỗ thầy đã gần đến nơi. Tác giả đã tập trung thể hiện tâm trạng của bé Hồng khi được gặp lại mẹ. Đó là một buổi chiều tan học, Hồng chợt thoáng một người giống mẹ ngồi trên xe kéo thì liền đuổi theo rối rít. Lúc đó tâm trạng em bị giằng xè, em khao khát gặp mẹ như người vô hình đi giữa sa mạc thèm nước bóng râm, nhưng nếu trên xe không phải mẹ thì thành ra trò cười cho lũ bạn. Cuối cùng niềm hạnh phúc đó đã đến với em, người mà em khao khát, mong ước đã trở về. Vì niềm vui sướng, em cuống cuồng đuổi theo xe, thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi và cả trán khi trèo lên xe. Bàn tay mẹ dịu hiền xoa đầu khiến em òa khóc nức nở. Nếu ở trên là tiếng khóc tủi cực, chua xót, thì bây giờ là tiếng khóc thổn thức đầy hạnh phúc. Đó là niềm hạnh phúc dạt dào, khiến em quên hết những ngày tủi cực đã qua: “Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt”.
Được ngồi trong lòng mẹ là niềm hạnh phúc lớn lao với những rung cảm sâu xa trong bé Hồng. Mệ vẫn như xưa và có khi còn trẻ đẹp hơn nữa, chứ không còm nhom, xác xơ như lời bà cô bịa đặt. Bé Hồng cảm nhận được cái mùi quần áo quen thuộc của mẹ và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường. Tác giả vừa trực tiếp miêu tả những cảm giác cụ thể của bé Hồng, vừa bình luận về niềm hạnh phúc tuyệt vời: “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Trong giây phút say sưa và rạo rực ấy, tất cả tâm trí em đều dồn cho sự tận hưởng tình mẹ, bỏ ngoài tai những lời nói tiêu cực của bà cô. Đối với bé Hồng, niềm sung sướng và hạnh phúc nhất trên đời là được sống trong lòng mẹ.
Đoạn trích “Trong lòng mẹ” đã khép lại trong những diễn biến tâm trạng của nhân vật bé Hồng được miêu tả hết sức chi tiết, tỉ mỉ của tác giả. Qua đó ta cảm nhận được tình cảm mẫu tử luôn là điều thiêng liêng và cao quý nhất giữa dòng đời này.
Bài tham khảo 2:
Đoạn trích “Trong lòng mẹ” đã miêu tả một cách hết sức tỉ mỉ và chi tiết diễn biến tâm trạng của nhân vật bé Hồng, giúp chúng ta nhận ra những thay đổi nhanh chóng trong diễn biến cảm xúc và suy nghĩ của cậu bé.
Ở những dòng đầu tiên, chúng ta chắc hẳn sẽ thấy xót xa cho số phận của cậu bé Hồng. Ngay từ những phút giây bắt đầu đón nhận sự sống, Hồng đã gặp phải rất nhiều bất hạnh. Lẽ ra Hồng phải được sống trong yêu thương, đùm bọc của bố mẹ và gia đình, nhưng trái lại em phải sống “bơ vơ giữa sự ghẻ lạnh cay nghiệt của họ hàng…” vì bố chết, còn mẹ thì bỏ đi “tha hương cầu thực”. Sống trong gia đình nhưng cậu bé giống như đứa trẻ mồ côi, chịu sự hắt hủi từ người thân, nhất là bà cô.
Trong đoạn trích, nhà văn Nguyên Hồng thực sự tinh tế trong việc miêu tả diễn biến tâm trạng của cậu bé Hồng. Từ nỗi đau đớn trước những lời đay nghiến của bà cô, cho đến nỗi vui sướng vỡ òa khi gặp lại mẹ. Đặc biệt bao trùm lên tất cả là tình yêu mẹ vô bờ bế của Hồng.
Hồng sớm phải chịu sự đối xử cay nghiệt từ người thân và sự nhẫn tâm của bà cô. Đoạn trích không nhắc đến sự đánh đập bạo hành nhưng cách đối xử, lời lẽ mỉa mai của người cô khiến chú bé đau đớn hơn nhiều. “Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không?” – câu nói của bà cô tưởng là thể hiện sự quan tâm, muốn cháy vơi bớt nỗi nhớ mẹ. Nhưng thực ra đó chỉ là những lời nói mỉa mai, tàn độc: “nhận ra những ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô tôi, tôi cúi đầu không đáp. Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ cố ý gieo rắc vào đầu óc những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi”.
Trước lời nói thâm thúy từ bà cô, trong lòng Hồng càng trào lên tình yêu thương mãnh liệt dành cho mẹ. Cậu bé ra sức bảo vệ mẹ, cố gắng cười đáp lại, dù trong thâm tâm đang rất đau đớn, tủi cực: “Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về”. Câu trả lời đó cũng như là tự an ủi mình, cậu có niềm tin mãnh liệt rằng mẹ sẽ về và không bao giờ bỏ rơi cậu. Chưa dừng lại ở đó, bà cô vẫn tiếp tục đay nghiến “Sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước nữa đâu!”. Lúc này, tâm hồn ngây thơ, non nớt của cậu bé đã quá sức chịu đựng “lòng tôi càng thất bại, khóe mắt tôi đã cay cay”. Nhà văn thật tài tình khi kết hợp miêu tả đan xen lời nói của bà cô với tâm trạng cậu bé, mỗi lời bà cô nói là một lần khiến cậu trở nên đau đớn hơn. Sự đay nghiến, chì chiết đẩy lên cao trào hơn khi bà cô bảo Hồng vào thăm em bé. Từng lời nói của bà cô như nhát dao cứa vào tim khiến cậu bé khóc “ròng ròng”. Hồng khóc không vì ghen tị với em bé, mà “vì thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách giấu diếm”. Có thể thấy, dù chỉ là một cậu bé, nhưng Hồng có những suy nghĩ rất chín chắn.
Tình yêu thương mẹ của Hồng còn gắn liền với niềm căm tức, thù hận với những định kiến. Bởi cậu bé hiểu những thành kiến tàn ác đó đã đẩy mẹ cậu vào cảnh “tha hương cầu thực”, mẹ con cậu phải chia lìa nhau. Trong nỗi đau nghẹn ngào không thốt lên tiếng, cậu bé đã có ước mơ “giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Nỗi căm tức của cậu bé được nhà văn hình tượng hóa qua hình ảnh so sánh biểu cảm “hòn đá, cục thủy tinh”. Bên cạnh đó, biện pháp điệp “mà…mà…mà” khiến nhịp văn nhanh dần, mạnh mẽ thể hiện nỗi căm tức tột độ của cậu bé Hồng. Qua đó toát lên tình yêu thương mẹ cháy bỏng, cậu bé sẵn sàng làm tất cả, cho dù có khó khăn, đau đớn để có thể bảo vệ mẹ của mình. Suy nghĩ tâm trạng của Hồng khiến người đọc không khỏi xót xa, thương cảm và khâm phục. Những thủ đoạn tàn nhẫn, những câu nói cay độc, phũ phàng của bà cô không thể làm lay chuyển suy nghĩ bé Hồng về mẹ mà còn khiến cậu yêu thương mẹ hơn.
Có thể thấy, trong đoạn trích xuất hiện các trạng thái cảm xúc đối lập nhau. Nếu như đoạn đầu ta như đi vào một sa mạc khô cần tình người, ở đó chỉ thấy sự chì chiết, đối xử cay nghiệt và nỗi đau của chú bé. Thì ở đoạn kết thúc ta lại chìm trong dòng suối mát lành của tình mẹ con ấm áp. Cậu bé Hồng luôn tin rằng mẹ cậu sẽ trở về mặc cho bà cô cố ý chia lìa tình mẹ con. Và niềm tin đó đã thành sự thực khi “ngày giỗ đầu thầy tôi, tôi không viết thư gọi mẹ tôi cũng về”. Nhà văn đã diễn tả niềm vui sướng đó qua những chi tiết cụ thể cùng tiếng “Mợ ơi!”. Những cụm từ “thoảng thấy”, “liền đuổi theo”, “goi bối rối” thể hiện sự vội vàng, cuống quýt của cậu bé. Niềm mong chờ mẹ về luôn thường trực trong tâm trí cậu bé. Tuy nhiên, cậu cũng lo sợ nếu như đó là người khác thì sẽ thành “trò cười tức bụng” cho lũ bạn. Hình ảnh so sánh “ngã gục giữa sa mạc” vô cùng tinh tế khiến cho người đọc thấy tâm trạng mong đợi khắc khoải của cậu bé Hồng. Đó cũng chính là hình ảnh chính cậu bé Hồng gục ngã giữa sa mạc của sự ghẻ lạnh nếu như mẹ cậu không về.
Và rồi, câu chuyện đã được đẩy lên cao trào rồi bung ra khi “Xe chạy chầm chậm… mẹ tôi cầm nón vẫy tôi… mẹ tôi… xoa đầu tôi hỏi, thì tôi òa lên khóc rồi cứ thể nức nở”. Đó không còn là giọt nước mắt tủi cực mà là giọt nước mắt của niềm hạnh phúc vô bờ. Nhà văn đã viết nên những câu văn nhẹ nhàng để diễn tả tình mẹ con ấm áp. Trong lòng Hồng giờ đây chỉ còn niềm vui sướng tột độ, vì cậu thấy mẹ mình không phải như những gì bà cô vẫn nói, thậm chí là vẫn tươi đẹp. Cậu bé như thấy mình bé lại để “lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cắm… mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Hồng không còn chút đau đớn khi ở bên mẹ, tất cả lời bà cô nói trở nên vô nghĩa với cậu. Tình mẹ bao la ấm áp đã xua tan mọi băng giá, khổ đau, đem lại niềm hạnh phúc ngập tràn. Qua những chi tiết đó, ta cảm nhận được trang văn của Nguyên Hồng nói chung và đoạn trích nói riêng thực sự thấm đượm tấm lòng nhân đạo của một nhà văn chân chính.
Tóm lại, đoạn trích “Trong lòng mẹ” đã gợi nên tất cả những gì đau thương và tủi hờn nhất của xã hội cũ đã lùi xa vào quá khứ, để chúng ta lập một xã hội mới tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Tình người, tình mẹ con trong đoạn trích là điều thiêng liêng, cao quý nhất sưởi ấm lòng người, lòng bé Hồng khi phải xa mẹ.