Đề bài: Phân tích suy nghĩ, cảm xúc của An-tư-nai trong văn bản Người thầy đầu tiên.
Bài tham khảo 1:
Bằng lối viết cô đọng, hàm súc, nhà văn Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp đã để lại rất nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa, giá trị nhân văn. Đặc biệt, truyện vừa "Người thầy đầu tiên" của ông trở thành cuốn sách quen thuộc với vô vàn độc giả trên khắp thế giới. Tác phẩm đã xây dựng và khắc họa chân thực hình ảnh cô bé An-tư-nai kiên cường, giàu tình yêu thương.
An-tư-nai không có cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc như bao bạn bè khác. Cô bé mồ côi cha mẹ từ sớm, phải ở cùng chú thím. Mặc dù thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc từ mẹ cha nhưng An-tư-nai vẫn nuôi dưỡng, chất chứa tâm hồn trong sáng cùng tấm lòng nhân hậu, lương thiện. Cô bé sẵn sàng trút lại ki-giắc ở trường để thầy Đuy-sen khỏi vất vả kiếm củi. Hành động nhỏ bé của cô bé như ngọn lửa sưởi ấm cho mùa đông buốt giá. Khi thấy thầy bị lăng mạ, xúc phạm bởi những lời lẽ, hành động của bọn nhà giàu trên núi, An-tư-nai cảm thấy vô cùng bất bình và tức giận. Chứng kiến thầy Đuy-sen vất vả xếp đá ở giữa dòng suối, cô bé không ngại buốt lạnh mà nhanh nhẹn giúp đỡ. Từng hành động tuy nhỏ bé nhưng đã tô đậm sự lương thiện, nhân ái của An-tư-nai - cô bé có cái tên thật đẹp như thầy Đuy-sen nhận xét "An-tư-nai, cái tên hay quá, mà em thì chắc là ngoan lắm phải không?".
An-tư-nai còn là người học trò trọng tình nghĩa. Cô bé cảm thấy xúc động trước hành động ấm áp hay những ý nghĩ tốt đẹp từ thầy Đuy-sen. Cô bé và mọi học sinh luôn ngưỡng mộ, yêu quý người thầy đầu tiên. Sau này, khi trở thành bà viện sĩ Xu-lai-ma-nô-va, An-tư-nai vẫn ghi nhớ công ơn dạy bảo to lớn của thầy Đuy-sen. Bởi vậy, An-tư-nai đã nhờ người họa sĩ tìm cách lan tỏa câu chuyện về thầy để "không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này.".
Sống trong hoàn cảnh mồ côi, An-tư-nai chưa từng nghĩ tới việc gục ngã, buông bỏ. Cô bé không muốn người đời nhìn mình bằng ánh mắt thương hại. An-tư-nai vẫn mạnh mẽ vươn lên như những cây xương rồng giữa hoang mạc khô cằn. Mỗi lần đi nhặt ki-giắc, cô bé phải tới tận chân núi ở mé làng, lúc ra về thì mang theo những cái bao to hơn cả người. Ấy vậy, An-tư-nai không hề ngại khổ. Nhờ sự yêu thương, giúp đỡ của thầy, An-tư-nai đã không ngừng cố gắng, chăm chỉ học hành và trở thành một viện sĩ. Sự kiên cường, quyết tâm vượt lên số phận bản thân đã khẳng định vẻ đẹp con người An-tư-nai.
Từ việc sử dụng nhiều ngôi kể là người họa sĩ và nhân vật xưng "tôi" - An-tư-nai, nhà văn Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp đã thể hiện một cách sâu sắc suy nghĩ, tình cảm của nhân vật. Qua đây, ta cũng cảm nhận được tấm lòng thương yêu, trân trọng tới số phận bất hạnh nhưng luôn mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống.
Bài tham khảo 2:
Nhà văn người Cư-rơ-gư-dơ-xtan Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp là cây bút quen thuộc với nhiều bạn đọc trên khắp thế giới. Các tác phẩm của ông chủ yếu khai thai thác đề tài về cuộc sống khắc nghiệt nhưng giàu chất thơ ở quê hương. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến sáng tác "Người thầy đầu tiên". Truyện đã khắc họa thành công nhân vật An-tư-nai, một cô bé có tấm lòng nhân ái cùng tinh thần hiếu học đáng quý.
Đọc đoạn trích, ta thấy nhà văn không có nét bút nào miêu tả cụ thể ngoại hình, tính cách An-tư-nai. Song, qua những hành động, lời nói, suy nghĩ của các nhân vật, ta dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp phẩm chất ở cô bé. Trước hết, An-tư-nai là người có tâm hồn cao đẹp và tấm lòng lương thiện, tốt bụng. Chứng kiến thầy Đuy-sen bị lũ nhà giàu trú trên núi xúc phạm bằng mấy lời lẽ, hành động xấu xí, cô bé căm ghét đến mức muốn "nắm lấy cương ngựa và quát thẳng vào những bộ mặt láo xược của họ". Khi biết thầy phải vất vả trữ củi để sưởi ấm lớp học, cô bé không ngần ngại mà trút lại ki-giắc ở trường. An-tư-nai cũng luôn quan tâm, giúp đỡ tới mọi người xung quanh. Giữa trời đông buốt giá, cô bé đã cùng thầy Đuy-sen lấy đá và tảng đất cỏ tạo thành các ụ nhỏ trên lòng suối, giúp các em nhỏ đi lại thuận tiện và an toàn. Có thể thấy, An-tư-nai luôn sáng ngời vẻ đẹp thanh thuần, tươi đẹp như "dòng suối nhỏ của thầy".
Ngay từ giây phút được ngồi học dưới mái trường của thầy Đuy-sen, An-tư-nai đã chất chứa tấm lòng ngưỡng mộ, quý mến người thầy đầu tiên "tất cả đám học sinh chúng tôi đứa nào cũng yêu mến thầy". Sau này, rời xa quê hương, trở thành một viện sĩ, An-tư-nai vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí sự quan tâm, dạy bảo từ thầy Đuy-sen. Cô bé khao khát tất cả mọi người sẽ biết đến câu chuyện về thầy "không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này.".
Cuộc đời, con người của An-tư-nai còn là minh chứng cho tấm gương kiên cường, mạnh mẽ vượt lên số phận bản thân. Mặc dù mồ côi cha mẹ, phải sống cùng chú thím nhưng cô bé ấy vẫn chứa chan tinh thần lạc quan, nghị lực. Dưới sự dạy bảo, quan tâm, giúp đỡ của thầy Đuy-sen, An-tư-nai đã có cơ hội tới thành phố học tập. Tại đây, cô bé không ngừng cố gắng học hành, tích lũy tri thức và sau này trở thành một viện sĩ.
Với việc sử dụng kết hợp nhiều người kể chuyện: họa sĩ và "tôi" - An-tư-nai, nhà văn đã phác họa chân thực những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của nhân vật An-tư-nai. Cô bé hiện lên cùng tâm hồn trong trẻo giống như cái tên của mình "An-tư-nai, cái tên hay quá".
Theo dòng chảy thời gian, tác phẩm "Người thầy đầu tiên" sẽ mãi in sâu trong tâm trí bạn đọc bởi các giá trị nhân văn, giàu ý nghĩa. Qua đoạn trích, nhà văn còn muốn gửi gắm tấm lòng yêu thương, nâng niu tới những mảnh đời bất hạnh nhưng luôn mạnh mẽ như An-tư-nai.
Bài tham khảo 3:
An-tư-nai đã dành cho thầy Đuy-sen tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ và biết ơn vì tấm lòng nhân từ, những ý nghĩ tốt lành và những ước mơ của thầy về tương lai cô và những đứa trẻ. Cô ước thầy là anh ruột của mình, tình cảm thân thương như ruột thịt. Nhờ “người thầy đầu tiên” ấy, cuộc đời An-tư-nai đã thay đổi, từ một cô bé mồ côi không biết chữ, ở một vùng quê nghèo khó, lạc hậu, từng bị người thím độc ác bán đi,... An-tư-nai đã có được cơ hội lên thành phố học tập và trở thành một viện sĩ nổi tiếng. Vì vậy, tình cảm mà An-tư-nai dành cho thầy Đuy-sen là một tình cảm đáng được trân trọng.
Bài tham khảo 4:
Qua văn bản “Người thầy đầu tiên”, người đọc có thể nhận thấy rằng tình cảm mà An-tư-nai dành cho thầy Đuy-sen chính là tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ và biết ơn. Nhờ có thầy Đuy-sen mà cuộc đời của An-tư-nai thay đổi. Cô từ một cô bé mồ côi không biết chữ ở một vùng quê nghèo đói, lạc hậu đã có cơ hội học tập và biết đến con chữ. Có lẽ vì tấm lòng nhân hậu, những ý nghĩ tốt bụng và những ước mơ của thầy Đuy-sen về tương lai cô và những đứa đã khiến cô yêu quý thầy. Sự ngưỡng mộ và biết ơn đã làm An-tư-nai ước thầy là anh ruột của mình. Tình cảm ấy đã sâu nặng và thân thương như ruột thịt.