Đề bài: Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?
Bài làm
Dàn ý:
I. Mở bài: Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận.
II. Thân bài:
1. Giải thích
- Trò chơi điện tử:
+ những trò chơi mà phải sử dụng đồ điện tử mới chơi được.
+ mang tính giải trí (bên cạnh còn: tính giáo dục, rèn luyện,…)
+ đối tượng: không chỉ phổ biến đối với trẻ em, lứa tuổi thanh thiếu niên, mà còn với cả người trưởng thành.
- Ham mê: ưa thích tới mức say mê.
2. Bình luận
a. Tác dụng/lợi ích của trò chơi điện tử
- Giải tỏa căng thẳng
- Tạo niềm vui, sự gắn kết giữa người chơi với nhau, mở rộng các mối quan hệ.
- Tính giáo dục, rèn luyện: nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức, rèn luyện lại các nội dung đã học hoặc thêm trải nghiệm về đời sống.
b. Tác hại của trò chơi điện tử
- Nguy cơ khi chơi nhiều và chơi không để ý thời gian:
+ Gây ảo giác, nhầm lẫn giữa trò chơi và đời thực.
+ Ảnh hưởng sức khỏe, chất lượng học tập, công việc, độ minh mẫn.
c. Giải pháp để trò chơi điện tử là một công cụ có ích cho con người
- Nâng cao các trò chơi lành mạnh.
- Cần có các biện pháp quản lí các trò chơi điện tử.
- Phát triển các hình thức giải trí khác bên cạnh trò chơi điện tử.
3. Kết luận
- Khẳng định: ham mê trò chơi điện tử không xấu.
- Ham mê trò chơi điện tử làm ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống, học tập mới xấu.
III. Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận.
- Liên hệ bản thân, cuộc sống.
Bài tham khảo:
Những trò chơi điện tử càng ngày càng có sức hút đối với con người hơn những trò chơi trực tiếp truyền thống vì tính đa dạng, phong phú cũng như tiện ích của nó. Có người cho rằng chơi trò chơi điện tử là tốt. Những cũng có người cho rằng chơi trò chơi điện tử dễ dẫn khiến ta ham mê, từ đó trở nên nghiện và như thế là không tốt. Vậy, ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?
Điều đầu tiên, để đưa ra được câu trả lời là nên hay không nên ham mê trò chơi điện tử, chúng ta cần hiểu được thế nào là ham mê trò chơi điện tử. Trò chơi điện tử là những trò chơi mà người chơi phải sử dụng đồ điện tử mới có thể chơi được. Nó thường mang tính giải trí và có đối tượng người chơi phổ biến nằm ở độ tuổi thanh thiếu niên. Bản thân trò chơi điện tử, bên cạnh tính giải trí của nó, còn cả tính giáo dục, rèn luyện … Trong khi đó, ham mê lại là một trạng thái ưa thích tới mức say mê, có thể dẫn tới nghiện. Như vậy, ham mê trò chơi điện tử là một cụm từ để chỉ những người chơi rất ưa thích, say mê trò chơi mà phải sử dụng đồ điện tử mới có thể chơi được.
Đến đây, ta thấy, mặt khái niệm của vấn đề đã được giải quyết. Nhưng để đưa ra được câu trả lời thỏa đáng, ta vẫn cần phải phân tích tác dụng/ lợi ích cũng như tác hại của trò chơi điện tử.
Vì đâu mà trò chơi điện tử được sinh ra và tồn tại? Đó chắc chắn xuất phát từ thực tế nhu cầu của con người. Con người bên cạnh làm việc, học tập, cần có những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí. Vậy là các trò chơi được ra đời. Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật mà trò chơi điện tử dần đã hình thành và chiếm một vị thế quan trọng. Nó giúp con người giải tỏa căng thẳng cũng như tạo niềm vui cho con người. Khi chơi, chúng ta được khám phá, trải nghiệm, được hồi hộp, bực tức, được la hét, và được vui khi giành chiến thắng. Đó là chưa kể những trò chơi điện tử cũng là những tương tác xã hội trên không gian ảo và nó hoàn toàn có khả năng gắn kết con người. Tôi đã có những người bạn từ các trò chơi điện tử mà mình tham gia, và chúng tôi vẫn thường dành chút thời gian rảnh để thi đấu với nhau. Không những thế, trò chơi điện tử còn có tính giáo dục và rèn luyện con người. Chúng ta có thể kể đến các trò chơi như cờ vua, cờ tướng, liên minh … giúp nâng cao tư duy và sự nhẫn nại của con người. Những trò chơi điện tử trong các giờ học do giáo viên tạo ra cũng thường mang tính giáo dục, củng cố kiến thức, giúp các bạn học sinh vừa chơi vừa học, nâng cao và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Vậy thì ham mê điện tử đâu có gì là không tốt?
Chúng ta đều biết bất cứ một vấn đề nào cũng đều có hai mặt. Ham mê trò chơi điện tử cũng vậy. Ta đã nhìn ra được tác dụng hay lợi ích của nó, và giờ đây, chúng ta cần phải nhìn ra mặt trái của vấn đề này. Tôi đã được biết những câu chuyện về việc các nam thanh niên nghiện game dẫn đến giết người, giết hàng xóm, láng giềng và cả người thân mà mới đây nhất là vụ án cậu Vũ Tiến Long giết hai ông bà cùng thôn bằng 43 nhát dao đâm. Đó chính là một phần hậu quả của việc nghiện trò chơi điện tử.
Theo những nghiên cứu chỉ ra, việc chơi trò chơi điện tử quá 3 tiếng/ ngày cho thấy người chơi đã bị nghiện game. Dễ dàng nhận thấy, việc nghiện trò chơi điện tử sẽ khiến con người giảm thị lực, giảm miễn dịch và rối loạn tiêu hóa. Người nghiện game sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng, nghỉ ngơi khó lại sức khi chơi trò chơi điện tử nhiều. Cảm giác buồn chán, bi quan, cô đơn, bất an cũng là một cảm giác thường trực. Đó là chưa kể tâm tính của con người có thể thay đổi, dễ trở nên cáu gắt, bực dọc, gây gổ với người khác dù chỉ là những chuyện rất nhỏ. Đến đây, chúng ta cũng có thể đoán được phần nào nguyên nhân của những vụ thảm án giết người mà các tội phạm đều là người nghiện game. Vậy phải chăng chúng ta không nên ham mê các trò chơi điện tử?
Tất cả những gì đã chỉ ra ở trên đây đã cho thấy được mặt lợi cũng như mặt hại của việc ham mê trò chơi điện tử. Việc nên hay không nên, theo tôi, sẽ là một câu trả lời, một lựa chọn mang tính cá nhân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có sự can thiệp để quản lí các trò chơi điện tử để chúng trở thành một công cụ hữu ích cho con người. Những trò chơi mang tính giáo dục, nhân văn nên được đề cao. Những trò chơi mang tính bạo lực nên được hạn chế. Bên cạnh đó, nếu chỉ nhằm mục đích giải trí, ta cũng có thể tính đến các kênh, các phương tiện khác để phục vụ nhu cầu của con người như các trò chơi trải nghiệm thực tế, các khu du lịch, các phòng phim, kịch, v.v…
Trò chơi điện tử đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Tôi tin là nó sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển, phục vụ cho những nhu cầu và mục đích của con người. Ham mê điện tử không có gì là xấu. Chỉ cần ta biết chừng mực để ham mê đó giúp bản thân ta tốt hơn thay vì làm hại chính bản thân mình.