Đề bài: Phân tích ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh mùa xuân trong bài thơ : Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
Bài làm
Bài tham khảo 1:
Mùa xuân là một trong những mùa gợi cho con người những tình cảm đặc biệt. Có rất nhiều nhà thơ đã lấy mùa xuân làm nguồn cảm hứng để bày tỏ những khao khát mãnh liệt. Trong đó không thể không kể đến “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải với hình ảnh mùa xuân của thiên nhiên và đất nước hòa hợp.
Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được Thanh Hải sáng tác năm 1980 vào những ngày cuối đời của mình. Bao trung cả bài thơ không chỉ là sự ca ngợi về cảnh sắc thiên nhiên trời xuân, mà còn chứa chan tình cảm của nhà thơ muốn dâng hiến cho cuộc đời. Từng khổ thơ đã vẽ nên bức tranh xứ Huế vào xuân thật đẹp và lãng mạn.
Ở khổ thơ đầu tiên, Thanh Hải đã đưa người đọc đến khung cảnh thiên nhiên đất trời độ vào xuân:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ôi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Khung cảnh thiên nhiên vào xuân qua những nét chấm phá hiện lên cụ thể và độc đáo. Đó chính là bức tranh với rực rỡ sắc màu và âm thanh. Chúng ta có thể cảm nhận được cảm xúc reo vui hân hoan của nhà thơ khi chào đón mùa xuân tới. Mọc giữa dòng sông xanh là một bông hoa tím biếc, với động từ “mọc” như diễn tả cảm xúc bất ngờ của nhà thơ trước cảnh vật. Tuy bông hoa đó có là hoa súng hay hoa lục bình hay hoa gì đi nữa, thì ta cũng không phủ nhận sắc xanh của dòng nước quyện với màu tím biếc của bông hoa đã vẽ nên bức tranh xuân đằm thắm.
Trong khoảnh khắc đất trời giao thoa ấy, nhà thơ không những cảm nhận được sự chuyển mình của đất trời bằng màu sắc, mà còn bởi cả những âm thanh vui nhộn:
“Ôi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”.
Chim chiền chiện là một trong những loài chim vô cùng quen thuộc, nó còn có tên gọi khác là chim sơn ca được coi là biểu tượng cho mùa xuân. Tiếng chim hót vang khắp cả đất trời như đang báo hiệu cho một mùa xuân mới về. Lúc này, trong lòng tác giả cũng trở nên hân hoan, bồi hồi và sung sướng:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Động tác “đưa tay tôi hứng” thể hiện sự xúc động mãnh liệt, đồng thời đó là sự trân trọng của nhà thơ. Những giọt long lanh kia là tiếng chim hay giọt sương mai? Nhờ sự dịch chuyển từ thính giác sang thị giác đã tạo nên một nét độc đáo và cảm nhận trọn vẹn trong lòng nhà thơ.
Sang đến khổ thơ tiếp theo, hình ảnh mùa xuân của đất nước được miêu tả khá trọn vẹn và cụ thể:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”.
Từ mùa xuân của thiên nhiên, nhà thơ đã chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước. Vào những năm 1980, cả nước đang hăng say hòa mình trong công cuộc xây dựng tổ quốc. Hòa trong mùa xuân của thiên nhiên thì khắp nơi con người cũng đang sục sôi ý chí chiến đấu. Những người lính nơi chiến trường mang theo sức sống của mùa xuân vững tay súng bảo vệ tổ quốc. Còn những người nông dân mang sức lao động, giọt mồ hôi của mình để tưới xanh cho đồng ruộng. Chính máu và mồ hôi của đồng bào cả nước đã tô điểm cho mùa xuân thiên nhiên xanh tươi:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”.
Nhà thơ dùng từ láy “hối hả” và “xôn xao” kết hợp với cụm từ “tất cả như” lặp lại hai lần làm cho câu thơ sáng bừng khí thế mạnh mẽ đầy bất ngờ. Và từ đó nhà thơ có những suy ngẫm về mùa xuân của đất nước:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Những giá trị mà chúng ta nhận được của ngày hôm nay là sự chắt chiu, giữ gìn trong suốt bốn ngàn năm lịch sử hào hùng toàn dân tộc. Nhà thơ so sánh đất nước như vì sao vì đó là một hình ảnh đẹp và ý nghĩa, thể hiện niềm tin mãnh liệt của nhà thơ về tương lai của dân tộc sẽ mãi vững mạnh và tiến về phía trước.
Từ sự yêu thương tự hào mãnh liệt đó, nhà thơ nghĩ về mùa xuân của con người:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”.
Có thể thấy, chỉ khi chúng ta sống cống hiến trọn vẹn thì mới thấy được trái ngọt cuộc đời. Đối với nhà thơ Thanh Hải, tình yêu thương đất nước, cuộc đời đã biến thành đông lực để ông có thể khao khát tận hiến cho cuộc đời.
Cuộc đời mỗi người là nhỏ bé giữa xã hội, nhưng vẫn muốn cống hiến những mùa xuân tươi đẹp nhất vào mùa xuân của đất nước:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
Lời thơ thiết tha hòa cùng nhịp thơ của cả bài đã nhấn mạnh khao khát muốn đem cuộc đời của mình để phục vụ cho sự nghiệp chung đất nước của nhà thơ. Từ lúc tuổi đôi mươi cho tới lúc về già, ông nói nên những lời sâu thẳm đáy lòng mình. Điều đó khiến người đọc xúc động khi những lời tha thiết đó được viết trước một tháng khi ông qua đời.
Hình ảnh mùa xuân của cả bài thơ được lặp đi lặp lại và trở thành tâm điểm chính. Nhưng nó không đơn thuần là mùa xuân thiên nhiên, mà nó còn là mùa xuân của đất nước và cả cuộc đời. Ẩn chứa đằng sau đó là tình cảm yêu quê hương đất nước mãnh liệt của nhà thơ.
Tóm lại, “Mùa xuân nho nhỏ” là một bài thơ sâu sắc và đáng nhớ nhất của Thanh Hải. Qua bài thơ, ông đã truyền tải thông điệp vô cùng ý nghĩa đến độc giả là “Mỗi cuộc đời chính là một mùa xuân và hãy góp phần làm cho mùa xuân của đất nước mãi mãi tươi đẹp”.
Bài tham khảo 2:
Mùa xuân trong thi ca là đề tài được nhiều nhà thơ khai thác. Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, là mùa của khát khao sống mãnh liệt, là mùa của niềm tin vào cuộc đời. Nhà thơ Thanh Hải – một người con của mảnh đất Huế thân yêu đã có bài thơ vô cùng hay viết về mùa xuân đó chính là bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.
Suốt cuộc đời của mình, nhà thơ Thanh Hải đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc qua cả hai cuộc đấu tranh chống Mỹ và chống Pháp. Cái khát vọng được dâng hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc luôn ẩn chứa trong con người tác giả. Điều này đã được thể hiện rất rõ qua tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ”. Có thể xem đây là bài thơ, là món quà cuối cùng mà Thanh Hải dành tặng cho chúng ta, dành tặng cho chính cuộc đời của ông.
Mặc dù đang ở trong tâm thế là người bệnh nhưng nhà thơ Thanh Hải viết nên những vần thơ không hề có sự buồn bực của một người sắp lìa xa cõi đời. Ngược lại, câu thơ của ông chứa đựng nét thiết tha và thanh thản. Một giọng văn đầy cởi mở và tươi mới. Ông đã nhìn thấy cảnh sắc của một mùa xuân mới thông qua một ô cửa sổ nhỏ, lắng nghe được tiếng gọi của mùa xuân một cách đầy tinh tế:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Màu tím là một màu sắc đặc trưng của xứ Huế. Người ta vẫn nói Huế tím mộng mơ là vì thế. Màu tím biếc của bông hoa nổi bật lên giữa màu xanh của dòng sông. Mặc dù tả màu tím của hoa nhưng khi đọc lên người đọc lại liên tưởng đến cả màu tím của tà áo dài của những cô gái Huế. Chúng mỏng manh và thật gợi tình. Từ chỗ nhìn thấy, tác giả bắt đầu nghe thấy. Đó là âm thanh của tiếng chim chiền chiện đang hót vang trời. Chim chiền chiện là loài chim thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân. Hình ảnh chim “hót chi mà vang trời” biểu lộ cho một sự vui tươi của cảnh vật và của chính nhà thơ nữa. Cảnh vật đẹp như vậy nên nhà thơ muốn ôm trọn vào lòng mình. Muốn hứng lấy từng giọt long lanh của đất trời, đó có thể là giọt sương mai, cũng có thể là tiếng chim hót được nhà thơ viết theo một lối chơi chữ tài tình. Hiểu theo cách nào thì cũng đủ để người đọc cảm nhận được sự trân quý của tác giả Thanh Hải đối với cảnh đẹp thiên nhiên.
Sau khi cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, tác giả lại cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân đất nước qua hình ảnh những người chiến sĩ, những người nông dân bám mình trên đồng ruộng:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…”
Ở khổ thơ này tuy tác giả không nhắc đến màu xanh nhưng ta lại thấy màu xanh ngập tràn cả khổ thơ. Đó là màu xanh của lá cây mà những người chiến sĩ giắt đầy quanh mình ngụy trang, đó là màu xanh của nương mạ gieo ngoài đồng vào mùa xuân. Mùa xuân, người lính thì ra chiến trường, người nông dân thì ra đồng cày cấy và trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Mỗi người mỗi công việc nhưng ai cũng hối hả, ai cũng xôn xao. Họ tìm thấy niềm vui trong việc mà họ đang làm. Chính họ là những người đã đem mùa xuân đến cho Tổ quốc của chúng ta. Dấu chửng lửng ở cuối đoạn thơ như ý muốn nói mùa xuân ấy vẫn sẽ còn tiếp diễn đời này qua đời khác. Bốn câu thơ tiếp theo chính là thể hiện cho sự tiếp nối ấy:
“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Câu thơ là một sự tự hào của tác giả đối với đất nước. Trải qua hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã phải hứng chịu biết bao nhiêu nỗi vất vả và nhọc nhằn. Thế nhưng sau tất cả, tinh thần dân tộc vẫn giúp chúng ta đi lên. Tác giả ví “đất nước như vì sao” bởi lẽ những ngôi sao lúc nào cũng sáng lấp lánh trên đầu trời đêm. Đất nước dù khó khăn cũng sẽ vững vàng mà tiến lên phía trước.
Trước sự tự hào của bản thân về đất nước, nhà thơ đã muốn hóa thân mình thành con chim, thành nhanh hoa, thành nốt trầm để hiến dâng cho cuộc đời. Mong ước ấy thật giản đơn nhưng cũng thật vĩ đại:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Những điều nhà thơ mong muốn tưởng như rất bình dị nhưng chính những điều đó lại làm nên nét đẹp của cuộc đời, làm nên một bản hòa ca với những thanh âm trong trẻo. Thật đẹp biết bao tâm hồn của thi sĩ. Thật đáng quý biết bao khi ở trong hoàn cảnh như nhà thơ mà vẫn muốn được hiến dâng mình cho Tổ quốc. Mong ước của tác giả có lẽ cũng là mong ước chung của nhiều người:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Mỗi người trong chúng ta đều là “một mùa xuân nho nhỏ”. Từng mùa xuân nhỏ ấy lặng lẽ dâng cho cuộc đời một mùa xuân lớn, một mùa xuân chung cho tất cả. Chẳng cần là vĩ nhân, chỉ cần là những người dân bình dị sống hết mình cho quê hương, Tổ quốc thì dù đầu xanh hay tóc bạc cũng góp phần làm nên mùa xuân.
Kết bài thơ là một khúc hát quen thuộc của Huế vang lên. Nếu như Bác Hồ trước lúc đi xa muốn nghe một câu hát dân ca thì ở đây tác giả cũng ngân vang khúc ca xứ Huế. Điều đó cho thấy tình yêu của ông dành cho quê hương mình là bất diệt:
“Mùa xuân ta xin hát
Khúc Nam ai, Nam Bình
Nước non ngàn dặm tình
Nước non ngàn dặm mình
Nhịp phách tiền đất Huế”.
Bao nhiêu tâm tư, tác giả đều đã gửi gắm vào trong những vần thơ. Qua những vần thơ của Thanh Hải, người đọc hẳn cũng đã cảm nhận được cái chân thành trong con người ông. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” mang đến cho người đọc ý nghĩa của cuộc sống, mang đến cho con người ta khát vọng về niềm vui sống mãnh liệt. Viết về mùa xuân nho nhỏ nhưng lại nói lên được cái tình cảm lớn lao của con người, tác giả đã để lại trong lòng người đọc nỗi xúc động trào dâng