Trình bày ý kiến của em về một vấn đề đời sống rút gợi ra từ hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng dao quê mùa xuân

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 7 bộ kết nối tri thức. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Trình bày ý kiến của em về một vấn đề đời sống rút gợi ra từ hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng dao quê mùa xuân.

Đề bài: Trình bày ý kiến của em về một vấn đề đời sống rút gợi ra từ hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng dao quê mùa xuân.

Bài tham khảo 1:

Đọc những dòng thơ đầy xúc động về hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng dao mùa xuân” của Nguyễn Khoa Điềm, em đã có rất nhiều suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp bảo vệ quê hương đất nước.

Trong bài thơ thể hiện tình cảm tiếc thương, sự trân trọng và biết ơn những người đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Đó chính là những người lính đã hi sinh trên chiến trường Trường Sơn trong “Những năm máu lửa”. Hình ảnh người lính bình dị, thân quen với trách nhiệm lớn lao mà các anh phải gánh vác trên vai gợi cho người đọc thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước. Cho dù những người lính ấy đã hi sinh nhưng anh linh của các anh vẫn còn sống mãi. Đặc biệt là “ngày xuân ngọt ngào” của người lính không bao giờ mất đi, mà sẽ từ núi xanh trở về và hồi sinh trong các thế hệ sau, trong mùa xuân đất nước.

Từ hình ảnh người lính trong bài thơ, người đọc chúng ta sẽ gợi nên nhiều suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sự nghiệp bảo vệ quê hương đất nước. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có rất nhiều thanh niên còn ham chơi, không chịu khó học tập, rèn luyện bản thân. Họ lo sợ và cho rằng, tham gia học quân sự, rèn luyện tư tưởng Đảng, đi bộ đội là những việc làm không cần thiết, mất thời gian và lãng phí thanh xuân của họ. Nhưng họ đâu có biết rằng, để có được một cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc như này hôm nay, thế hệ trước bao gồm những người lính cách mạng đã phải chiến đấu, hi sinh cực khổ như thế nào. Họ cũng chỉ là những chàng thanh niên trẻ tuổi như chúng ta, nhưng họ vì sự nghiệp lớn lao của dân tộc mà hi sinh bản thân, tuổi xuân của mình cống hiến cho đất nước. Nếu không có họ thì sẽ không thể có chúng ta của ngày hôm nay.

Vì vậy, các bạn trẻ cần phải giác ngộ, rèn luyện ý thức và tư tưởng đúng đắn, kịp thời. Không ngừng học tập, trau dồi bản thân để ngày càng phát triển. Tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể mang nhiều ý nghĩa, sức ảnh hưởng lớn. Tự tin, dũng cảm chinh phục mọi khó khăn, dám đương đầu với thử thách và nguy hiểm. Khi Tổ quốc cần thì phải sẵn sàng tham gia, cống hiến sức trẻ vì sự nghiệp lớn lao của dân tộc. Bên cạnh đó, phê bình, tố cáo các hành vi phản động, thiếu trách nhiệm với nền độc lập, hòa bình của đất nước.

Chúng ta của hôm nay được thừa hưởng những thành quả của sự chiến đấu, hi sinh anh dũng của thế hệ trước. Chính vì thế, là những thanh niên trẻ tuổi, hãy đóng góp sức mình để tiếp nối truyền thống yêu nước và làm nên đất nước muôn đời.  

Bài tham khảo 2:

Có lẽ trong văn học, đề tài người lính là đề tài tốn nhiều giấy mực của các nhà văn nhà thơ thời kì kháng chiến chống giặc cứu nước. Có người vẽ lên cuộc sống vất vả, sự hi sinh anh dũng nơi chiến trường của các chiến sĩ, có người vẽ lên vẻ đẹp oai hùng, uy nghi cùng với tinh thần lạc quan… Nhưng tất cả đều thể hiện tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Vậy hình ảnh người lính được thể hiện như thế nào trong thơ văn kháng chiến, điều đó sẽ được làm rõ ở những phần tiếp theo, phân tích người lính.

Trong kháng chiến, hình ảnh người lính trước hết được thể hiện ở xuất thân và lí tưởng sống cao đẹp. Người lính cụ Hồ xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, có thể là những người lao động nghèo khổ “Quê hương anh đất mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” (Đồng Chí – Chính Hữu), hoặc là những chàng thanh niên trẻ tuổi vô tư “chưa một lần yêu/ còn mê thả diều” (Đồng dao mùa xuân- Nguyễn Khoa Điềm)… Dù xuất thân ở hoàn cảnh nào thì ở họ đều có chung một lí tưởng cao đẹp sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, dũng cảm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Người nông dân mặc áo lính gan dạ dũng cảm “tỳ tay trên mũi súng” (Cá nước – Tố Hữu), các anh dẻo dai bền bỉ hành quân vượt qua “trăm suối ngàn khe”, vượt suốt, trèo đèo trong cảnh “ngày nắng đốt” chói chang, những “đêm mưa dầm dề, gió buốt chân tay” quanh năm suốt tháng. Không một khó khăn, trở lực ngăn được bước tiến của anh:

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới”.

Bên cạnh đó, hình ảnh người lính còn được thể hiện ở hoàn cảnh sống và chiến đấu thiếu thốn, khắc nghiệt. Người lính chiến đấu ở những nơi rừng núi âm u rậm rạp “đêm nay rừng hoan sương muối” (Chính Hữu), “bụi phun tóc trắng”, “mưa xối xả”… Cuộc chiến đấu diễn ra trong mọi hoàn cảnh: trong đêm đông lạnh buốt, hay nắng lửa mưa ngàn, nơi chiến trường ác liệt. Người lính phải gắng vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt mà cuộc sống chiến đấu ở chiến trường đầy gian khổ, thiếu thốn và cả sự khốc liệt của chiến tranh: những cơn sốt rét rừng hành hạ, ốm đau thiếu thuốc men, bom đạn rình rập đe doạ sự sống, cuộc chiến tranh khốc liệt, hiểm nguy mà những người lính phải đối mặt “áo rách, quần có vài mảnh vá, chân không giày” (Phạm Tiến Duật). Bằng những hình ảnh chân thực, sống động, những nét vẽ không màu. Thơ ca đã gieo vào lòng người đọc những xúc động lắng sâu về hoàn cảnh sống, chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn, hy sinh, thử thách, của những người lính cách mạng- những anh bộ đội cụ Hồ. Đất nước gian lao, cuộc đời người lính cách mạng cũng đầy khó khăn thử thách. Người lính đã vượt lên, chiến thắng mọi hoàn cảnh để chiến thắng được kẻ thù.

Và cuối cùng, hình ảnh người lính hiện lên là những con người yêu nước với những phẩm chất tốt đẹp: giàu lòng yêu nước, kiên cường, lạc quan yêu đời. Những người lính ra đi từ mọi miền quê của đất nước, họ gác lại những tình cảm, ước mơ riêng, những khát khao tuổi trẻ băng qua bom đạn, vượt qua mọi khó khăn, để tiến về phía trước. Quyết tâm ra đi chiến đấu để bảo vệ độc lập cho quê hương cho Tổ quốc. Tất cả đều bắt nguồn từ lòng yêu nước sâu sắc và vô cùng vĩ đại của những người lính mang tên gọi vô cùng giản dị mà thân thương: Bộ đội cụ Hồ. Những người lính dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu. Mọi khó khăn gian khổ, bom đạn của kẻ thù lùi lại phía sau bởi ở họ có một lòng yêu nước sâu sắc, một lý tưởng cao đẹp “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Với tinh thần “Tất cả vì Tổ quốc thân yêu”. Trong gian nan thử thách, tình đồng đội càng toả sáng, trong chiến đấu gian khổ, đồng đội là nguồn động viên là cánh tay dìu đỡ, là người chia lửa khi giáp mặt quân thù “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Đồng thời đó cũng là động lực giúp người lính vượt qua tất cả để hoàn thành lý tưởng cao cả của mình. Dù hoàn cảnh chiến đấu còn đầy những cam go, thử thách, vẻ đẹp phẩm chất cách mạng của người lính vẫn rạng ngời toả sáng. Họ chính là những bài ca đi cùng năm tháng, bất tử với thời gian.

Hãy cùng nhau phát huy những nét đẹp của các anh lính bộ đội cụ Hồ thông qua các hành động cụ thể như: cố gắng học tập thật tốt, tham gia vào các công việc chung của nhà trường, giúp đỡ bố mẹ việc nhà,...

Bài tham khảo 3:

Khi đọc “Đồng dao mùa xuân” của Nguyễn Khoa Điềm, tôi cảm thấy thêm ngưỡng mộ và yêu mến những người lính. Tác giả đã xây dựng hình ảnh người bộ đội cụ Hồ hiện lên đầy chân thực. Khi mới vào chiến trường, họ là những chàng thanh niên vẫn còn trẻ tuổi trẻ lòng với sự hồn nhiên vì chưa một lần yêu, cà phê vẫn chưng uống và còn mê thả diều. Dù vậy, họ lại là những con người giàu lí tưởng, nhiệt huyết cách mạng và sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Những năm chiến tranh khốc liệt, họ chiến đấu và hy sinh, gửi lại thân xác nơi chiến trường, kỉ vật còn lại chỉ là chiếc ba lô con cóc. Hình ảnh người họ hiện lên với làn da xanh xao, nhưng nụ cười lại hiền từ đến lạ. Đối với nhà thơ, người lính dù đã hy sinh nhưng tuổi xuân của họ vẫn bất tử, chính họ đã làm nên mùa xuân vĩnh hằng của đất nước.

Bài tham khảo 4: 

Với ngòi bút tinh tế của mình, Nguyễn Khoa Điềm đã tiếp tục đóng góp vào nền văn học Việt Nam hình ảnh người lính qua tác phẩm "Đồng dao mùa xuân". Nhà thơ đã chân thành khắc họa cuộc đời những con người trẻ tuổi chưa một lần biết yêu, còn đang mải mê với những cánh diều vi vu trên bầu trời. Tuổi trẻ đang tươi đẹp nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh xa quê hương để "đi vào núi xanh". Trên chiến trường bom đạn khốc liệt "khói đen rừng chiều", dù cho hoàn cảnh có khó khăn, anh luôn giữ vững niềm lạc quan nở nụ cười "hiền lành" trên môi. Khi đất nước lập lại nền hòa bình, những người đồng đội cùng nhân dân vẫn mãi nhớ tới người lính ra đi không trở về, nằm yên nơi "Trường Sơn núi cũ", nhớ tới hình ảnh người chiến sĩ khoác tấm áo màu xanh, đeo chiếc ba lô con cóc quen thuộc. Người lính cách mạng mãi là biểu tượng của một thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng, dũng cảm.

Xem thêm các bài Văn mẫu 7 kết nối tri thức, hay khác:

Xem thêm các bài soạn Văn mẫu 7 kết nối tri thức được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục theo sát chương trình Lớp 7 giúp bạn học tốt hơn.

Lớp 7 | Để học tốt Lớp 7 | Giải bài tập Lớp 7

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 7, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 7 giúp bạn học tốt hơn.