Trình bày ý kiến của em về giới trẻ và việc thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 7 bộ kết nối tri thức. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Trình bày ý kiến của em về giới trẻ và việc thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Đề bài: Trình bày ý kiến của em về giới trẻ và việc thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Bài tham khảo 1:

Khi mà có những ý kiến lo ngại việc người trẻ không còn quá mặn mà với nghệ thuật truyền thống thì đâu đó vẫn có những dự án "làm mới" nghệ thuật truyền thống bằng tinh thần của tuổi trẻ, bằng trí tuệ của những người đam mê tìm tòi, sáng tạo, bằng trách nhiệm, sự đau đáu với vốn văn hóa dân tộc. "Trường Ca Kịch Viện" là một dự án như thế. Dự án đã và đang góp phần giới thiệu, quảng bá đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ những "món ăn" mới lạ, sáng tạo mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Một "bảo tàng" trực tuyến

Với mục đích thành lập một chuyên trang đời sống online, khai thác các đề tài ẩm thực, xã hội, thời trang, lịch sử, văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, "Trường Ca Kịch Viện" đã chào đón nhiều bạn trẻ cùng tham gia. Khi thành lập, các bạn đều là học sinh THPT, giờ đây các thành viên hầu hết đã là sinh viên các trường đại học ở trong và ngoài nước. Hiện nay dự án đang có gần 30 thành viên tham gia. Để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc, dự án đã chia làm 5 ban: Truyền thông, Nội dung nghiên cứu, Nhân sự, Tài chính, Thiết kế do những thành viên tâm huyết làm trưởng ban.

"Trường Ca Kịch Viện" được ví như một "bảo tàng" trực tuyến về nghệ thuật sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian Việt Nam. "Trường Ca Kịch Viện" ứng dụng công nghệ số vào bảo tồn văn hóa thông qua những nền tảng trực tuyến như mạng xã hội Facebook và trên website, qua đó mang đến những thông tin cơ bản về nghệ thuật biểu diễn truyền thống, như: Rối nước, chèo, tuồng, cải lương, hát xẩm, quan họ, chầu văn... Dự án cũng thường xuyên tổ chức các triển lãm online với các bộ sưu tập hình ảnh và video theo chủ đề giúp giới trẻ vừa hiểu hơn, vừa được thưởng thức sống động các loại hình sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian đặc sắc của nước nhà. Cho đến nay, dự án đã tổ chức được 15 triển lãm online.

Bên cạnh đó, "Trường Ca Kịch Viện" còn hợp tác với dự án gây quỹ trẻ em Espelune tổ chức một triển lãm nhỏ kết hợp chiếu phim tại Hà Nội. Mới đây nhất, nhóm tham gia đồng tổ chức chuỗi tọa đàm "Sống với văn hóa dân gian" trong khuôn khổ Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2021. Trong gần 3 năm hoạt động, "Trường Ca Kịch Viện" nhận được sự ủng hộ lớn từ phía cộng đồng. Với nội dung mạch lạc, dễ hiểu cùng cách trình bày đồ họa đẹp, fanspage dự án hiện tại có hơn 4.450 lượt theo dõi và hơn 100.000 lượt truy cập website. Dự án đã có cơ hội được làm việc, hợp tác và nhận được sự giúp đỡ của các nghệ sĩ tên tuổi, như: NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Thanh Thanh Hiền, NSƯT Chu Lượng, nghệ nhân Nguyễn Đăng Dung, NSND Triệu Trung Kiên…

Mặc dù xây dựng được một "bảo tàng" trực tuyến với rất nhiều thông tin quý giá, sâu sắc, chi tiết thể hiện sự công phu trong cách tìm tòi tư liệu, cách sáng tạo trong thể hiện, tuy nhiên dự án muốn phát huy tính hiệu quả thì người trẻ cần được trực tiếp cảm nhận trong không gian của nghệ thuật truyền thống ấy. Tức là dự án phải tổ chức được những triển lãm offline để giúp người xem có cái nhìn trực quan hơn về nghệ thuật truyền thống, chứ không chỉ là những kiến thức mơ hồ trên mạng. Đó cũng là nỗi trăn trở chung của NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê hay NSƯT Chu Lượng, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Theo Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thì cái cần là các thành viên trong "Trường Ca Kịch Viện" phải hành động thế nào để những giá trị truyền thống ấy tiếp cận được, tác động được đến giới trẻ, đồng thời dự án đóng góp được gì cho chính các loại hình ấy thông qua các phương thức hoạt động, quan điểm của mình. Còn chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh thì cho rằng, online và các nền tảng số chỉ là nơi lưu trữ tài liệu, nghiên cứu, bảo tàng, người trẻ cần được "nhúng vào" trong không gian của nghệ thuật truyền thống thì mới cảm nhận được hết nét tinh túy và xúc cảm văn hóa dân tộc. Hay NSƯT Chu Lượng thì khẳng định, thời gian tới ông sẽ cho dự án "Trường Ca Kịch Viện" mượn những con rối và sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn để nghệ thuật múa rối sẽ được giới thiệu đến giới trẻ một cách cụ thể nhất thông qua các hoạt động offline sinh động, sáng tạo.

Theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và nhất là trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cuối năm 2021 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước". Rõ ràng văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc, "văn hóa còn thì dân tộc còn". Bởi vậy những dự án như "Trường Ca Kịch Viện" đã và đang góp tiếng nói đầy trách nhiệm của giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước - trong việc giữ gìn và lan tỏa rộng rãi vốn quý của văn hóa dân tộc. Đó chỉ là một trong những dự án của các bạn trẻ đang nỗ lực sáng tạo vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, để có thể tạo nên những sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc thu hút công chúng trong và ngoài nước thì sự sáng tạo này cần được thúc đẩy hơn nữa. Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, điều kiện hình thành sáng tạo để tạo ra tầng lớp sáng tạo, nhiều doanh nghiệp sáng tạo thì phải có ứng dụng công nghệ mới, có năng lực sáng tạo và cần cả sự bao dung của xã hội, tức là sự chấp nhận cái khác biệt.

Bài tham khảo 2:

Chèo Là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc và độc đáo, chèo có đời sống riêng và sức lan tỏa trong cộng đồng. Tuy nhiên, trước dòng chảy của các loại hình nghệ thuật hiện đại như hiện nay, việc giữ gìn, phát huy nghệ thuật chèo gặp không ít khó khăn. Trong đó, trở ngại lớn nhất là việc thu hút và "giữ chân" lực lượng kế cận, nhất là lớp trẻ. Đây cũng là bài toán nan giải mà những người đam mê với nghệ thuật chèo truyền thống đang đau đáu từng ngày.

Với mong muốn bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo, thời gian qua, nhiều sự kiện mang tính sáng tạo đã được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho giới trẻ, người yêu thích bộ môn nghệ thuật dân gian này có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022, sự kiện diễn ra từ ngày 12 đến 28-10.
Một thời gian dài, nghệ thuật Chèo rơi vào quên lãng, chỉ còn trong ký ức của các vị cao niên. Nhưng bằng tình yêu với nghệ thuật dân gian truyền thống, tiếng Chèo đã rộn ràng trở lại. Thực tế cho thấy, khán giả đến với nghệ thuật Chèo từ nhiều năm nay không chỉ là giới trung niên mà còn có các bạn trẻ. Bạn Hoàng Hiệp – chủ nhiệm dự án Chèo 48H chia sẻ: "Mình không phải là một người theo đuổi nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp nhưng khi mình còn học ở trường Đại học Xã hội và Nhân văn mình làm nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống và được tiếp cận với bộ môn nghệ thuật Chèo. Từ đó, trong mình bắt đầu nảy sinh tình yêu với môn nghệ thuật này và đến bây giờ mình đã được tham gia trong ban điều hành của dự án Chèo 48H để góp phần lan tỏa tình yêu của giới trẻ với những nghệ thuật truyền thống".Theo tìm hiểu, thông qua mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Tiktok.. bằng cách này hay nhiều cách khác thì nghệ thuật Chèo đang dần được tiếp cận nhiều hơn với các bạn giới trẻ. Kênh Youtube có nhiều các đoạn video dài 3-5 phút tuyên truyền về các giá trị lịch sử, những nét đặc sắc của bộ môn nghệ thuật Chèo. Hay trên nền tảng Tiktok đang thịnh hành nhất hiện nay, với các đoạn video chỉ dài từ 15-60 giây thể hiện các nhân vật đặc trưng trong nghệ thuật dân gian này đã giúp trị liệu tâm hồn, giải tỏa căng thẳng và truyền cảm hứng nghệ thuật cho các bạn trẻ.Để có thể thỏa sức đam mê với nghệ thuật Chèo, giới trẻ cũng lập ra những sân chơi để kết nối nghệ thuật Chèo với khán giả. "Dự án Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương được thành lập năm 2014, đến nay chúng mình đã hoạt động được 8 năm. Dự án được thành lập nhằm hướng tới giáo dục và truyền thông văn hóa nghệ thuật truyền thống cho người trẻ nhằm truyền cảm hứng, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu với văn hóa nước nhà, góp phần thúc đẩy các hành động bảo tồn, phát huy hiệu quả trong xã hội hiện đại" -Bạn Hiệp chia sẻ thêm.Ngoài Chèo 48h, những năm gần đây, người yêu mến nghệ thuật Chèo nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung chứng kiến sự chào đời của khá nhiều dự án, chương trình khác được thực hiện thành công nhờ tình yêu và tâm huyết của những người trẻ như "Tôi xê dịch" hay các buổi biểu diễn tại một số trường đại học.Tuy nhiên với sự xuất hiện nhiều của các loại hình giải trí nên nhiều người cho rằng, nghệ thuật dân gian này đang dần bị giới trẻ "lãng quên" thì bạn Hiệp có chia sẻ: "Mình nghĩ các bạn giới trẻ không lãng quên với nghệ thuật Chèo. Trong lòng các bạn trẻ vẫn luôn nhớ đến nghệ thuật Chèo nhưng không còn cảm thấy quá thích thú nữa vì nghệ thuật Chèo chưa được đa dạng, thu hút như các loại hình giải trí ngày nay. Nhưng mình thấy các bạn trẻ đang dần có xu hướng quay lại tìm hiểu về các bộ môn nghệ thuật truyền thống để phát huy giá trị dân tộc. Ví dự như trong dự án của chúng mình có tổ chức các khóa học về nghệ thuật truyền thống và được rất nhiều bạn trẻ tham gia ủng hộ. Và trong các buổi đi diễn bọn mình cũng gặp được rất nhiều khán giả trẻ đến xem".Đó là tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật Chèo nhưng cũng có những khó khăn thách thức đặt ra. Các bạn trẻ yêu thích, quay lại ủng hộ nghệ thuật dân gian này nhưng để theo đuổi nghề Chèo thì không còn nhiều. Vậy nên, hiện nay nghệ thuật Chèo thiếu rất nhiều nghệ sĩ trẻ nối nghề và diễn tốt như các vị tiền bối ngày xưa.Mong muốn nghệ thuật Chèo được phát triển theo cách "dân dã" ngày xưa và được tiếp cận với nhiều khán giả trẻ hơn nưa. Bạn Hiệp cho biết, không thể phủ nhận sự đa dạng của các sân khấu hóa, các loại hình đa dạng trong Chèo để nghệ sĩ có thể thể hiện nhưng nghệ thuật Chèo xuất phát từ sân đình, từ những điều giản dị nhất nên là một người yêu thích làm việc liên quan đến nghệ thuật Chèo bạn luôn mong muốn nghệ thuật Chèo được phát triển theo một cách dân dã, giản dị nhất như xưa của ông cha. Và bạn mong muốn ở khắp mọi miền cả nước, đặc biệt là Hà Nội có nhiều người đến từ các địa phương khác nhau, mang những bản sắc dân tộc khác nhau hãy tổ chức thật nhiều các sự kiện truyền thống để tất cả mọi người cùng được giao lưu, học hỏi và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta.Có thể nói, nhiều người trẻ không hề quay lưng lại với loại hình nghệ thuật truyền thống. Với họ, nghệ thuật truyền thống vẫn đang âm ỉ cháy, và nếu được khơi thông sẽ được phát triển không ngừng, lan tỏa trong cộng đồng. Để làm "sống lại" một kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc nhất là nghệ thuật chèo, hơn lúc nào hết cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Bài tham khảo 3:

Trong một thế giới phẳng như hiện nay, các nền văn hóa trên thế giới dễ dàng du nhập vào nước ta bằng nhiều con đường và nhiều hình thức. Cùng với đó là sự thay đổi về thị hiếu thưởng thức, vậy nên, giới trẻ Việt có nhiều lựa chọn hơn trong thưởng thức các loại hình nghệ thuật.

 Cốt lõi vấn đề ở chỗ, tất cả những gì thuộc về truyền thống, không riêng gì văn hóa nghệ thuật, chúng ta chưa có ý thức giáo dục để thẩm thấu. Các bạn cứ tiếp nhận những gì tự nhiên xã hội mang lại. Sự hiếu kỳ và hướng ngoại là tâm lý phổ biến của giới trẻ. Vậy nên, chúng ta cần có sự giáo dục đúng hướng để giới trẻ có được thái độ cần thiết trước những giá trị của dân tộc mình. Nhiều nước làm rất tốt vấn đề này, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc.

Họ đã biết cách để làm sao, mỗi công dân từ rất sớm đã nhận thức được giá trị của văn hóa truyền thống, trân trọng nó. Từ đó mới trở thành nề nếp, thói quen. Niềm tự hào dân tộc luôn luôn tiềm ẩn. Chẳng hạn như gần đây chúng ta quan sát thái độ của người dân khi đội tuyển bóng đá nước nhà giành chiến thắng trên đấu trường quốc tế, làm cho hàng  triệu triệu người Việt Nam tự hào. Như vậy, tâm lý tự hào luôn luôn sẵn có trong mỗi công dân, làm sao để chúng ta khơi dậy được nó mà thôi.

Đối với văn hóa truyền thống cũng vậy, làm sao để các bạn trẻ biết trân trọng những gì riêng có của mình. Trong một thế giới đại đồng, nó làm cho con người khó có thể nhận ra dân tộc này khác dân tộc kia ở chỗ nào. Do đó, chắc chắn phải có sự can thiệp của giáo dục cho những bạn trẻ- đối tượng đang hướng ngoại, thậm chí thực dụng để làm sao họ hướng nội nhiều hơn, có thể cảm nhận được những nét đẹp riêng có. Từ đó, họ mới có thái độ đúng đắn với di sản văn hóa dân tộc. Có như vậy, chúng ta mới đưa họ đến gần hơn với văn hóa dân tộc. Từ đó mới nảy sinh tình yêu với nghệ thuật truyền thống.

Bài tham khảo 4:

Khảo sát chung trên cả nước cho thấy rõ bức tranh về sự quan tâm tới âm nhạc truyền thống của thế hệ trẻ ngày nay là mờ nhạt. Trong khi đó ở loại hình ca nhạc hiện đại và một số chương trình văn hóa nghệ thuật qua phương tiện nghe nhìn đại chúng lại thu hút đông đảo giới trẻ. Một số chương trình âm nhạc, an-bum ca nhạc, video clip nhạc trẻ và nhạc nước ngoài thì đã trở thành "món ăn" hằng ngày không thể thiếu của họ.

Phỏng vấn sự quan tâm của giới trẻ với âm nhạc truyền thống trong cộng đồng có ba ý kiến nhận xét, đánh giá chủ yếu sau:

Ý kiến thứ nhất, không đồng ý với nhận xét: "Các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống không còn thu hút tầng lớp thanh niên nữa". Họ cho rằng giới trẻ ít đến với âm nhạc truyền thống là do thiếu sự định hướng hoặc vì nay không có nhiều sân chơi bổ ích về loại hình văn hóa dân gian dành cho lớp trẻ.

Ý kiến thứ hai, cho rằng: "Loại hình nghệ thuật truyền thống sẽ không mất đi nhưng nó không phát triển, nhất là ở môi trường đô thị. Vì ở đó công chúng trẻ đón nhận nó lạnh nhạt. Nhưng ở nông thôn nơi sản sinh ra nghệ thuật truyền thống - loại hình này nó sẽ "không chết" vì công chúng trẻ ở đây vẫn say mê và yêu thích nó.

Ý kiến thứ ba, bày tỏ tâm trạng lo lắng: Một số loại hình âm nhạc truyền thống có nguy cơ bị mai một trong tương lai, đặc biệt là sân khấu âm nhạc truyền thống như hát chèo, tuồng, hát bội, cải lương...

Vì sao công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng ít quan tâm và không ham thích âm nhạc truyền thống? Theo chúng tôi có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

 

Về yếu tố khách quan đó là do sự ảnh hưởng của trào lưu thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật hiện đại đang lan rộng và thẩm thấu ngày càng sâu trong cộng đồng. Sự bùng nổ các phương tiện nghe nhìn hiện đại thời hội nhập với các loại hình nghệ thuật đương đại đang tác động mạnh đến nhận thức và thẩm mỹ của thế hệ trẻ. Cùng đó là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, mạng in-tơ-nét... đang thu hút sự say mê của giới trẻ qua những chương trình đầy kịch tính, kích hoạt thị hiếu của số đông thanh thiếu niên. Rõ ràng nhiều loại hình văn hóa đại chúng mang tính quốc tế hóa đang chiếm vị thế trong đời sống văn hóa của cộng đồng, bỏ xa loại hình âm nhạc truyền thống vốn khiêm tốn về hình thức nghệ thuật lại có phần nghèo nàn về nội dung.

Mặt trái của cơ chế thị trường cũng đang tác động đến đời sống xã hội trong đó có văn hóa nghệ thuật. Sự cạnh tranh đang diễn ra không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn thấy rõ trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Trong cuộc cạnh tranh không mấy cân sức giữa văn hóa nghệ thuật truyền thống và các loại hình nghệ thuật đương đại, văn hóa nghệ thuật truyền thống nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng đang ở thế yếu. Ðô thị hóa với tốc độ nhanh cũng đang làm thay đổi tư duy và lối sống của một bộ phận cộng đồng dân cư, kèm theo đó là sự thay đổi về cách ứng xử và tiếp nhận những giá trị văn hóa nghệ thuật mới.

Tóm lại những vấn đề khách quan đã phân tích ở trên khiến âm nhạc truyền thống chưa có chỗ đứng xứng đáng cho công chúng trẻ và chưa hấp dẫn được họ.

Tuy nhiên chúng ta không nên đổ lỗi tất cả do khách quan mà cần nhìn nhận cả yếu tố chủ quan; đó là số lượng, chất lượng, sự tâm huyết của đội ngũ nghệ sĩ sáng tác và đạo diễn; sức sống của tác phẩm âm nhạc truyền thống; phong cách và lòng nhiệt huyết của đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn nay có chiều sa sút. Sự tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động âm nhạc truyền thống, cải thiện nâng cao đời sống văn nghệ sĩ, việc tuyên truyền nâng cao hiệu quả giáo dục nghệ thuật truyền thống cho đối tượng trẻ tuổi chưa mấy được quan tâm; nhất là chúng ta chưa có cách truyền tải giá trị âm nhạc truyền thống một cách có hiệu quả qua hệ thống truyền thông.

Các ngành chức năng và những người thiện tâm với âm nhạc truyền thống cần nhận thức rõ hơn tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan khiến âm nhạc truyền thống đang dần mất vị thế trong đời sống sinh hoạt văn hóa của thanh niên để sớm có giải pháp thiết thực thu hút lớp trẻ yêu mến những giá trị văn hóa cội nguồn. Một trong những hoạt động đáng trân trọng và góp phần khơi dậy ý thức cộng đồng hướng về âm nhạc truyền thống trong lớp trẻ là Liên hoan dân ca Việt Nam trên sóng Ðài Truyền hình Việt Nam gần đây.

 

Xem thêm các bài Văn mẫu 7 kết nối tri thức, hay khác:

Xem thêm các bài soạn Văn mẫu 7 kết nối tri thức được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục theo sát chương trình Lớp 7 giúp bạn học tốt hơn.

Lớp 7 | Để học tốt Lớp 7 | Giải bài tập Lớp 7

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 7, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 7 giúp bạn học tốt hơn.