Trao đổi về vấn đề Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe thấu hiểu

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 7 bộ kết nối tri thức. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Trao đổi về vấn đề Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe thấu hiểu

Đề bài: Trao đổi về vấn đề Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe thấu hiểu

Bài tham khảo 1:

Xin chào thầy cô và các bạn. Mình là An. Hôm nay, mình xin đưa ra ý kiến của bản thân thông qua trao đổi về vấn đề: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu.

"Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan"

Những lời thơ này chúng ta vẫn thường nghe qua lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ hay thầy cô: phải biết cố gắng chăm chỉ, học thật tốt, kết quả thật cao, phải ngoan ngoãn, lễ phép,... Phải chăng người lớn đang kỳ vọng và mong muốn ở chúng ta quá nhiều. Phải chăng người lớn đang quên rằng chúng ta cũng cần được lắng nghe, thấu hiểu? Ở vị trí là một người con, mình hiểu gia đình luôn mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho chúng ta. Mình hiểu được những kỳ vọng mà mọi người đặt vào bản thân, đơn giản vì ai cũng muốn con cháu của mình sau này có được thành công và hạnh phúc. Nhưng đôi khi, mình cũng thấy buồn và áp lực từ những kỳ vọng đó. Mình nghĩ rằng các bạn cũng vậy, đúng không?

Chúng ta là những đứa trẻ may mắn, được yêu thương và bảo vệ, nhưng đôi lúc cũng mong muốn được giãi bày, được lắng nghe cảm xúc, tâm tư của riêng mình. Vậy mà những lời cất giấu trong lòng ấy chẳng thể nói ra... Có lẽ vì bận rộn với cuộc sống mưu sinh mà người lớn ít có thời gian bên cạnh chúng ta. Mình không có ý trách móc những người thân mà chỉ buồn và ước được chia sẻ nhiều hơn với mọi người. Mình tin rằng, không ai trong chúng ta muốn nghe những lời trách mắng từ bố mẹ khi bị điểm kém. Cũng không muốn bố mẹ bắt học thật giỏi môn học mà mình không thấy hứng thú,...

Điều mà bản thân mình mong muốn là được người lớn nhìn nhận sự cố gắng, sở trường và đam mê của chính mình thay vì chỉ nhìn vào kết quả rồi buông lời than trách. Chúng ta khao khát nhận được sự đồng cảm, động viên từ bố mẹ cho những nỗ lực của bản thân. Bản thân mình muốn được ba mẹ dành nhiều thời gian để lắng nghe những chia sẻ, nguyện vọng, tâm tư của riêng mình.

Nếu được người lớn thấu hiểu và lắng nghe thì thật tuyệt vời phải không? Ba mẹ sẽ luôn bên cạnh đồng hành, ủng hộ những sở thích của mình. Họ sẽ dành thời gian để lắng nghe, gợi mở cho mình những điều hay, lẽ phải, đưa ra những lời khuyên, những giải pháp mà mình có thể chưa nghĩ đến. Nếu được người lớn thấu hiểu, chúng ta sẽ cảm thấy an toàn hơn, hạnh phúc hơn trong chính ngôi nhà mình. Ngược lại, nếu thiếu đi sự sẻ chia, thấu hiểu từ người lớn, chúng ta sẽ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Chúng ta cảm thấy mình thật tệ và đôi khi chán ghét chính bản thân vì không được như kỳ vọng của những người thân yêu.

Nếu người lớn không lắng nghe những đứa trẻ, liệu chúng có đủ trưởng thành để đi đúng hướng hay lại sa vào những sai lệch, rồi mất phương hướng trong chính tương lai mình? Lắng nghe để thấu hiểu, mình luôn mong muốn có được điều ấy từ người lớn. Rằng người lớn hãy thực sự lắng nghe nguyện vọng của con, lắng nghe tâm tư, mong ước của con. Rằng người lớn hãy dành thời gian bên con, chia sẻ cùng con những điều giản đơn trong cuộc sống.

Hãy vòng tay ôm con vào lòng khi còn thất bại, mỉm cười bao dung khi con phạm lỗi, khích lệ con khỉ con có ý định từ bỏ điều gì đó. Rằng người lớn hãy luôn là điểm tựa tinh thần vững chãi bên những đứa trẻ để các con có thể vững bước, tự tin vào đời.

Bài trình bày của mình đến đây là kết thúc, cảm ơn các bạn đã lắng nghe. Mình rất mong nhận được những ý kiến đóng góp để bài làm của mình thêm hoàn chỉnh.

Bài tham khảo 2: 

Xin chào thầy cô và các bạn. Hôm nay, mình xin đưa ra ý kiến trao đổi về vấn đề: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu.

Chào các bạn, mình từng đọc được ở đâu đó rằng: "Người lớn từng là trẻ con nhưng trẻ con chưa từng là người lớn.". Chúng ta đều là những đứa trẻ với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng riêng. Chúng ta cũng khao khát được lắng nghe, sẻ chia và thấu hiểu từ người lớn. Đôi lúc, mình vẫn ước rằng ba mẹ hiểu về con người mình nhiều hơn, không gây áp lực bằng cách đặt quá nhiều kỳ vọng.

Đã có những khi, mình thấy bản thân bị áp lực từ chính những kỳ vọng của bố mẹ. Mình mong chờ những lời động viên, những cái nắm tay ủi an mỗi khi thất vọng về điều gì đó. Nhưng có lẽ điều ấy không dễ dàng có được. Mình luôn thấu hiểu thay vì trách móc ba mẹ không quan tâm và để ý con cái bởi mình biết họ còn nhiều điều phải lo, còn nhiều việc phải làm. Nhưng mình vẫn buồn vì thiếu đi sự thấu hiểu từ chính người thân.

Điều mình mong muốn từ những người lớn là hãy dành thời gian bên con trẻ. Hãy hiểu và đặt mình vào vị trí của con để lắng nghe và động viên. Hãy dành cho thời gian để bên cạnh, hiểu hơn những đam mê, sở thích của con thay cho kỳ vọng của bố mẹ. Hãy để con học cách tự chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình thay vì áp đặt con vào lựa chọn của bố mẹ. Chắc hẳn, khi mỗi đứa trẻ được người lớn lắng nghe và thấu hiểu chúng sẽ hạnh phúc biết bao khi bên cạnh luôn có người động viên, đồng hành và sẵn sàng góp ý. Từ đây, mỗi đứa trẻ sẽ được tự do trong thế giới của riêng mình, được an toàn trong sự lắng nghe và thấu hiểu của mẹ cha.

Ai trong chúng ta cũng cần được thấu hiểu và chia sẻ, những đứa trẻ lại càng cần điều đó hơn bao giờ hết. Vì vậy, mình mong rằng thế giới tâm hồn non nớt của trẻ em sẽ được người lớn bước vào, dìu dắt và nâng đỡ để mỗi người có thể tự tin vững bước trên con đường xây đắp tương lai mình.

Bài trình bày của mình đến đây là kết thúc, cảm ơn các cô và bạn đã lắng nghe.

Bài  tham khảo 3: 

Chào tất cả các bạn, hôm nay mình xin trao đổi với các bạn về vấn đề: Trẻ em cần được người lớn lắng nghe và thấu hiểu. Các bạn nghĩ như thế nào về vấn đề này? Bản thân mình thấy đây là một vấn đề thú vị để chúng ta có thể nói hết những điều mà bản thân mong muốn từ người lớn.

Các bạn ạ, ai trong chúng ta sinh ra đều mang trong mình những cảm xúc, tâm tư riêng. Và đặc biệt mỗi người đều khao khát được lắng nghe và thấu hiểu đúng không? Trẻ em, những mầm non với tâm hồn nhạy cảm, những đứa trẻ khao khát được khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh, khao khát được khẳng định mình thì lại cần điều điều đó hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, trong thực tế, mình thấy không ít bậc phụ huynh chưa thực sự hiểu con em mình. Cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao ở con, vô tình gây áp lực cho chính những đứa trẻ. Cha mẹ không thực sự biết về sở thích, đam mê hay năng khiếu của con cái. Thay vào đó là những lời la mắng, trách móc khi kết quả học tập của con không cao. Chính vì thế, đứa trẻ về nhà chỉ biết làm bạn với điện thoại, xa cách với mọi người xung quanh. Dần dần những đứa trẻ ấy chỉ biết sống thu mình trong thế giới của riêng mình mà thôi. Có những mệt mỏi, buồn chán, áp lực cần được sẻ chia cũng đành dấu trong lòng bởi không biết bày tỏ cùng ai. Chúng lạc lõng bơ vơ trong chính ngôi nhà của mình. Chính những trạng thái cảm xúc tiêu cực ấy có khi dẫn đến hành động đáng buồn xảy ra mà chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi.

Những đứa trẻ đơn thuần, chúng nào mong ước gì lớn lao. Chúng mong rằng khi trở về nhà được ăn bữa cơm gia đình, được kể cho mẹ nghe những chuyện hôm nay đã trải qua ở trường lớp. Chúng thèm những cái nắm tay động viên, ánh mắt khích lệ và cái ôm vỗ về khi không may gặp phải chuyện không hay. Những đứa trẻ như chúng ta không mong gì hơn, chỉ mong được bố mẹ ủng hộ sở thích đam mê của mình, tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Những điều đó không quá khó khăn nhưng để có được thì đâu phải dễ dàng.

Các bạn ạ, chúng ta cứ hay trách rằng bố mẹ không hiểu chúng ta, bố mẹ hay rầy la và đặt kỳ vọng vào chúng ta. Nhưng liệu có bao giờ các bạn nghĩ rằng họ đang phải gồng gánh trên mình trách nhiệm nặng nề hơn chúng ta rất nhiều. Mình nghĩ rằng chúng ta nên chủ động mở lòng, chủ động chia sẻ và nói những điều mình mong muốn với người lớn để họ hiểu chúng ta hơn. Hãy là người kết nối tình cảm gia đình, sẻ chia với những vất vả của ba mẹ, tâm sự với ba mẹ về những tâm tư của chính mình. Mình tin rằng, nếu làm được những điều ấy, người lớn sẽ thấu hiểu và lắng nghe chúng ta nhiều hơn

Bài trình bày suy nghĩ của mình xin dừng tại đây. Hi vọng các bạn sẽ góp ý để mình hoàn thiện tốt hơn trong những lần sau nhé! Cảm ơn các bạn đã lắng nghe!

Trao đổi, trình bày ý kiến về một vấn đề nào đó là kỹ năng cần rèn luyện. Trên đây là các bài nói mẫu về Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu mà em có thể tham khảo để hoàn thiện bài nói của mình.

Bài tham khảo 4: 

Người lớn đã từng là trẻ em, nhưng trẻ em thì chưa từng làm người lớn”, dù là trong sinh hoạt hằng ngày, học tập, vui chơi hay đời sống tinh thần, thì con trẻ cũng rất cần nhận được sự lắng nghe và chia sẻ từ bố mẹ. Thực tế cho thấy rất nhiều ông bố, bà mẹ vẫn chưa thực sự lắng nghe con, vẫn chưa thực sự thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của con trẻ.

Bản thân mỗi đứa trẻ khi sinh ra đã là một cá thể riêng biệt, mỗi con sẽ có những tính cách và thói quen, tố chất khác nhau. Bởi vậy, cách dạy dỗ đối vói mỗi đứa trẻ cũng khác nhau. Bố mẹ không thể áp sở thích, đường hướng học tập của trẻ này lên trẻ khác. Bó mẹ cũng không thể để một đứa trẻ thích vận động ngồi một chỗ làm thơ, hay bắt một đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật phải học tốt về các con số. Nếu như không lắng nghe, không trò chuyện với con, thì vô tình cha mẹ đang kìm hãm những ước mơ của con. Khi cha mẹ thật sự lắng nghe thì trẻ em sẽ dần dần học được cách chia sẻ những khúc mắc, hy vọng và mong muốn của mình với cha mẹ. Dù cha mẹ có trò chuyện tán gẫu với con về bất cứ vấn đề gì thì đó cũng là một cách thể hiện tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ đối với trẻ. Kỳ thực, con trẻ suy nghĩ vô cùng đơn giản, chúng chỉ muốn hằng ngày cha mẹ quan tâm tới mình nhiều hơn, trò chuyện với mình nhiều hơn. Cho dù đó chỉ là một số chuyện vặt.

Tuy nhiên, cũng có những lúc vì gánh nặng mưu sinh mà cha mẹ lại sao nhãng đi việc trò chuyện thấu hiểu với chúng ta. Những lúc như vậy, thay vì trách cứ cha mẹ chúng ta hãy tiến lại gần trò chuyện, tâm tình với cha mẹ. Điều đó vừa giúp cha mẹ giải tỏa bớt áp lục, đồng thời cũng giúp họ hiểu được suy nghĩa của chúng ta hơn.

Tôi tin rằng nếu chúng ta mở lòng thì cha mẹ sẽ luôn sẵn lòng lắng nghe chúng ta.

Xem thêm các bài Văn mẫu 7 kết nối tri thức, hay khác:

Xem thêm các bài soạn Văn mẫu 7 kết nối tri thức được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục theo sát chương trình Lớp 7 giúp bạn học tốt hơn.

Lớp 7 | Để học tốt Lớp 7 | Giải bài tập Lớp 7

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 7, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 7 giúp bạn học tốt hơn.