I. HÓA TRỊ
1. Khái niệm hóa trị
Hóa trị là con số biểu thị khả năng liên kết của nguyên tử nguyên tố này với nguyên tử nguyên tố khác.
2. Quy tắc hóa trị
Khi các nguyên tử của hai nguyên tố A, B liên kết với nhau, tích giữa hóa trị và số nguyên tử của A bằng tích giữa hóa trị và số nguyên tử của B.
II. CÔNG THỨC HÓA HỌC
1. Công thức hóa học
- Để biểu thị các chất một cách đơn giản và ngắn gọn người ta dùng công thức hoá học. Công thức hoá học gồm hai thành phần là kí hiệu hoá học và các chữ số
- Phần chữ: gồm kí hiệu hoá học của các nguyên tố tạo thành chất
- Phần số: gồm các số được ghi bên phải, dưới chân kí hiệu hoá học, ứng với số nguyên tử của nguyên tố trong một phân tử (nếu chỉ có một nguyên tử thì không ghi). Các số này được gọi là chỉ số.
2. Ý nghĩa của công thức hóa học
- Công thức hoá học của một chất cho biết một số thông tin:
- Nguyên tố tạo ra chất
- Số nguyên tử của mỗi nguyên tố có trong một phân tử chất
- Khối lượng phân tử của chất
3. Xác định công thức hoá học của hợp chất khi biết hoá trị hoặc phần trăm khối lượng của các nguyên tố
- Nếu hai nguyên tố A, B có hoá trị tương ứng là a, b thì công thức hoá học của hợp chất tạo thành A và B được xác định như sau:
- Đặt công thức hoá học của hợp chất $A_xB_y$.
- Áp dụng quy tắc hoá trị, xác định tỉ lệ $\frac{x}{y}=\frac{b}{a}$
- Xác định x, y (x, y thường là những số nguyên nhỏ nhất thoả mãn tỉ lệ trên).
- Khi biết phần trăm khối lượng của hai nguyên tố A, B tạo nên hợp chất và khối lượng phân tử của chất đó, xác định công thức hoá học theo các bước sau:
- Đặt công thức hoá học của chất là $A_xB_y$
- Tính khối lượng của A, B trong phân tử chất.
- Tìm x, y