I. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG BẢNG TUẦN HOÀN CÁC NGUYÊN TỐ HÓA HỌC
- Nguyên tắc 1: Các nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn được sắp xếp theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân của nguyên tử.
- Nguyên tắc 2: Các nguyên tố hóa học có cùng số lớp electron trong nguyên tử được xếp thành một hàng
- Nguyên tắc 3: Các nguyên tố có tính chất hóa học tương tự nhau được xếp thành một cột
II. CẤU TẠO BẢNG TUẦN HOÀN
Bảng tuần hoàn gồm các ô được xếp thành các hàng và các cột
1. Ô nguyên tố
Ô nguyên tố cho ta biết: Số hiệu nguyên tử, kí hiệu hóa học, tên nguyên tố và khối lượng nguyên tử của nguyên tố đó.
2. Chu kì
- Chu kì là dãy các nguyên tố mà nguyên tử của chúng có cùng số lớp electron và được xếp thành hàng theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân.
- Bảng tuần hoàn hiện nay gồm 7 chu kì: 3 chu kì nhỏ (1, 2, 3) và 4 chu kì lớn (4, 5, 6, 7).
- Số thứ tự của chu kì bằng số lớp electron trong nguyên tử của các nguyên tố thuộc chu kì đó.
3. Nhóm
- Nhóm gồm các nguyên tố có tính chất hóa học tương tự nhau được xếp thành cột theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân.
- Bảng tuần hoàn gồm 18 nhóm (cột): 8 cột là nhóm A và 10 cột là nhóm B.
- Nhóm A được đánh số thứ tự bằng chữ số la mã từ IA đến VIIIA
- Số thứ tự nhóm A = số electron ở lớp ngoài cùng của các nguyên tử nguyên tố thuộc nhóm đó.
III. VỊ TRÍ CỦA CÁC NGUYÊN TỐ KIM LOẠI, PHI KIM VÀ KHÍ HIẾM TRONG BẢNG TUẦN HOÀN
a. Các nguyên tố kim loại
Các nguyên tố kim loại (màu xanh) nằm ở phía bên trái và góc dưới bên phải của bảng tuần hoàn
b. Các nguyên tố phi kim
Các nguyên tố phi kim (màu hồng) nằm ở phía trên, bên phải của bảng tuần hoàn
c. Các nguyên tố khí hiếm
Tất cả các nguyên tố nhóm VIIIA là khí hiếm
IV. Ý NGHĨA CỦA BẢNG TUẦN HOÀN
- Biết thông tin của nguyên tố hóa học: tên nguyên tố; số hiệu nguyên tử; kí hiệu hóa học; khối lượng nguyên tử.
- Xác định vị trí của nguyên tố hóa học: ô thứ tự, chu kì, nhóm => nhận diện kim loại, phi kim, khí hiếm.