A. PHƯƠNG PHÁP GIẢI
1. Tìm căn bậc hai của một số không âm
Sử dụng định nghĩa: Căn bậc hai của một số a không âm là số x sao cho $x^{2}$ = a.
Với a > 0 có hai căn bậc hai là $\sqrt{a}$ và $-\sqrt{a}$
Với a = 0 có một căn bậc hai là 0.
Với a < 0 không có căn bậc hai nào
Ví dụ 1: Tìm căn bậc hai của :
a) 25 b) 0,0001 c) 0 d) 15 e) -6
Hướng dẫn:
a) Căn bậc hai của 25 là $\sqrt{25}$ = 5 và -$\sqrt{25}$ = -5
b) Căn bậc hai của 0,0001 là $\sqrt{0,0001}$ = 0,01 và -$\sqrt{0,0001}$ = -0,01
c) Căn bậc hai của 0 là 0
d) Căn bậc hai của 15 là $\sqrt{15}$ và -$\sqrt{15}$
e) -6 < 0 nên không có căn bậc hai
2. Số vô tỉ
Để chứng tỏ một số là số vô tỉ ta có thể:
Cách 1: Chỉ ra số đó viết được dưới dạng số thập phân vô hạn không tuần hoàn.
Cách 2: Giả sử số đó là số hữu tỉ dạng $\frac{p}{q}(p,q\in Z, (p;q)=1)$. Từ đó suy luận để tìm ra mâu thuẫn.
Ví dụ 2: Chứng minh rằng $\sqrt{5}$ là số vô tỉ.
Hướng dẫn:
Giả sử $\sqrt{5}$ là số hữu tỉ. Khi đó $\sqrt{5}$ có thể viết được dưới dạng $\frac{p}{q}(p,q\in Z, (p;q)=1)$. Ta có:
$\sqrt{5}=\frac{p}{q}\Rightarrow \frac{p^{2}}{q^{2}}=5\Rightarrow p^{2}=5q^{2}$
Do đó $p^{2}\vdots 5$ $\Rightarrow $ $p\vdots 5$
Đặt p = 5m ($m\in Z$) thì ta có $p^{2}=25m^{2}=5q^{2}$
$\Rightarrow q^{2}=5m^{2}$
Chứng tỏ $q\vdots 5$
Do đó p và q cùng chia hết cho 5 (trái với giả thuyết)
Do đó $\sqrt{5}$ không phải là số hữu tỉ.
Vậy $\sqrt{5}$ là số vô tỉ.
3. So sánh số thực
Để so sánh hai số thực a, b ta có thể sử dụng một số nhận xét sau:
- Nếu a > m, m > b thì a > b
- Nếu hai số thực dương thì:
a > b $\Leftrightarrow \sqrt{a}>\sqrt{b}$
a > b $\Leftrightarrow a^{2}>b^{2}$
Ví dụ 3: So sánh a = $3\sqrt{2}$ và b = $2\sqrt{3}$
Hướng dẫn:
Xét $a^{2}= (3\sqrt{2})^{2}=18$
$b^{2}= (2\sqrt{3})^{2}=12$
Do $a^{2} > b^{2}$ mà a , b > 0 nên a > b.
B. Bài tập & Lời giải
1. Trong các số sau, số nào bằng $\frac{3}{5}$.
a = $\sqrt{\frac{3^{2}}{5^{2}}}$
b = $\frac{\sqrt{3^{2}}+\sqrt{42^{2}}}{\sqrt{5^{2}}+\sqrt{70}^{2}}$
c = $\frac{\sqrt{3^{2}}-\sqrt{8^{2}}}{\sqrt{5^{2}}-\sqrt{8}^{2}}$
d = $\frac{-45}{-75}$
2.a) Điền số thích hợp vào chỗ trống.
$\sqrt{1}$ = ...
$\sqrt{1+3}$ = ...
$\sqrt{1+4+5}$ = ...
b) Viết tiếp ba đẳng thức nữa vào danh sách trên.
3. Cho biểu thức $\sqrt{ab}$ có nghĩa thì có thể suy ra $\sqrt{a}$ và $\sqrt{b}$ có nghĩa không?
Xem lời giải
4. Chứng minh rằng $\sqrt{7}$ là số vô tỉ.
5. Chứng tỏ rằng: Tổng của một số vô tỉ và một số hữu tỉ là một số vô tỉ.
6. Trong các số sau, số nào là số hữu tỉ, số nào là số vô tỉ?
a) 0,121212...
b) -1,1011110111...
c) $\sqrt{\frac{1}{2}}$
d) $5+\sqrt{7}$
Xem lời giải
7. Sắp xếp các số sau theo thứ tự tăng dần:
$\frac{1}{5};-\sqrt{2};-1,(25);\frac{3\sqrt{2}}{2};\sqrt{5^{2}}$
8. So sánh x = $\sqrt{3}+\sqrt{5}$ ; y = $\sqrt{2}+\sqrt{6}$ ; z = $2\sqrt{2}$
9. So sánh m = -$\frac{1}{2}\sqrt{\frac{1}{3}}$ và n = -$\frac{1}{3}\sqrt{\frac{1}{2}}$