Hình ảnh con trâu trong văn hóa của người Việt
Bài Làm:
Cùng với cây lúa nước, trâu cũng gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam và cả Đông Nam Á. Trâu đã trở thành linh vật của SEA Game 22 năm 2003, hình tượng trâu vàng đã từng là biểu tượng của thể thao Việt Nam. Hình ảnh con Trâu kéo cày trên ruộng đồng trồng lúa, hay con trâu đứng nằm gặm nhai cỏ trên bãi cỏ, cùng đầm mình trong vũng ao hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm gíac thị vị thanh bình vùng miền quê Việt Nam. Con trâu là hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù của con người Việt, biểu tượng cho sức khỏe lực điền. Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua.
Trong những câu chuyện cổ tích có sự hiện diện của con trâu. Câu chuyện Trí khôn của ta đây lý giải nguyên nhân của việc trâu không có răng ở hàm trên. Thời kỳ Vua Hùng dựng nước, con Trâu góp phần xây dựng căn bản cho nền văn minh nông nghiệp trồng cấy lúa mạ, đó cũng là hình ảnh ăn sâu vào đời sống trong dân gian Việt Nam miền thôn quê đồng ruộng. Tượng Trâu bằng đất nung được giới khảo cổ học tìm thấy trong di chỉ Đồng Đậu cách đây hơn ba ngàn năm. Trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hòa) còn chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ, ở buổi đầu dựng nước có nhiều tượng trâu ở di chỉ Đình Chàng. Truyền thuyết của thời kỳ thần thoại ở Việt Nam có sự tích hồ Trâu Vàng - hồ Tây (Hà Nội). Theo huyền sử ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh thuở để tóc ba chỏm đã cùng đám trẻ chăn trâu trong vùng Hoa Lư cưỡi trâu rước cờ lau tập trận đây là một vị vua xuất thân từ hình ảnh chú bé mục đồng.
Trong tín ngưỡng nông nghiệp, hình ảnh con trâu còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Lúc đón giao thừa, người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không. Con trâu xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người nông dân. Ở Bắc Giang từ xa xưa đã có tục tế trâu, thờ trâu trong các lễ hội truyền thống. Hội làng Phú Khê (Tân Yên) có lệ tế thần thành hoàng bằng trâu sống. Hội làng Nội Ninh (Việt Yên) cũng có tục tế thần bằng trâu sống. Việc thờ trâu trong lễ hội dân gian ở Bắc Giang còn nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa cổ truyền của người dân Bắc Giang.
Một số vùng nông thôn Việt Nam có tục lệ là làm Tết Trâu ở các vùng Hoằng Hóa, Nga Sơn (Thanh Hóa), Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ngoài ra, trâu còn gắn liền với các lễ hội như chọi trâu, đâm trâu... Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) Hải Phòng vào tháng Tám âm lịch có tục chọi trâu rất nổi tiếng ngoài ra còn có Làng Hải Lưu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có lệ chọi trâu khá quy mô. Lễ hội là một phong tục tín ngưỡng để tạ ơn Thần Biển của người dân ở đây. Những con trâu khỏe mạnh nhất sẽ ra chọi với nhau để tìm ra con giành chiến thắng. Con trâu này sẽ đem giết để cúng thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa. Đó là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của Hải Phòng nói riêng và của Việt Nam nói chung. Gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trâu còn góp mặt trong đời sống văn hóa.
Con trâu trong hội họa Việt Nam thể hiện từ những nét in khắc dung dị của tranh Đông Hồ đến nét vẽ hiện thực, tượng trưng và bán trừu tượng, được thể hiện với nhiều chất liệu từ tranh lụa, tranh sơn mài và nhiều nhất là sơn dầu và đặc biệt là qua Tranh Đông Hồ. Trong cách vẽ tranh trâu làm cho hình ảnh con trâu sống động hơn, gần gũi hơn. Hình ảnh con trâu sau đó cũng đi vào hội họa Việt Nam với các tác phẩm trâu của nhiều họa sĩ như Nguyễn Sáng với bức Chọi trâu, Nguyễn Tư Nghiêm với tranh Con nghé (1957), trong tranh Bùi Xuân Phái cũng có bóng dáng của con trâu. Có mười bức tranh trâu được gọi là "Thập mục ngưu đồ", vẽ con trâu và những chú mục đồng, mô tả thứ tự quá trình diễn biến trong tâm thức của người vận dụng sự hành thiền trong cuộc sống. Thập mục ngưu đồ là mười bức họa chăn trâu nổi tiếng trong thiền tông.
Trâu là biểu tượng cho hình ảnh cần cù, chăm chỉ, cực nhọc và khoẻ mạnh. Chúng cho sức kéo cày nặng nhọc, trâu còn cung cấp thịt và sữa. Trong tranh của Đông Hồ còn ghi nhận hình ảnh con trâu đi sát với sinh hoạt làng quê, có những chú bé mục đồng tóc để tóc chỏm thổi tiêu trên lưng trâu giữa những cánh đồng lúa chín vàng, hay bên những lũy tre xanh có những con trâu được nghỉ ngơi nhai cỏ sau những giờ làm lụng vất vả. Con trâu mang một nét văn hóa đồng quê bình dị, hay trong thôn xóm mộc mạc. Con trâu vốn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em tại nông thôn qua hình ảnh của những chú bé mục đồng, những sinh hoạt chăn trâu hay len trâu thì rất gần gũi, vui đùa với trâu, tắm trâu, cưỡi trên lưng trâu, thả diều, bên lũy tre đầu làng, bên những vựa lúa chín vàng, những trẻ em chăn trâu còn gọi là trẻ trâu. Trong sự diễn dịch bói toán hay trong nếp dân sinh người ta thường cho là người sinh vào năm con trâu thì chịu khó làm việc cực nhọc, chăm chỉ. Về sức mạnh thì lại nói là khỏe như trâu.
Trong âm nhạc Việt Nam, có ca khúc Đường cày đảm đang của An Chung: Trời vừa tinh mơ, dọc bờ rộn tiếng trâu đi. Ta với trâu sương gió quản gì. Bừa kỹ xong gieo luống cho đều. Trâu ơi... Mai lúa khoai nhiều., ca khúc Em bé quê của Phạm Duy, có mấy câu đầu nổi tiếng: Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. Ca khúc Lý con trâu của Lư Nhất Vũ, phỏng theo dân ca Nam Bộ. Bài hát của thiếu nhi như Cánh Đồng Tuổi Thơ của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ qua lời ca về đồng lúa và con trâu: Ngồi dưới áng mây trời bay ngang/Còn con trâu nghé thì lang thang; Bài hát Con Đường Việt Nam, tác phẩm chung của hai nhạc sĩ Anh Bằng và Trúc Hồ nói về khung cảnh miền quê Việt Nam có bóng dáng con trâu gặp cỏ đường chiều, một vài em bé vui chơi thả diều. Phạm Duy thường dùng hình ảnh con trâu trong tác phẩm của ông, như trong bài Bình Ca. Bài Em Bé Quê, hình ảnh con trâu và em bé mục đồng đậm nét quê hương.