Những tập tính thú vị của loài dê
Bài Làm:
Tập tính ăn uống, chạy nhảy, bầy đàn
Dê có khả năng sử dụng các loại thức ăn thô xanh, nhiều chất xơ. So với trâu, bò, cừu... dê ăn được nhiều loại lá hơn và có biên độ thích ứng rộng với các mùi vị của cây lá. Một số loài cây mà trâu, bò không ăn nhưng dê vẫn sử dụng được. Dê rất phàm ăn và thường tìm thức ăn mới. Dê là con vật sử dụng nước hiệu quả hơn nhiều so với trâu, bò. Nó có khả năng chịu khát rất giỏi. Do cấu tạo môi dê mỏng, linh hoạt nên ngoài khả năng gặm cỏ như trâu, bò..., dê còn có khả năng đứng bằng hai chân, bứt các loại lá cây, hoa trên cao, thậm chí trèo hẳn lên cây để chọn, bứt các phần ngọn. Dê thích ăn ở độ cao 0,2-1,2m. Thức ăn để sát mặt đất dê thường khó ăn và phải quỳ hai chân trước xuống để ăn. Khi để tự do, dê có khả năng tự tìm chọn loại thức ăn thích nhất để ăn; thức ăn rơi vãi, dính bẩn bùn đất dê thường bỏ lại không ăn.
Dê là loài vật có tính khí ưa chạy nhảy và hiếu động. Chúng rất nhanh nhẹn và di chuyển rất nhanh trong khi kiếm ăn. Mỗi ngày chúng có thể chạy nhảy, di chuyển khoảng 15km. Dê có tập tính bầy đàn cao. Chúng ngủ nhiều lần trong ngày. Khứu giác và thính giác của dê rất phát triển nên dê rất nhạy cảm với tiếng động. Dê còn có khả năng tự chịu đựng và giấu bệnh. Khi dê ốm thường vẫn cố theo đàn cho đến khi kiệt sức ngã quỵ xuống mới thôi. Vì vậy, khi chăm sóc dê phải quan tâm tỉ mỉ mới phát hiện được dê mắc bệnh để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Tập tính nhai lại
Dê thường ăn vào ban ngày và nhai lại vào ban đêm khoảng 22 giờ đến 3 giờ sáng hoặc nhai lại vào lúc nghỉ ngơi xen kẽ giữa các lần ăn cỏ trong một ngày đêm. Trong một ngày đêm dê trưởng thành có thể nhai lại từ 6 đến 8 đợt, dê con nhai lại nhiều hơn 15 đến 16 đợt. Mỗi lần nhai lại từ 20 đến 60 giây. Khi dê ăn thức ăn cứng như rơm khô thì thời gian nhai lại gấp hai lần cỏ tươi. Trời nóng thì sự nhai lại chậm hơn trời mát, thức ăn cỏ ẩm và mục đều ảnh hưởng đến sự nhai lại. Môi trường cũng ảnh hưởng đến sự nhai lại: yên tĩnh thì sự nhai lại tốt, nếu ồn ào thì sự nhai lại kém và bị ức chế.
Các yếu tố stress như hưng phấn quá dê bị say nắng hoặc ăn thức ăn ẩm mục đều ảnh hưởng đến sự nhai lại. Trong quá trình nhai lại nước bọt được tiết ra từ 6-10 lít trong một ngày đêm. Khi ăn tuyến nước bọt chỉ tiết ra một lít trong khi sự nhai lại tiết ra gấp 3 lần.
Hiện tượng nhai lại có vai trò quan trọng trong sự tiêu hóa, nhờ đó mà thức ăn được thấm nước bọt nghiền nát, tạo nên pH dạ cỏ 5,5 đến 6,5 tạo điều kiện cho vi sinh vật dạ cỏ hoạt động.
Tính khí bất thuờng, ương ngạnh và trí khôn của dê
Dê là một loài vật có tính khí bất thường và hiếu động, dê rất phàm ăn nhưng luôn luôn tìm những thức ăn mới. Dê vừa ăn vừa phá và chúng có thể ăn 170 loài cây chiếm 80% loài cây hoang dại. Dê có thể ăn những loài cây đắng mà các thú khác không sử dụng được. Khi gặp nguy hiểm dê có vẻ hung hăng và liều mạng nhưng đôi khi tỏ ra rất nhát và hoảng sợ trước một vật lạ. Trước một thú dữ dê rất sợ, xô đẩy nhau ầm ĩ, trèo và rút đầu bừa vào khe chuồng. Nhiều người chăn nuôi dê phàn nàn về tính ương bướng của dê thích làm trái ý người, muốn chăn đường này thì chúng lại đi đường khác. Tuy nhiên dê là loài vật có trí khôn, rất mến người khi cho chúng ăn và nhận biết được người quen từ xa.