I. Nguồn gốc cây cà chua
Cà chua có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Bằng chứng di truyền cho thấy cà chua được tiến hóa từ loài cây nhỏ quả màu xanh phổ biến ở vùng cao nguyên Peru. Một loài có tên Solanum lycopersicum được vận chuyển đến México, nơi nó được trồng và tiêu thụ bởi dân cư Trung Mỹ. Loại cà chua được thuần hóa đầu tiên có thể là trái cây màu vàng, tương tự như cà chua anh đào, được trồng bởi người Aztec miền Trung México. Từ cà chua bắt nguồn từ tomatl trong tiếng Nahuatl, có nghĩa trái cây sưng.
Nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Cortés có thể là người đầu tiên chuyển loại cà chua nhỏ màu vàng tới Châu Âu sau khi ông chiếm được thành phố Aztec của người Tenochtitlan, tại México vào năm 1521. Christopher Columbus có thể đưa chúng đến châu Âu sớm hơn nhưng ông không làm được. Cuộc thảo luận đầu tiên của các nhà khoa học về cà chua vào năm 1544. Pietro Andrea Mattioli, một bác sĩ và là nhà thực vật học người Italia đã đặt tên cho loại quả mới này là pomo d'oro hay táo vàng.
Người Aztec và các dân tộc khác trong khu vực sử dụng cà chua trong việc nấu ăn của mình, nó đã được trồng ở miền nam México và có thể ở nhiều vùng khác vào khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Người ta cho rằng đột biến ừ một loại trái cây nhỏ nguồn gốc Trung Mỹ là tổ tiên trực tiếp của loài cà chua canh tác hiện tại.
II. Đặc điểm hình thái cây cà chua
- Rễ: rễ cái mọc mạnh, ăn sâu 0.5-1m. Rễ cái thường bị đứt khi cây ra rễ phụ, hệ thống rễ phụ rất phát trển và phân bố rộng. Bộ rễ ăn sâu hay nông, phát triển mạnh hay yếu đều liên quan đến mức độ phân cành và phát trển của các bộ phận trên mặt đất. Do đó muốn có bộ rễ như ý muốn ta chỉ việc tỉa cành, bấm ngọn.
- Thân: Thân tròn mọng nước, phủ nhiều lông, khi cây lớn thân cây hoá gỗ. Tùy theo khả năng sinh trưởng và phân nhánh, cà chua được phân thành 4 dạng khác nhau:
- Dạng vô hạn: Thân dài hơn 2 m, có chùm hoa đầu tiên ở lá thứ 9-11, sau đó, cách 3- 4 lá sau mới có chùm hoa tiếp theo. Dạng này có tiềm năng cho năng suất cao nhờ thu hoạch dài ngày.
- Dạng hữu hạn: Thân cứng, mọc đứng, có chùm hoa đầu tiên ở lá thứ 7-9, sau đó, cách 1-2 lá cho chùm hoa kế tiếp cho đến khi cây được 4-6 chùm hoa thì xuất hiện chùm hoa ngọn, cây ngừng cao. Dạng cà chua này cho trái sớm và tập trung.
- Dạng bán hữu hạn: Tương tự như dạng hữu hạn nhưng số chùm hoa của loai này nhiều hơn khoảng 8-10 chùm.
- Dạng bụi: Cà chua có lóng rất ngắn, đâm chồi mạnh, ít chùm hoa, cho trái tập trung, phục vụ cho việc trồng dày và thu hoạch cơ giới.
- Lá: lá kép lông chim
- Hoa: Hoa mọc thành chùm trên thân thông thường mỗi chùm 6-12 bông hoa. Do cà chua tiết ra nhiều tiết tố độc nên không hấp dẫn côn trùng, hạt phấn nặng do đó khó có sự thụ phấn chéo xảy ra.
- Quả: quả mọng nước, hình dạng quả thay đổi từ tròn đến dài, trong quả chia ra làm 2 hay nhiều khoang.
- Hạt: hạt nhỏ hẹp nhiều lông màu vàng sáng hơi tối.
III. Giá trị dinh dưỡng quả cà chua
- Hàm lượng sinh tố: Khi cà chua chín, màu đỏ tươi của cà chua tạo nên vẻ đẹp rất bắt mắt trong việc trình bày món ăn. Màu đỏ của cà chua cũng cho thấy hàm lượng vitamin A thiên nhiên trong cà chua cao, trung bình 100g cà chua chín tươi sẽ đáp ứng được 13% nhu cầu hàng ngày về vitamin A, vitamin B6, vitamin C. Ngoài ra, còn có vitamin B1, B2.
- Chất bổ dưỡng: Đạm, đường, béo và cung cấp ít năng lượng rất thích hợp với người sợ mập.
- Khoáng vi lượng: Can xi, sắt, kali, photpho, magnesium, lưu huỳnh, ni ken, co ban, iot, các axit hữu cơ dưới dạng muối citrat, malat và tuỳ môi trường trồng mà cà chua còn có đồng, molibden.
=> Chính nhờ các yếu tố trên, cà chua được xem là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để tiêu hoá, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Mùa hè cà chua có tỉ lệ đường/ độ chua cao nhất, được kể là 10 so với mùa xuân là 7. Lượng vitamin C thấp nhất vào mùa xuân (12mg/100g) so với 15mg đầu hè và cao nhất vào cuối hè.
IV. Một số giống cà chua phổ biến ở Việt Nam hiện nay
- Loại cà chua bi
Với nhiều người ưa thích những loại trái cây nhỏ xinh thì cà chua bi sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho bạn. Với hình dáng tròn trĩnh chỉ nhỏ bằng ¼ quả cà chua bình thường. Màu sắc của chúng đỏ rực bắt mắt và khi ăn có vị giòn ngọt rất thú vị. Cách trồng cà chua bi lại đơn giản và không mất quá nhiều công sức. Những chậu cà chua bi không những có thể làm cảnh mà còn giúp chị em nội trợ chủ động trong việc tạo ra cà chua làm thức ăn hàng ngày.
- Loại cà chua mận
Đây là loại cà chua được dùng trong công nghệ chế biến nước sốt cà. Ngoài ra còn được nhiều người dùng để làm món mì ý. Quả cà chua mận có hình dạng giống quả trứng, cà chua mận chứa ít hạt. Thịt dày và có vị ngọt hơn so với một số loại cà chua khác.
Giống cà chua này tương đối khó trồng nên không được trồng phổ biến như các giống cà chua khác. Vì việc chọn giống và chăm sóc khá kĩ lưỡng, nhiệt độ và ánh sáng phải thích hợp cây mới phát triển.
- Loại cà chua trái tim
Cà chua trái tim có ngoại hình rất đặc biệt quả to có màu đỏ tươi, trông y như một trái tim. Cà chua trái tim rất dễ trồng, có thể trồng quanh năm. Cây cho quả nặng tầm 50 - 350 gram/quả, đặc ruột ít hạt, quả sai mọc thành chùm, thịt ngon ngọt, có thể làm salad, làm sinh tố cà chua, sốt cà chua, hoặc ...để ngắm rất tuyệt vời.
- Loại cà chua Nhật sakata
Cà chua sakata là giống cà chua của Nhật, hiện đang được trồng phổ biến ở Việt Nam. Tuy là giống cà chua ngoại nhập nhưng có khả năng thích nghi tốt với khi hậu Việt Nam. Chỉ cần chăm sóc nhẹ nhàng, đủ ánh sáng và nước, bạn đã có những cây cà chua sakata trĩu quả trong nhà rồi.
Cà chua Nhật Bản cơm dày, thơm ngon và rất giòn có thể cất giữ trong điều kiện bình thường tới vài chục ngày.
- Loại cà chua cỡ đại
Cà chua cỡ đại còn có một tên gọi khác là Cà chua Tomato Beefsteak. Có tên gọi như vậy là vì một quả cà chua loại này có thể đạt trọng lượng tối đa là 400g. Đặc điểm của cà chua cỡ đại là có màu hồng, mọng nước thịt dày và bên trong có nhiều hạt. Cà chua cỡ đại rất dễ để chăm sóc, hơn nữa lại có khả năng chống chịu với sâu bệnh cao. Vậy nên, các bạn có thể chọn giống cà chua này để trồng tại nhà bằng những loại đất tơi xốp và có ít axit.
Bài tập & Lời giải
Cà chua và những món bạn có thể chế biến
Xem lời giải
Cà chua và những điều nên tránh kẻo gây tổn hại sức khỏe
Xem lời giải
Cà chua và những loại giống đẹp mê mẩn lòng người
Xem lời giải
Thành phần dinh dưỡng và công dụng tuyệt vời của cà chua