Con gà gắn liền với văn hóa của người Việt
Bài Làm:
1. Con gà trong nghệ thuật
Từ lâu gà đã thoát khỏi những giá trị kinh tế đơn thuần để trở thành một sản phẩm văn hoá nghệ thuật. Con gà xuất hiện trên các tượng đá, đất nung, đồ gốm, đồ sứ và được khắc chạm trên gỗ, trên thạp đồng.
Từ thời Hùng Vương, khi con người biết đúc đồng, các nghệ nhân đã đúc được con gà bằng đồng mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở xã Vinh Quang (Hà Tây), hiện đang trưng bày ở Viện Bảo tàng lịch sử Hà Nội. Con gà cất tiếng gáy với thân hình vươn lên, đuôi xoè ra, có ba cái lông như ba mũi tên đồng cắm xuống đất. Đó là con gà của thời dựng nước đầy oai phong. Đến đời Trần, người ta tìm thấy một đàn gà trên chiếc thạp gốm, đang nhảy múa, vui chơi thảnh thơi sau những ngày gian khổ chống xâm lược. Thời Lê Sơ, hình ảnh con người với gà đã tìm thấy ở các đình làng Hà Tây, như đình Hoàng Xá, đình Liên Hiệp. Bức chạm gỗ “Gà chọi” ở đình Hoàng Xá cho thấy con gà quá to lớn hơn con người đang ôm vuốt ve nó. Con gà ở đình Liên Hiệp thì nhỏ hơn. Tuy cùng một đề tài, nhưng hai bức chạm không hoàn toàn giống nhau, chứng tỏ các nghệ nhân không phụ thuộc vào những mẫu mực ước lệ có sẵn. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy cảnh chọi gà ở một bức chạm trổ khác thế kỷ 17: Cảnh hai người đang ôm hai con gà chọi chuẩn bị cho một trò chơi đầy vui vẻ, phấn khích trong các ngày Tết dân tộc. Nghệ thuật tạo hình vào giữa và cuối thế kỷ 17, đề tài về con người gắn liền với các hoạt cảnh của cộng đồng, với những sinh hoạt văn hoá, vui chơi.
2. Con gà trong huyền sử
Gà là một dấu tích của văn minh và văn hóa nông nghiệp ở Việt Nam. Trên trống đồng Đông Sơn, gà và chim là những loài vật được thể hiện khá nhiều, gà và đa số đứng dưới đất là loài chim nước. Có truyền thuyết về vua An Dương Vương Thục Phán cố công xây thành nhưng đấp đến đâu thì đất lở đến đấy, Rùa thần báo cho nhà vua biết ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đến ngàn năm rồi hóa thành yêu tinh ẩn trong núi, nếu diệt được nó thì việc xây thành sẽ thành công. Sau khi An Dương Vương giết được con gà trắng thì xây được thành. Trước đó trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, gà cũng được nhắc đến với tư cách là một trong ba lễ vật thách cưới của Vua Hùng để gả con gái của mình là Mỵ Nương gồm: Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.
3. Con gà trong võ thuật
Vào thời Tây Sơn, tương truyền Nguyễn Lữ là người đã sáng tạo ra môn võ Hùng kê quyền (quyền gà chọi) hay Hồng kê quyền, là bài quyền mô phỏng các kỹ thuật của gà chọi, một trong 10 bài danh võ được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam lựa chọn qua các kỳ hội nghị chuyên môn toàn quốc. Đặc trưng của bài quyền là những động tác dũng mãnh của con gà chọi nhỏ bé mà nhanh nhạy trước đối thủ, bài Hùng kê quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu v.v. Bộ pháp của bài hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo đã hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương.
4. Gà trong vai trò linh vật
Gà Hồ là linh vật tại Đại hội Thể thao châu Á Trong nhà 2009. Gà là một giống vật nuôi gần gũi và thân thiết với người dân Việt. Theo quan niệm dân gian, gà mang đủ năm đức tính tốt của người quân tử: Văn - Võ - Dũng - Nhân - Tín. Đặc biệt hơn, gà Hồ là một giống gà quý ở phía Bắc Việt Nam, là một giống gà Việt thuần chủng. Biểu tượng vui được thiết kế với hình ảnh chú gà Hồ đang vươn mình đón nắng mặt trời như Thể thao Việt Nam hân hoan đón chào AIGs III. Chú gà mặc bộ trang phục thể thao khoẻ khoắn, với tay trái giang rộng đón chào bè bạn quốc tế, tay phải hình chữ V thể hiện niềm tin chiến thắng. Giữa áo là biểu tượng mặt trời đỏ OCA nằm sát cổ áo tạo thành hình tượng chiếc huy chương danh giá nhất của kỳ Đại hội.