Tổng hợp kiến thức trọng tâm vật lí 10 kết nối tri thức bài 4: Độ dịch chuyển và quãng đường đi được. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo
I. VỊ TRÍ CỦA VẬT CHUYỂN ĐỘNG TẠI CÁC THỜI ĐIỂM
- Để xác định vị trí của vật, người ta dùng hệ tọa độ vuông góc có gốc là vị trí của vật mốc, trục hoành Ox và trục tung Oy. Các giá trị trên trục tọa độ được xác định theo một tỷ lệ xác định .
- Để xác định được thời điểm, người ta sẽ phải chọn một mốc thời gian, đo khoảng thời gian từ thời điểm được chọn làm mốc đến thời điểm cần xác định.
Chú ý: Khi vật chuyển động trên đường thẳng thì chỉ cần dùng hệ tọa độ có điểm gốc O (vị trí của vật mốc) và trục Ox trùng với quỹ đạo chuyển động của vật.
II. ĐỘ DỊCH CHUYỂN
- Độ dịch chuyển được biểu diễn bằng một mũi tên nối vị trí đầu và vị trí cuối của chuyển động, có độ dài tỉ lệ với độ lớn của độ dịch chuyển.
- Kí hiệu là: ${\bar{d}}$
- Một sự thay đổi vị trí của vật có thể được thực hiện bằng nhiều quãng đường đi được khác nhau. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, quãng đường đi được không thể dùng để mô tả sự thay đổi vị trí của vật. Khái niệm độ dịch chuyển ra đời đã giải quyết được vấn đề đó.
III. PHÂN BIỆT ĐỘ DỊCH CHUYỂN VÀ QUÃNG ĐƯỜNG ĐI ĐƯỢC
- Độ dịch chuyển và quãng đường đi được là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Chúng ta không thể kết luận về mối quan hệ hay sự ràng buộc lẫn nhau giữa chúng.
- Độ lớn của độ dịch chuyển và quãng đường đi được của một chuyển động bằng nhau khi vật chuyển động thẳng, không đổi chiều.
IV. ĐỘ DỊCH CHUYỂN TỔNG HỢP
Ta có thể tổng hợp độ dịch chuyển của chuyển động bằng cách cộng vecto.