I. ĐỊNH LUẬT BẢO TOÀN ĐỘNG LƯỢNG
1. Hệ kín.
- Khái niệm hệ kín: Một hệ gồm nhiều vật được gọi là hệ kín khi:
- Không có ngoại lực tác dụng lên hệ
- Hoặc nếu có thì các lực ấy cân bằng nhau.
Lưu ý: Nếu trong quá trình tương tác, các nội lực xuất hiện lớn hơn các ngoại lực rất nhiều thì có thể bỏ qua các ngoại lực và coi hệ là kín.
- Ví dụ hệ kín: Khi được phóng, nhiên liệu đốt cháy làm cho tên lửa được phóng ra. Như vậy hệ chỉ có nội lực của các vật của hệ tác dụng lẫn nhau cụ thể là lực do nhiên liệu bị đốt cháy và lực do tên lửa tạo ra, ngoài ra không có tác dụng của những lực khác => Vậy hệ gồm tên lửa và nhiên liệu khi được phóng là một hệ kín.
2. Định luật bảo toàn động lượng.
- Định luật bảo toàn động lượng: Động lượng toàn phần của hệ kín là một đại lượng bảo toàn.
- Gọi vận tốc của vật trước va chạm là $v_1$ và $v_2$; sau va chạm là $v_1'$ và $v_2'$
=> Biểu thức định luật bảo toàn động lượng của hệ này là:
$\vec{p}=\vec{p_1}+\vec{p_2}=\vec{p_1'}+\vec{p_2'}$
=> $\vec{p} =m_1.\vec{v_1}+m_2.\vec{v_2}=m_1.\vec{v_1'}+m_2.\vec{v_2'}$
II. VA CHẠM ĐÀN HỒI VÀ VA CHẠM MỀM
1. Va chạm đàn hồi.
- Khái niệm: Va chạm đàn hồi là va chạm mà sau khi va chạm, các vật trong hệ vật chuyển động tách rời nhau.
- Tính chất: Trong va chạm đàn hồi, tổng động lượng, động năng của hệ trước và sau va chạm bằng nhau.
2. Va chạm mềm.
- Khái niệm: Va chạm mềm xảy ra khi mà sau va chạm hai vật dính vào nhau và chuyển động với cùng vận tốc sau va chạm.
- Tính chất: Trong va chạm mềm, tổng động lượng trước và sau va chạm bằng nhau nhưng tổng động năng trước và sau va chạm không bằng nhau. Sau va chạm, tổng động năng bị hao hụt.