Bạn đã biết những sự thật thú vị và bất ngờ này về ngựa hay chưa?
Bài Làm:
Ngựa là con vật khôn ngoan, rất được con người yêu quý. Mặc dù mối quan hệ giữa người và ngựa đã có từ thời cổ xưa nhưng vẫn còn nhiều sự thật thú vị về loài ngựa mà không phải ai cũng biết.
Ngủ trong tư thế đứng ba chân
Thói quen ngủ của ngựa khác xa so với động vật khác, kể cả con người. Loài ngựa thường nghỉ ngơi ở tư thế đứng, trọng lượng dồn lên hai chân trước và một chân sau, chân còn lại sẽ thư giãn. Theo Tiến sĩ Joe Bertone - Giáo sư y khoa ngựa tại Đại học Thú y Western (Mỹ) - những con ngựa sẽ chỉ nằm xuống khi chúng cảm thấy an toàn. Tuy nhiên, thời gian này rất ngắn bởi trọng lượng cơ thể quá lớn sẽ gây áp lực lên cơ quan nội tạng của ngựa khi nằm.
Đoán tuổi qua răng
Các nhà khoa học tại Đại học Arkansas (Mỹ) cho biết mặc dù không chính xác 100% nhưng bằng cách kiểm tra răng, ta có thể dự đoán được gần đúng độ tuổi của một con ngựa nếu không biết ngày sinh.
Ngựa con khi sinh ra thường có 4 răng cửa (2 cái hàm trên, 2 cái hàm dưới). Nếu không, sau 8 ngày chúng sẽ mọc ra. 8 tuần sau, ngựa bắt đầu mọc răng hàm và khoảng 8 tháng tuổi, chúng mọc đủ răng sữa. Sau đó, răng sữa rụng dần và đến khoảng 2,5 tuổi, chúng sẽ mọc răng cửa vĩnh viễn. 5 tuổi, ngựa sẽ có đủ răng vĩnh viễn.
Răng sữa thường có màu nhạt, ngắn hơn răng vĩnh viễn. Ở những con ngựa 6 tuổi, răng cửa chúng cũng thường lõm xuống trông như một chén nhỏ và chúng đầy dần theo thời gian.
Đến khoảng 10 tuổi, phần nướu cạnh răng hàm sẽ mọc ra một bộ phận gọi là rãnh Galvayne. Rãnh này đạt một nửa chiều dài của răng khi ngựa đến 15 tuổi. Ngựa đực thường có 40 răng, trong khi đó ngựa cái chỉ có 36 răng.
Có rất nhiều từ để gọi
Tùy theo tuổi và giới tính, ngựa được gọi bằng nhiều tên trong tiếng Anh như sau:
- Foal: Ngựa con, đực hay cái, dưới 1 tuổi.
- Ngựa con còn bú, từ lúc sanh đến khoảng 5 tháng, còn gọi là suckling hay nursing foal, từ 5 đến 7 tháng khi bắt đầu biết ăn thì được gọi là weanling.
- Yearling: Ngựa từ 1 đến 2 tuổi, đực hay cái.
- Colt: Ngựa đực con dưới 4 tuổi.
- Filly: Ngựa cái con dưới 4 tuổi.
- Gelding: Ngựa đực bị thiến.
- Stallion: Ngựa đực (không bị thiến) trên 4 tuổi.
- Mare: Ngựa cái trên 4 tuổi,
- Thoroughbred : Ngựa đua.
Chiều cao luôn được đo bằng tay
Chiều cao ngựa đo từ đất đến đỉnh xương u đỉnh vai (giữa cổ và thân), thường dùng đơn vị đo là "hand", do từ xa xưa con người hay dùng chiều rộng bàn tay để đo ngựa. Ngày nay, một "hand" đã được chuẩn hóa dài khoảng 4 inches, tức 10,16 cm.
Nhìn thấy cả ngày lẫn đêm
Ngựa có mắt lớn nhất trong những loài động vật có vú, mắt nằm hai bên mặt nên có nhãn quan rộng (thấy) hơn 350°, mắt tinh thấy rõ ban ngày cũng như ban đêm. Tuy nhiên, mắt ngựa thuộc loại nhị sắc (dichromatic), tức chỉ xác định được khi màu chứa không quá hai quang phổ (spectral lights). Do đó, ngựa không phân biệt được màu đỏ và màu xanh, màu nào chứa quang phổ đỏ thì ngựa thấy nhòa lẫn với màu xanh.
Không phải động vật nhai lại
Ngựa là động vật ăn cỏ không nhai lại do dạ dày của nó không có nhiều ngăn như những gia súc khác. Mặc dù vậy, nó vẫn có khả năng tiêu hóa được xenlulo. Ngựa thường tiết ra khoảng 20-80 lít nước bọt mỗi ngày để hỗ trợ cho việc tiêu hóa. Điều đặc biệt, ngựa không biết nôn mửa nên khi ngộ độc có thể chết dễ dàng.
Trung thành và thông minh hơn ta nghĩ
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Animal Behavior Magaztreen cho biết nếu bạn tử tế với ngựa, ngựa có thể trở thành người bạn chung thủy nhất và lâu bền nhất. Nghiên cứu này cũng cho thấy ngựa có thể hiểu được tiếng người nhiều hơn ta tưởng. Trí nhớ của chúng khá tốt. Chúng nhớ được mặt người sau thời gian xa cách rất lâu và nhớ lệnh tới 10 năm hay lâu hơn.