Qúa trình sinh trưởng và chăm bón giúp cây lúa phát triển mạnh
Bài Làm:
I. Qúa trình sinh trưởng của cây lúa
- Giai đoạn 1: Tăng trưởng
Giai đoạn tăng trưởng bắt đầu từ khi hạt nẩy mầm đến khi cây lúa bắt đầu phân hóa đòng. Giai đoạn này, cây phát triển về thân lá, chiều cao tăng dần và ra nhiều chồi mới (nở bụi). Cây ra lá ngày càng nhiều và kích thước lá ngày càng lớn giúp cây lúa nhận nhiều ánh sáng mặt trời để quang hợp, hấp thụ dinh dưỡng, gia tăng chiều cao, nở bụi và chuẩn bị cho các giai đoạn sau. Trong điều kiện đầy đủ dinh dưỡng, ánh sáng và thời tiết thuận lợi, cây lúa có thể bắt đầu nở bụi khi có lá thứ 5-6. Chồi ra sớm trong nương mạ gọi là chồi ngạnh trê. Sau khi cấy, cây mạ mất một thời gian để hồi phục, bén rễ rồi nở bụi rất nhanh, cùng với sự gia tăng chiều cao, kích thước lá đến khi đạt số chồi tối đa thì không tăng nữa mà các chồi yếu bắt đầu rụi dần (chồi vô hiệu hay còn gọi là chồi vô ích), số chồi giảm xuống. Thời điểm có chồi tối đa có thể đạt được trước, cùng lúc hay sau thời kỳ bắt đầu phân hóa đòng tùy theo giống lúa.
Thời gian sinh trưởng của các giống lúa kéo dài hay ngắn khác nhau chủ yếu là do giai đoạn tăng trưởng này dài hay ngắn. Thường các giống lúa rất ngắn ngày và ngắn ngày có giai đoạn tăng trưởng ngắn và thời điểm phân hóa đòng có thể xảy ra trước (A) hoặc ngay khi cây lúa đạt được chồi tối đa (B). Ngược lại, các giống lúa dài ngày (trên 4 tháng) thường đạt được chồi tối đa trước khi phân hóa đòng (C). Đặc biệt, các giống lúa mùa quang cảm mạnh, nếu gieo cấy sớm, thì sau khi đạt chồi tối đa, cây lúa tăng trưởng chậm lại và chờ đến khi có quang kỳ thích hợp mới bắt đầu phân hóa đòng để trổ bông. Thời gian này cây lúa sống chậm, không sản sinh gì thêm gọi là thời kỳ ngưng tăng trưởng, có khi rất dài (hình 5.5). Do đó, đối với các giống lúa quang cảm mạnh, cần bố trí thời vụ gieo cấy căn cứ vào ngày trổ hàng năm của giống, làm thế nào để thời kỳ ngưng tăng trưởng này càng ngắn càng tốt, nhưng phải bảo đảm thời gian từ cấy đến phân hóa đòng ít nhất là 2 tháng, để cây lúa có đủ thời gian nở bụi, bảo đảm đủ số bông trên đơn vị diện tích sau này.
Thông thường, số chồi hình thành bông (chồi hữu hiệu hay còn gọi là chồi có ích) thấp hơn so với số chồi tối đa và ổn định khoảng 10 ngày trước khi đạt được chồi tối đa. Các chồi ra sau đó, thường sẽ tự rụi đi không cho bông được do chồi nhỏ, yếu không đủ khả năng cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng với các chồi khác, gọi là chồi vô hiệu. Trong canh tác, người ta hạn chế đến mức thấp nhất việc sản sinh ra số chồi vô hiệu này bằng cách tạo điều kiện cho lúa nở bụi càng sớm càng tốt và khống chế sự mọc thêm chồi từ khoảng 7 ngày trước khi phân hóa đòng trở đi, để tập trung dinh dưỡng cho những chồi hữu hiệu.
- Giai đoạn 2: Cây lúa sinh sản
Giai đoạn sinh sản bắt đầu từ lúc phân hóa đòng đến khi lúa trổ bông. Giai đoạn này kéo dài khoảng 27 – 35 ngày, trung bình 30 ngày và giống lúa dài ngày hay ngắn ngày thường không khác nhau nhiều. Lúc này, số chồi vô hiệu giảm nhanh, chiều cao tăng lên rõ rệt do sự vươn dài của 5 lóng trên cùng. Đòng lúa hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn, cuối cùng thoát ra khỏi bẹ của lá cờ: lúa trổ bông. Trong suốt thời gian này, nếu đầy đủ dinh dưỡng, mực nước thích hợp, ánh sáng nhiều, không sâu bệnh và thời tiết thuận lợi thì bông lúa sẽ hình thành nhiều hơn và vỏ trấu sẽ đạt được kích thước lớn nhất của giống, tạo điều kiện gia tăng trọng lượng hạt sau này.
- Giai đoạn 3: Bông lúa chín
Giai đoạn chín bắt đầu từ lúc trổ bông đến lúc thu hoạch. Giai đoạn này trung bình khoảng 30 ngày đối với hầu hết các giống lúa ở vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, nếu đất ruộng có nhiều nước, thiếu lân, thừa đạm, trời mưa ẩm, ít nắng trong thời gian nầy thì giai đoạn chín sẽ kéo dài hơn và ngược lại. Giai đoạn nầy cây lúa trải qua các thời kỳ sau:
- Thời kỳ chín sữa (ngậm sữa): các chất dự trữ trong thân lá và sản phẩm quang hợp được chuyển vào trong hạt. Hơn 80% chất khô tích lũy trong hạt là do quang hợp ở giai đoạn sau khi trổ. Do đó, các điều kiện dinh dưỡng, tình trạng sinh trưởng, phát triển của cây lúa và thời tiết từ giai đoạn lúa trổ trở đi hết sức quan trọng đối với quá trình hình thành năng suất lúa (Hình 5.3). Kích thước và trọng lượng hạt gạo tăng dần làm đầy vỏ trấu. Bông lúa nặng cong xuống nên gọi là lúa “cong trái me”. Hạt gạo chứa một dịch lỏng màu trắng đục như sữa, nên gọi là thời kỳ lúa ngậm sữa.
- Thời kỳ chín sáp: hạt mất nước, từ từ cô đặc lại, lúc bấy giờ vỏ trấu vẫn còn xanh.
- Thời kỳ chín vàng: hạt tiếp tục mất nước, gạo cứng dần, trấu chuyển sang màu vàng đặc thù của giống lúa, bắt đầu từ những hạt cuối cùng ở chót bông lan dần xuống các hạt ở phần cổ bông nên gọi là “lúa đỏ đuôi”, lá già rụi dần.
- Thời kỳ chín hoàn toàn: Hạt gạo khô cứng lại, ẩm độ hạt khoảng 20% hoặc thấp hơn, tùy ẩm độ môi trường, lá xanh chuyển vàng và rụi dần. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là khi 80 % hạt lúa ngã sang màu trấu đặc trưng của giống (Hình 5.4).
II. Chăm sóc cây lúa
Quy trình bón phân cho cây lúa
- Giai đoạn 1: Bón lót cho cây
Đây chính là giai đoạn đầu tiên mà người nông dân cần nhớ. Khi bón lót cho lúa nước chúng ta có thể dùng phân chuồng và phân lân kèm theo phân đạm và phân kali. Bởi vì ở giai đoạn sinh trưởng đầu tiên thì cây lúa non cần được bổ sung lân để có thể sớm ổn định và phát triển. Và phân bón cho cây lúa nước lúc này nên rải đều lên mặt ruộng trước khi gieo cấy.
- Giai đoạn 2: Bón thúc giúp cây lúa đẻ nhánh
Là giai đoạn bón phân sau từ 15 đến 20 ngày sau khi cấy lúa, chúng ta có thể dùng phân đạm kết hợp với phân lân.
Trong trường hợp trồng lúa ở đất phèn và đất chua thì nên chọn phân bón cho cây lúa là phân lân nhằm giúp hạn phèn và độc tố trong đất cũng như cung cấp đủ dưỡng lân cho cây lúa. Tuy nhiên cần dùng lân hạt để tránh tình trạng hạt phân lân bám dính lá gây cháy.
Dùng phân đạm để bón thúc giúp cây lúa đẻ nhánh nhanh hơn. Đồng thời nếu như sử dụng giống lúa dài ngày và đẻ nhánh nhiều, trong điều kiện thời tiết nắng nóng hay cấy lúa với giống dài ngày thì cũng cần bón thêm nhiều đạm cho cây. Vì nhu cầu phân bón cho cây lúa là phân đạm lúc này tăng đáng kể.
- Giai đoạn 3: Bón thúc đòng
Là giai đoạn sau khi gieo cấy lúa từ 40 đến 45 ngày với phân đạm và phân kali.
Với những giống lúa đẻ ít nhánh nhưng bông to và nặng hạt thì cần chú trọng nhiều đến bón đón đòng và nuôi hạt nhằm giúp cho bông lúa to hơn, hạt chắc hơn để năng suất cao hơn.
Nên sử dụng phân kali để thúc đồng nếu như chúng ta gieo cấy lúa với giống đẻ nhánh ít, giống dài ngày hoặc giống gieo cấy thưa, gieo cấy ở đất phèn, đất kiềm hoặc là mưa nhiều.
- Giai đoạn 4: Bón nuôi hạt
Phun phân bón lá từ 1 đến 2 lần giúp tăng số hạt chắc. Đây là thời kỳ bón phân quan trọng nếu như chúng ta trồng lúa ở đất có chế độ giữ phân kém. Do đó bà con nên nắm bắt kĩ về các công thức bón phân để vừa mang lại hiệu quả, mà lại tiết kiệm tối đa chi phí.
Cách phòng bệnh cho cây lúa
Diệt cỏ dại
Khi cây lúa bén rễ hồi xanh thì bắt đầu làm cỏ kết hợp với sục bùn và bón thúc. Tuỳ vào giống lúa ngắn hay dài ngày có thể tiếp tục làm cỏ sục bùn từ 1-2 lần nữa và kết thúc trước khi lúa bước vào thời kỳ làm đòng. Làm cỏ sục bùn có tác dụng diệt cỏ dại, vùi phân tránh mất đạm, bổ sung ô xy cho rễ, làm đứt rễ già và kích thích ra rễ mới.
Diệt bọ trĩ
- Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, nhất là cỏ môi là ký chủ chính của bọ trĩ.
- Gieo cấy mật độ vừa phải, giữ nước không để ruộng khô.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện và phun tuốc kịp thời. Dùng các loại thuốc Regent 800WG, Hopsan 75EC, Selecron 500EC hoặc Actara 25WP phun khi bọ trĩ phát sinh rộ.
Diệt sâu cuốn lá nhỏ
- Vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ cỏ dại (nơi trú ngụ qua đông của sâu).
- Gieo cấy mật độ thích hợp, chăm sóc bón phân hợp lý.
- Bẫy đèn diệt bướm và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Khi sâu non có mật độ 9-12 con/m2 (giai đoạn lúa đẻ nhánh) và 6-9 con/m2 (giai đoạn lúa làm đòng) cần phun thuốc. Dùng các loại Regent 800WP, Karate 2.5EC... phun khi sâu non tuổi 1-2.
Diệt sâu dục thân hai chấm
- Vệ sinh đồng ruộng: Cày lật gốc rạ, phơi ải sau khi thu hoạch.
- Bón phân cân đối, hợp lý.
- Phun trừ đối với ruộng lúa khi mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m 2 trở lên, những nơi có mật độ trên 0,5 ổ/$m^{2}$ cần tiến hành phun kép 2 lần, cách nhau 4-5 ngày. Phun trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất Chlorantraniliprole (Virtako 40WG, Prevathon 5 SC, Voliam targo 063SC).
Diệt rầy nâu
- Sử dụng giống kháng rầy nâu.
- Gieo cấy mật độ thích hợp, bón phân cân đối, thả vịt vào ruộng lúa diệt rầy, (khi mật độ rầy cám từ 18- 27 con/khóm lúa cần phun thuốc diệt rầy).
- Dùng các loại thuốc có khả năng nội hấp lưu dẫn tốt phu không cần rẽ lúa như: Hoạt chất Pymetrozine (Chess 50WG) Nitenpyram (Acdinosin 50WP.. ) lưu ý phun trước khi lúa đỏ đuôi.