Giải thích nghĩa của câu thành ngữ Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa
Bài Làm:
Nghĩa đen
- Vỏ dưa: phần vỏ màu xanh, cong hai đầu, nhiều nước và rất trơn được bỏ lại sau khi ăn hết phần ruột đỏ bên trong
- Vỏ dừa: phần vỏ cứng bao bọc bên ngoài cơm dừa, có màu nâu đất, cũng cong hai đầu, hình dáng của vỏ dừa khi ấy cũng khá giống vỏ dưa
=> Vỏ dưa rất trơn, dẫm lên nó có thể bị trượt ngã đau vì thế nên khi nhìn thấy vỏ dưa, người ta thường tránh ra, không dẫm lên nó. Vỏ dừa cũng có hình dạng tương tự như vỏ dưa nên người ta cũng sẽ tránh, không dẫm lên vỏ dừa vì sợ cũng sẽ bị trượt ngã.
Nghĩa bóng: vỏ dưa và vỏ dừa là hình ảnh biểu tượng cho những khó khăn, vất vả mà con người ta sẽ gặp phải trong cuộc sống.
=> Câu thành ngữ có thể hiểu theo hai cách: Cách thứ nhất là những khó khăn liên tiếp ập đến trong cuộc sống, khó khăn này chưa qua, khó khăn khác lại tới còn kinh khủng hơn khó khăn trước. Nhưng ta cũng có thể hiểu theo lớp nghĩa thứ hai tức là khi làm một việc gì đó, biết trước là sẽ gặp khó khăn nên con người ta thường tránh đi và làm việc khác. Nhưng khi làm việc khác cũng gặp những khó khăn tương tự, thậm chí mức độ còn cao hơn cả những khó khăn trước đó. Câu thành ngữ thường được hiểu theo nghĩa thứ hai nhiều hơn.
=> Câu thành ngữ muốn khuyên răn con người ta về cách đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Bởi khó khăn trong cuộc sống là điều không thể nào tránh khỏi, nên cách tốt nhất để vượt qua là đối diện với nó.
Câu thành ngữ có ý nghĩa tương tự: Chạy trời không khỏi nắng