Giải nghĩa câu thành ngữ Giá áo túi cơm
Bài Làm:
Câu thành ngữ được lấy từ một điển tích của Trung Quốc. Câu chuyện kể về một người tên Mã Ân thời Ngũ Đại. Vốn là một kẻ bất tài, vô dụng, ham mê tửu sắc, chỉ lo hưởng thụ nhưng Mã Ân lại được Chu Ôn - người soán được thiên hạ của nhà Đường, phong làm Sở Vương, làm chủ một giải đất Đông Bắc tỉnh Hồ Nam và Quảng Tây, quyền uy lừng lẫy một thời.
Người đời đã dùng câu “Tửu nang phạn đại” để tỏ thái độ khinh bỉ, coi thường Mã Ân. Ý của câu nói Mã Ân chỉ là cái túi để chứa cơm, đựng rượu mà thôi. Sau này, người ta biến “Tửu nang phạn đại” thành thành ngữ “Giá áo túi cơm” để chỉ những kẻ chỉ ăn không ngồi rồi, bất tài vô dụng, không có đạo đức, không giúp gì cho nhân dân, đất nước mà chỉ chạy theo danh lợi, mưu cầu cơm áo cho riêng mình. Những kẻ ấy thường là những kẻ nói hay hơn làm, dùng mồm miệng đỡ chân tay.