Giải thích nghĩa của câu nói Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi
Bài Làm:
Câu thành ngữ cho thấy một tục lệ trong văn hóa của người Việt mỗi dịp năm cũ vừa qua, năm mới sắp đến.
“Đầu năm mua muối”: Những ngày đầu năm mới, người Việt thường có thói quen đi chùa cầu phúc và tiện thể sẽ mua thêm một bịch nhỏ vừa diêm, vừa muối để mang về nhà. Trong tâm thức của người Việt, họ tin rằng, muối có vị mặn, cũng là vật tinh khiết của trời đất nên có thể chống xú uế, xua đuổi tà ma và mang lại may mắn cho gia đình. Đồng thời, muối cũng là loại gia vị không thể thiếu trong bếp ăn của mỗi nhà. Mà căn bếp đỏ lửa là biểu trưng của mái ấm gia đình nên người Việt tin rằng mua muối đầu năm để cầu mong cho một năm mới các mối quan hệ trong gia đình sẽ đậm đà, khắng khít, vợ chồng hòa thuận; cha mẹ - con cái gắn kết và yêu thương nhau. Ngoài ra, ở một số vùng miền quan niệm rằng mua muối đầu năm thì cả năm sẽ làm ăn tấn tới, mua may bán hết, tình cảm trọn vẹn mặn mà lâu bền như vị mặn của muối.
“Cuối năm mua vôi”: Người dân thường mua vôi vào mỗi dịp cuối năm. Vôi là vật liệu không thể thiếu để xây nhà, ăn trầu và cũng là để rải 4 góc nhà (theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc của đất trời) để đuổi tà ma. Theo một tích cổ xưa, người ta thường dùng vôi để vẽ hình những cung tên trước cửa nhà để xua đuổi ám khí, tà ma và những điều xui xẻo trong suốt một năm của gia đình ra khỏi nhà để đón một năm mới an khang và tốt lành hơn. Nhân dân ta thường tránh mua vôi đầu năm vì quan niệm “bạc như vôi”, không muốn có một năm nhạt nhòa, bạc bẽo như vôi, gia đình bất hòa, mọi việc không suôn sẻ.