I. Mục tiêu
- Quan sát đưuọc hình dạng một số loại vi khuẩn trong khong miệng và nấm trong váng dưa chua để lâu ngày hay nấm men rượu.
- Quan sát được cầu khuẩn và trực khuẩn
- Vẽ được sơ đồ hình thành tế bào vi khuẩn
- Phát hiện được nấm men hình trái xoan, có tế bào nảy chồi dưới kính hiển vi
- Vẽ được sơ đồ hình dạng tế bào nấm men hoặc nấm dại trong váng dưa.
II. Chuẩn bị
1. Dụng cụ
- Kính hiển vi (vật kính x 10 và x 40), phiến kính và lá kính,
- Que cấy, đèn cồn
- Giá ống nghiệm, chậu đựng nước rửa,
- Pipet, giấy lọc cắt nhỏ (cỡ 2 x 3 cm)
2. Thuốc nhuộm
Chuẩn bị một trong các thuốc nhuộm sau:
- 6g thuốc nhuộm xanh mêtilen, 100ml êtanol 90%, có thể thay xanh mêtilen bằng màu xanh Victoria, xanh tôluiđin...
- 10g thuốc nhuộm đỏ (fuchsin kiềm), 100 ml êtanol 90%, có thể thay fuchsin đỏ bằng các thuốc kiềm màu đỏ khác như safranin, pirônin..
3. Mẫu vật
- Nấm men: Nên chuẩn bị trước giống nấm men rượu (Saccharomyces cerevisiae). Ở những nơi không có giống nấm men rượu có thể thay bằng nấm dại của váng dưa, váng cà muối chua để lâu ngày, hoặc dùng bánh men tán nhỏ.
- Nấm mốc: Đối với lớp khá có thể chuẩn bị trước một số nấm mốc bằng cách để vỏ cam, vỏ quýt hay cơm nguội... trong hộp Pêtri một tuần trước buổi thí nghiệm hoặc tiêu bản làm sẵn.
- Vi khuẩn trong khoang miệng.
III. Nội dung và cách tiến hành
1. Nhuộm đơn phát hiện vi sinh vật trong khoang miệng
- Nhỏ một giọt nước cất lên phiến kính.
- Dùng tăm tre lấy một ít bựa răng ở trong miệng.
- Đặt bựa răng vào cạnh giọt nước, làm thành dịch huyền phù, dàn mỏng.
- Hong khô tự nhiên hoặc hơ nhẹ vài lượt phía trên cao của ngọn lửa đèn cồn.
- Đặt miếng giấy lọc lên tiêu bản và nhỏ một giọt dịch thuốc nhuộm lên trên giấy lọc, để 15 - 20 giây, rồi bỏ giấy lọc ra.
- Rửa nhẹ tiêu bản bằng nước cất, hong khô và soi kính (lúc đầu dùng vật kính x 10 sau đó x 40).
2. Nhuộm đơn phát hiện tế bào nấm men
- Lấy một ít giống nấm men thuần khiết hoặc ít váng dưa, váng cà, hoặc bóp bánh men thả vào dung dịch đường 10% trước 2-3 giờ.
- Làm tiêu bản theo các bước như thí nghiệm 1 và soi kính.
- Trong khoang miệng của người có một hệ vi sinh vật đặc trưng, đó là các liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lactic và một số dạng nấm men...
IV. Thu hoạch
1. Qua thực nghiệm em thấy dễ phát hiện loại tế bào vi sinh vật nhân thực hay vi sinh vật nhân sơ ? Vì sao ?
Hướng dẫn:
- Qua thực nghiệm sẽ thấy vi sinh vật nhân thực (nấm men) dễ quan sát hơn vi sinh vật nhân sơ do vi sinh vật nhân thực có kích thước khoảng 7 - 10 µm lớn hơn rất nhiều lần kích thước vi sinh vật nhân sơ (1 - 2µm).
2. Mẹ thường nhắc con: "Ăn kẹo xong phải súc miệng nhiều lần hoặc đánh răng, nếu không rất dễ bị sâu răng”. Lời khuyên ấy dựa trên cơ sở khoa học nào ?
Hướng dẫn:
- Trong khoang miệng có rất nhiều loại vi khuẩn đặc trưng như trực khuẩn và cầu khuẩn, nấm men… trong số đó luôn có nhóm vi khuẩn lactic phổ biến là Streptococcus mutans là loại lên men lactic đồng hình. Khi ăn kẹo xong mà không súc miệng hay đánh răng thì trong miệng sẽ có đường. Vi khuẩn này sẽ tiến hành chuyển đường thành axit lactic ăn mòn men răng, tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật khác tấn công răng, gây sâu răng.
3. Khi còn ớ trong bụng mẹ, trong khoang miệng của đứa trẻ có vi sinh vật không ? Khi nào trong khoang miệng của đứa trẻ bắt đầu có vi sinh vật ?
Hướng dẫn:
- Khi đứa trẻ còn ở trong bụng mẹ thì khoang miệng không có vi sinh vật. Nhưng khi đứa trẻ được sinh ra, cất tiếng khóc đầu tiên thì vi sinh vật từ không khí sẽ xâm nhập vào khoang miệng. Sau đó, đứa trẻ bú sữa mẹ, chạm vào các đồ vật hay người lớn chạm vào bé cũng góp phần làm lây nhiễm vi sinh vật cho trẻ.