Đề bài:
Kể lại một câu chuyện em đã được nghe, được đọc về du lịch hay thám hiểm
Gợi ý:
1. Những câu chuyện có thật:
- Các cuộc thám hiểm của Cô-lôm-bô từ năm 1492 đến năm 1504 phát hiện ra châu Mĩ
- Chuyến đi vòng quanh thế giới của Ma-gien-lăng
- Các cuộc thám hiểm Bắc Cực, Nam Cực, chinh phục đỉnh núi Ê-vơ-rét,...của nhiều nhà khoa học, nhà thể thao,...
2. Những câu chuyện tưởng tượng:
- Hai vạn dặm dưới đáy biển, Tám mươi ngày vòng quanh thế giới, Cuộc du hành vào lòng đất, Năm tuần trên khinh khí cầu của Véc-nơ
- Gu-li-vơ du kí của Xuýp, Dế Mèn phưu lưu kí của Tô Hoài, Cuộc du lịch kì diệu của Nin Hơ-gớc-xơn của La-gớc-lốp,...
Trả lời:
- Những câu chuyện có thật:
Ma-gien-lăng đi vòng quanh thế giới
Xuất phát từ ý muốn khám phá và tìm thêm những miền đất lạ, Ma-gien-lăng đã chỉ huy năm hải thuyền lớn, xuất phát từ cửa biển Xê-vi-la của Tây Ban Nha vào ngày 20-9-1519, băng ra Đại Tây Dương.
Đoàn thuyền đã đi theo bờ biển Nam Mĩ rồi đi vào Thái Bình Dương. Thái Bình Dương quá rộng lớn, đi mãi mà không nhìn thấy bờ, đoàn thuyền đã phải lênh đênh trên biển rất nhiều ngày, lâu đến nỗi nước ngọt để uống và lương ăn đều cạn kiệt. Họ phải uống nước tiểu của mình. Thậm chí, đoàn thủy thủ còn phải hầm nhừ giày và thắt lưng da để ăn, chống chọi lại cơn đói cồn cào. Mỗi ngày đều có người chết, phải ném xác xuống biển. Thật may mắn vì đoàn thuyền gặp được một hòn đảo nhỏ. Những người dân bản địa tốt bụng đã cho họ thức ăn và nước ngọt để tiếp tục cuộc hành trình. Thế nhưng không phải người trên hòn đảo nào cũng tốt bụng như thế. Có những hòn đảo người dân rất quyết liệt, dữ dằn, tấn công đoàn thủy thủ. Và trong một trận giao tranh với dân đảo Ma-tan, Ma-gien-lăng đã bị giết chết.
Sau đó họ vẫn tiếp tục đi, đến Ấn Độ Dương. Họ vượt Ấn Độ Dương và đến ngày 8 tháng 9 năm 1522, họ đã trở về Tây Ban Nha nhưng chỉ còn có một chiếc hải thuyền với mười tám thủy thủ.
Như thế, tính ra đoàn thuyền của Ma-gien-lăng đã đi 1083 ngày trên biển, gần 200 thủy thủ đã chết trên đường đi. Tuy nhiên họ đã đạt được mục đích của chuyến đi và đã xác định được một điều quan trọng: trái đất hình cầu.
Chuyến thám hiểm này đã phải trả bằng một giá rất đắt, nhưng thành công của nó cũng cực kì lớn lao, góp phần vào việc tìm hiểu, khám phá trái đất của chúng ta.
- Những câu chuyện tưởng tượng:
Chuyến phưu lưu của Dế Mèn
Dế Mèn là con út trong số ba anh em cùng lứa. Chỉ được ở với mẹ hai hôm, sang hôm thứ ba, mẹ đã đưa ba anh em ra ở riêng, mỗi đứa được ở trong một cái hang đất ở bờ ruộng trông ra đầm nước. Vì là con út nên Dế Mèn được mẹ cưng chiều hơn một chút, để toàn cỏ non, ngon lành trong hang của mình.
Bước vào cuộc đời tự lập, Dế Mèn ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên chóng lớn và sớm trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Thế nhưng, giống như biết bao nhiêu người trẻ khác, Dế Mèn mắc thói kiêu ngạo, tự mãn và hung hăng khờ dại nên đã gây ra cái chết đau đớn cho Dế Choắt. Nhờ đó mà Dế Mèn có được bài học đầu tiên trong cuộc đời mình. Chán cảnh sống quẩn quanh tầm thường, Mèn cất bước ra đi để mở rộng tầm mắt và học khôn, học giỏi ở người. Hành trình phiêu lưu của Mèn đầy ắp kỉ niệm, thấy nhiều cảnh lạ, gặp bao chuyện rủi, chuyện may. Mèn kết bạn với Dế Trũi, cùng đi đó đây. Đến cánh rừng cỏ may dự hội, Mèn tranh hùng với võ sĩ Họ Ngựa. Hai anh em Mèn và Trũi được tôn làm chánh, phó thủ lĩnh đứng đầu các làng trong vùng cỏ may. Có lần Mèn bị bắt giam trong hầm kín của lão Chim Trả. Mèn, Trũi và các bạn cùng chí hướng chống lại những điều ngang trái, bất công trong thiên hạ.
Chẳng ngơi nghỉ và nản lòng, Mèn và Trũi đi đến nhiều nơi, được đón tiếp long trọng, bạn bè ngày một đông. Mèn và các bạn hiểu ra rằng “aicũng có lòng tốt, cũng muốn làm ăn yên ổn”.Tại vương quốc loài kiến, sau khi hội kiến với Kiến Chúa, Mèn đọc lời hịch cổ động "muôn loài cùng nhau kết anh em". Tất cả mọi loài từ rừng xuống biển đều gửi thư, nhắn tin về hoan nghênh hưởng ứng.
Những chuyến phưu lưu của Dế Mèn chẳng những giúp chú ta mở rộng được tầm mắt, học được nhiều thứ mà còn giúp chú ta quen biết được thêm nhiều bạn mới. Đặc biệt là người bạn Dế Trũi của mình.