Đề bài: Hãy tưởng tượng và kể lại vắn tắt một câu chuyện có ba nhân vật: bà mẹ ốm, người con bằng tuổi em và một bà tiên
Trả lời:
Ví dụ 1: Câu chuyện với ba nhân vật như trên có thể là một câu chuyện về sự hiếu thảo.
Thuở xa xưa, có một gia đình chỉ có hai mẹ con. Người mẹ xấp xỉ tuổi sáu mươi, còn người con gái chỉ độ chín mười tuổi. Nhà họ rất nghèo nhưng họ sống phúc đức nên được bà con lối xóm thương yêu, quý mến.
Một ngày nọ, sau buổi đi làm đồng về, người mẹ nhuốm bệnh nằm liệt giường. Bà con lối xóm đến thăm nom giúp đỡ tiền bạc, thuốc thang, chạy chữa cho bà nhưng bệnh tình của bà không thuyên giảm mà mỗi ngày mỗi nặng thêm. Hằng ngày, cô bé túc trực bên giường bệnh không rời mẹ một bước. Nhiều lúc, cô phải nhịn ăn nhường phần cho mẹ. Tuy vất vả thiếu thốn đủ đường nhưng cô bé không bao giờ than vãn một điều gì. Rồi một hôm mệt quá, cô bé thiếp đi lúc nào không biết.
Trong giấc chiêm bao, cô bé nghe một tiếng nói thì thầm bên tai:
- Cháu muốn cứu mẹ thì hãy vượt qua chín ngọn đồi ở phía tây. Đến đó có một ngôi nhà bên vệ đường. Cháu cứ vào nhà gõ cửa sẽ có người giúp cháu chữa khỏi bệnh cho mẹ.
Cô bé tỉnh dậy, mong trời mau sáng để thực hiện lời dặn của thần linh trong giấc chiêm bao. Trời vừa hửng sáng, cô bé vội chạy sang nhà hàng xóm nhờ trông hộ mẹ cho mình rồi tạm biệt mẹ già ra đi. Sau bảy ngày trèo đèo lội suối, vượt qua bao nhiêu rừng rậm, thác nghềnh, cô bé đã đến được ngôi nhà bên vệ đường. Vừa mới gõ cửa thì một bà cụ tóc trắng như cước, đôi mắt hiền từ phúc hậu tay chống gậy trúc bước ra, nói:
- Ta đợi cháu ở đây mấy ngày rồi. Ta rất quý tấm lòng hiếu thảo của cháu. Đây là một lọ thuốc thần, cháu hãy cầm lấy mang về chữa bệnh cho mẹ. Cháu chỉ cần cho mẹ uống một viên thôi, mẹ cháu sẽ khỏi. Số thuốc còn lại tùy cháu sử dụng.
- Bà ơi! Cháu cảm ơn bà nhiều lắm!
- Thôi, cháu hãy mau trở về. Mẹ cháu và dân làng đang mong đấy.
Nói xong, bà tiên và cả ngôi nhà biến mất. Cô bé vội vã lên đường trở về nhà. Sau khi chữa khỏi bệnh cho mẹ, cô bé còn dùng số thuốc còn lại cứu sống không biết bao nhiêu người nữa. Từ đó, cuộc sống của hai mẹ con họ thật đầm ấm, hạnh phúc. Họ sống trong tình thương yêu đùm bọc của dân làng.
Ví dụ 2: Câu chuyện với ba nhân vật như trên có thể là một câu chuyện về tính trung thực
Ở một thị trấn nhỏ có hai mẹ con cậu bé kia sống trong một cái nhà gỗ ọp ẹp. Bà mẹ làm thuê để kiếm tiền nuôi con. Cậu bé học lớp bốn chăm ngoan, hiền hậu. Công việc nặng nhọc khiến bà mẹ ngày một gầy ốm rồi ngã bệnh. Cậu bé hết lòng chăm sóc mẹ và thay mẹ đi làm ở chỗ mẹ cậu đã làm. Vì cậu sức yếu nên cậu chỉ được chút tiền lương. Mẹ cậu bệnh ngày một nặng. Cậu bé gom góp số tiền ít ỏi, ra phố mua cho mẹ thang thuốc tốt hơn. Cậu đi nhanh trên con đường vắng thì thấy một túi xách bị đánh rơi. Có lẽ cái túi rơi nặngnên miệng túi toác ra để lộ những xấp tiền dày cộm. Cậu ngẩng phẳt đầu lên nhìn về phía trước chỉ thấy một bà lão chống gậy đang đi chầm chậm.Số tiền này không phải là ít – cậu nghĩ thầm – rồi ôm lấy cái túi, chạy tất tả theo bà cụ:
– Bà ơi! Bà đánh rơi túi xách này.
Bà lão dừng ngay lại, đưa mắt nhìn cậu có ý hỏi. Cậu bé thở hổn hển:
– Thưa bà, cái túi xách này là của bà, phải không ạ?
Bà lão cười hiền hậu:
– Quả con là đứa trò thật thà, hiếu thảo. Ta là tiên, chờ con ở đây để thử lòng con đó.
Bà lão đưa cho cậu một gói nhỏ dặn:
– Con hòa thuốc này cho mẹ uống. Chỗ tiền này ta cho con mang về giúp mẹ mở một cửa hàng nhỏ. Con về ngay đi.
Dứt lời. Bà lão biến mất. Cậu quỳ xuống lạy tạ bà tiên rồi chạy như bay về nhà.
Mẹ cậu khỏi bệnh và nhờ số tiền của bà tiên giúp, mở một tiệm tạp hóa, không phải làm thuê gánh mướn nữa. Hai mẹ con sống lương thiện, hạnh phúc bên nhau.