A. Đọc thầm
Về thăm bà
Thanh bước lên thềm, nhìn vào trong nhà. Cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi. Sự yên lặng làm Thanh mãi mới cất tiếng gọi khẽ.
- Bà ơi!
Thanh bước xuống dưới giàn thiên lý. Có tiếng người đi, rồi bà, mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc ngoài vườn vào. Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần.
- Cháu đã về đấy ư?
Bà ngừng nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng nhìn cháu, âu yếm và mến thương.
- Đi vào trong nhà kẻo nắng, cháu!
Thanh đi, người thẳng, mạnh, cạnh bà lưng đã còng. Tuy vậy, Thanh cảm thấy chính bà che chở cho mình cũng như những ngày còn nhỏ.
Bà nhìn cháu, giục:
- Cháu rữa mặt đi, rồi nghỉ đi!
Lần nào trở về với bà, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế. Căn nhà, thửa vườn này như một nơi mát mẻ và hiền lành. Ở đấy, bà lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu Thanh.
Theo Thạch Lam
B. Dựa vào nội dung bài học. chọn câu trả lời đúng nhất
Câu 1. Những chi tiết liệt kê trong dòng nào cho thấy bà của Thanh đã già?
- a. Tóc bạc phơ, miệng nhai trầu, đôi mắt hiền từ.
- b. Tóc bạc phơ, chống gậy trúc, đôi mắt hiền từ.
- c. Tóc bạc phơ, chống gậy trúc, lưng đã còng.
Câu 2. Tập hợp bào dưới đây liệt kê đầy đủ các chi tiết nói lên tình cảm của bà đối với Thanh?
- a. Nhìn cháu bằng ánh mắt âu yếm, mến thương, giục cháu vào nhà cho khỏi nắng, giục cháu đi rửa mặt rồi nghỉ ngơi.
- b. Nhìn cháu bằng ánh mắt âu yếm, mến thương.
- c. Nhìn cháu bằng ánh mắt âu yếm, mến thương, che chở cho cháu.
Câu 3. Thanh có cảm giác như thế nào khi trở về ngôi nhà của bà?
- a. Có cảm giác thong thả, bình yên.
- b. Có cảm giác được bà che chở.
- c. Có cảm giác thong thả, bình yên, được bà che chở.
Câu 4. Vì sao Thanh cảm thấy chính bà đang che chở cho mình?
- a. Vì Thanh luôn yêu mến, tin cậy bà.
- b. Vì Thanh là khách của bà, được bà chăm sóc, yêu thương.
- c. Vì Thanh sống với bà từ nhỏ, luôn yêu mến, tin cậy bà và được bà săn sóc, yêu thương.
Trả lời:
Câu 1. Những chi tiết liệt kê trong dòng nào cho thấy bà của Thanh đã già?
Đáp án: c. Tóc bạc phơ, chống gậy trúc, lưng đã còng.
Câu 2. Tập hợp bào dưới đây liệt kê đầy đủ các chi tiết nói lên tình cảm của bà đối với Thanh?
Đáp án: a. Nhìn cháu bằng ánh mắt âu yếm, mến thương, giục cháu vào nhà cho khỏi nắng, giục cháu đi rửa mặt rồi nghỉ ngơi.
Câu 3. Thanh có cảm giác như thế nào khi trở về ngôi nhà của bà?
Đáp án: c. Có cảm giác thong thả, bình yên, được bà che chở.
Câu 4. Vì sao Thanh cảm thấy chính bà đang che chở cho mình?
Đáp án: c. Vì Thanh sống với bà từ nhỏ, luôn yêu mến, tin cậy bà và được bà săn sóc, yêu thương.
C. Dựa vào nội dung bài học, chọn câu trả lời đúng
Câu 1. Tìm trong truyện Về thăm bà những từ cùng nghĩa với từ hiền:
a. Hiền hậu, hiền lành b. Hiền từ, hiền lành c. Hiền từ, âu yếm
Câu 2. Câu Lần nào trở về với bà, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế có mấy động từ, mấy tính từ?
a. Một động từ, hai tính từ. Các từ đó là:
Động từ: Tính từ:
b. Hai động từ, hai tính từ. Các từ đó là:
Động từ: Tính từ:
c. Hai động từ, một tính từ. Các từ đó là:
Động từ: Tính từ:
Câu 3: Câu cháu đã về đấy ư? được dùng làm gì?
a. Dùng để hỏi b. Dùng để yêu cầu, đề nghị c. Dùng thay lời chào
Câu 4. Trong câu sự yên lặng làm Thanh mãi mới cất được tiếng gọi khẽ, bộ phận nào là chủ ngữ?
a. Thanh b. Sự yên lặng c. Sự yên lặng làm Thanh
Trả lời:
Câu 1. Tìm trong truyện Về thăm bà những từ cùng nghĩa với từ hiền:
Đáp án: b. Hiền từ, hiền lành
Câu 2: Câu Lần nào trở về với bà, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế
Câu trên có hai động từ, hai tính từ. Các từ đó là:
- Động từ: trở về và thấy
- Tính từ: bình yên và thong thả.
Câu 3: Câu cháu đã về đấy ư? được dùng làm gì?
Đáp án: c. Dùng thay lời chào
Câu 4: Trong câu sự yên lặng làm Thanh mãi mới cất được tiếng gọi khẽ, bộ phận nào là chủ ngữ?
Đáp án: c. Sự yên lặng làm Thanh