I. Tìm hiểu chung bài đọc
1. Bố cục:
- Đoạn 1:“Tre xanh…nên thành tre ơi ?”
=> Sự gắn bó từ lâu đời của tre với người Việt Nam.
- Đoạn 2: “Ở đâu … truyền đời cho măng”
=> Hình ảnh cây tre gợi lên phẩm chất cần cù, đoàn kết, thương yêu, nhường nhịn, ngay thẳng của người Việt Nam.
- Đoạn 3 : Phần còn lại
=> Sức sống lâu bền của cây tre.
2. Nội dung:
Qua hình tượng cây tre, tác giả ca ngợi những phẩm chất đẹp của người Việt Nam: tình thương yêu, ngay thẳng, chính trực.
II. Hướng dẫn trả lời câu hỏi cuối bài
Câu 1: Những hình ảnh nào của tre gợi lên những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam:
a. Cần cù
b. Đoàn kết
c. Ngay thẳng
Trả lời:
Những hình ảnh của tre gợi lên những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam.
a. Những hình ảnh của tre tượng trưng cho tính cần cù:
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
b. Những hình ảnh của tre tượng trưng cho tình thương yêu, đoàn kết đồng loại
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu, tre gần nhau thêm
Thương nhau, tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.
c. Những hình ảnh của tre tượng trưng cho tính ngay thẳng.
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Câu 2: Em thích những hình ảnh nào về cây tre và búp măng non ? Vì sao ?
Trả lời:
Em thích hình ảnh cây tre và búp măng:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm.
Em thích hình ảnh đó vì khi đọc câu thơ ta cảm nhận được sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau của cây tre giống như con người vậy.