I. TÌM HIỂU CHUNG
1. Tác giả
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
- Thế giới thơ Trần Đăng Khoa chân thực, hồn nhiên, tinh tế, có những bài chạm đến suy tư sâu sắc.
- TP chính: Góc sân và khoảng trời, bên cửa sổ máy bay, Chân dung và đối thoại
2. Tác phẩm
- Bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo được viết năm 1982
3. Đọc văn bản
- Thể thơ: Tự do
- Nhân vật trữ tình: Người lính đảo
=> Đó là những chia sẻ chân thực, xúc động, sâu sắc về người lính nơi quần đảo Trường Sa, về cuộc sống tâm hông của chính họ thông qua một buổi biểu diễn văn nghệ.
- Bố cục:
+ 4 khổ đầu: Sân khấu và chân dung đặc biệt của người lính đảo.
+ 6 khổ cuối: Tình ca của lính đảo.
II. TÌM HIỂU CHI TIẾT
1. Sân khấu và chân dung đặc biệt của người lính đảo
- Sân khấu biểu diễn được kê bằng “đá san hô’, cánh gà được tạo bằng “vài tấm tôn”, “phông màn” được làm từ mây trời, sóng nước (“Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa, Mây nước đã mở màn”), không có ánh đèn sân khấu rực rỡ (“Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa”).
- Diễn viên và khán giả chính là những người lính đảo, không mảy may có một “bóng hồng” nào. Họ hiện ra trong chân dung độc đáo - những anh chàng đầu trọc, những “sư cụ” (“Sân khấu lô nhô mấy anh chàng đầu trọc / Người xem ngổn ngang cũng rặt... lính trọc đầu”, “Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau”, “Những lúc đùa vui cứ gọi là sư cụ”).
- Lí do tạo nên sự đặc biệt này trước hết là bởi:
+ Thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dội, điều kiện sống thiếu thốn nơi quần đảo Trường Sa. Tác giả đã khắc hoạ điều đó qua hai chi tiết: Chăng phông màn nào chịu được gió Trường Sa, Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dạng / sỏi cát bay như lũ chim hoang, Nước ngọt thiếu không lẽ dành gội tóc.
+ Sự dữ dội của gió được cảm nhận qua xúc giác (rát mặt), thị giác (cứ vài giờ đảo lại thay đổi hình dạng, hình ảnh sỏi cát bay), qua so sánh (Sỏi cát bay như lũ chim hoang). Không chỉ vậy, gió còn mang theo hơi mặn của muối biển khiến chẳng phông màn nào có thể chống trụ nổi.
-> Điều kiện khắc nghiệt ấy tạo ra “chân dung" đặc biệt của cả diễn viên và khán giả đêm biểu diễn.
- Nhận xét:
+ Hoàn cảnh sống của những người lính đảo: vất vả, khắc nghiệt, thiếu thốn.
+ Cách lính đảo dựng sân khấu, biểu diễn văn nghệ, biến sân khấu sơ sài do điều kiện khắc nghiệt thành sân khấu đặc biệt được làm nên từ sóng nước, mây trời quần đảo Trường Sa; cách bắt đầu buổi diễn (“Cứ mặc nó [...] mở màn”) cho thấy đây là những con người sáng tạo, trẻ trung, yêu văn nghệ, yêu đời,...
+ Cách lính đảo “tự họa" chân dung: Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc / Người xem ngổn ngang cũng rặt... lính trọc đầu, Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau, Có lúc vui cứ gọi đùa là sư cụ / Là bà con xa với bụt ốc đây mà. Hoá ra là sư cụ hát tình ca thể hiện cái nhìn lạc quan, hóm hỉnh, đùa vui, tếu táo, chủ động, sự ngang tàng, cứng cởi vượt lên hoàn cảnh.
=> Bằng giọng điệu bông đùa, dí dỏm, hình tượng người lính hiện lên với tinh thần lạc quan, yêu đời, chủ động, ngang tàng vượt lên hoàn cảnh.
2. Tình ca người lính đảo
a. Khổ 5,6,7
- Đặc điểm của lời ca, giai điệu: Giai điệu ngang tàng như gió biển, Lời ca toàn nhớ với thương
- Hình ảnh trong bản tình ca: Có đêm trăng dắt em đi dạo, gương mặt em dịu dàng, hàng cây cũng tươi xinh
=> Bản tình ca với giai điệu ngang tàng nhưng chất chứa những yêu thương cháy bỏng của một tình yêu hồn nhiên, trong sáng, mãnh liệt (dù chỉ là trong tưởng tượng)
- Sự đối lập được thể hiện trong các khổ thơ 5, 6, 7 và trong các dòng thơ
Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
=> Đối lập giữa giai điệu ngang tàng, mạnh mẽ cất lên với nội dung cảm xúc đẫm màu thương nhớ trong lời ca; giữa giấc mơ thật lãng mạn với bóng hình em yêu, đêm trăng thơ mộng, gương mặt em dịu dàng, hàng cây tươi xinh, tay trong tay trên con đường cùng dạo và tỉnh mộng, trở về với thực tế:
Mở mắt chung chiêng nghe lưng trời sóng vỗ
Và tay mình lại nắm lấy tay mình
=> Giữa một dáng hình em, gương mặt em, tình yêu với em hiện hữu thật cụ thể, là nơi bản tình ca trong trái tim lính đảo đang hướng về với biết bao "nhớ", "thương” cùng tình yêu "thuỷ chung hơn muối mặn", sắt son, bền chặt dành cho em.
- Thực tế “em” chỉ là mong ước, là tưởng tượng, là khát vọng tình yêu trong tâm hồn những chàng lính trẻ chưa một mối tình:
Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?
Tóc em ngắn hay dài có trời mà biết được
Bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước
Yêu em thuỷ chung hơn muối mặn
Dù thư tình chưa biết gửi cho ai”,...
Đối lập giữa bóng tối của biển đêm, của những điều kiện sinh hoạt và chiến đấu khắc nghiệt với sự rực sáng của trái tim yêu nước,...
=> Đối lập giữa giai điệu và lời ca, giữa thế giới trong bản tình ca và thực tế đã nhấn mạnh khát vọng hạnh phúc, khát vọng yêu đương của trái tim tuổi trẻ. Từ đó thấy được vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hoa của người lính.
b. Khổ 8, 9, 10
- Nội dung lời ca: Yêu em thủy chung hơn muối mặn; Tình yêu sáng trong ngực ta đây; Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió.
- Khúc ca khẳng định sự son sắt trong tình yêu, khẳng định tư thế hiên ngang của người lính. Đó là khúc ca có sự hòa quyện giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu đất nước
- Điệp lại cấu trúc thơ: Nào hát lên; Rằng chúng ta/ Rằng tình yêu. Phép điệp cấu trúc giúp hai khổ thơ liên kết gần gũi, dễ đọc dễ nhớ giống đoạn điệp khúc của một bài hát.
- Bản tình ca kết thúc bất ngờ: Sự xuất hiện đông đúc của những “khán giả” đặc biệt - “Ngoài mép biển người đâu lên đông thế / Ô, hoá ra toàn những đá trọc đầu”. Câu thơ mang giọng điệu bông đùa, lính tráng. Hình ảnh thực của đời sống đã bước vào thơ trong một liên tưởng bất ngờ, thể hiện một cái nhìn đầy lạc quan, hóm hỉnh, vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt.
- Phép điệp cấu trúc và đối lập gợi ra điệp khúc và cao trào trong bản tình ca của lính đảo, vì vậy mà nó mạnh mẽ, mãnh liệt. Khắc hoạ tư thế hiên ngang, kiên cường, vững chãi và kiêu hãnh của người lính đảo, của Tổ quốc Việt Nam nơi đầu sóng.
- Bản tình ca kết thúc bất ngờ thể hiện cái nhìn đầy lạc quan, hóm hỉnh, vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của người lính.
- Bản tình của người lính có sức lan tỏa đặc biệt. Đó là khúc tình ca hùng tráng, khúc tình ca của đất nước.
- Mạch cảm hứng của nhân vật trữ tình trong bài thơ:
+ Tinh nghịch, lạc quan: 4 khổ thơ đầu.
+ Suy tư, sâu lắng: các khổ thơ 5, 6, 7.
+ Kiêu hãnh, tự hào: các khổ thơ 8, 9, 10
III. TỔNG KẾT
1. Nội dung – ý nghĩa
- Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, khí phách của người lính nơi quần đảo Trường Sa. Qua đó thấy được tư thế của dân tộc, dáng hình của đất nước
2. Nghệ thuật
- Ngôn ngữ lắng đọng, cô đúc
-Sử dụng sáng tạo, phong phú các biện pháp tu từ.
- Viết theo thể thơ tự do.
- Ngôn giản dị, đời thường.
- Giọng điệu khi ngang tàng cứng cỏi, khi bông đùa tếu táo, khi suy tư, sâu lắng.