I. CƠ CẤU NGÀNH DỊCH VỤ
- Dịch vụ là những hoạt động mang tính xã hội, tạo ra các sản phẩm phần lớn là vô hình nhằm thoả mãn các nhu cầu trong sản xuất và đời sống của con người.
- Dịch vụ có cơ cấu ngành hết sức phức tạp, người ta thường chia thành ba nhóm:
+ Dịch vụ kinh doanh: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng hoá,...
+ Dịch vụ tiêu dùng: y tế, giáo dục, du lịch,...
+ Dịch vụ công: hành chính công, thủ tục hành chính,...
II. VAI TRÒ CỦA NGÀNH DỊCH VỤ
– Dịch vụ có vai trò quan trọng:
+ Vai trò về kinh tế:
- Giúp các hoạt động sản xuất, phân phối diễn ra thông suốt.
- Thúc đẩy sự phân công lao động xã hội, hình thành cơ cấu lao động và cơ cấu Góp phần tăng thu nhập quốc dân cũng như thu nhập của cá nhân.
+ Về mặt xã hội, dịch vụ giúp cho các lĩnh vực của đời sống xã hội và sinh hoạt công cộng diễn ra thuận lợi, nâng cao đời sống con người.
+ Về mặt môi trường, dịch vụ góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
+ Dịch vụ giúp tăng cường toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
III. ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÀNH DỊCH VỤ
– Sản phẩm dịch vụ phần lớn là phi vật chất. Ví dụ: Khi mua về sử dụng dịch vụ giao thông, khách hàng không có gì ngoài một tấm vé và lời hứa đưa đến địa điểm, khách hàng không thể chạm vào. Tương tự, nếu khi khách hàng thuê một luật sư, khách hàng không nhận được sản phẩm mà chỉ là lời tư vấn..
– Quá trình sản xuất (cung ứng) dịch vụ và tiêu dùng (hưởng thụ) dịch vụ thường diễn ra đồng thời. Ví dụ: Khi chúng ta đi xem một trận bóng thi sản xuất và cung ứng dịch vụ đó là đồng thời.
– Sự phát triển của khoa học – công nghệ đã làm thay đổi cách thức, cơ cấu, chất lượng của ngành dịch vụ. Ví dụ: Chúng ta có thể lưu trữ được sản phẩm dịch vụ như sản xuất ra các băng đĩa nhạc, hay làm cho nhiều ngành dịch vụ mới ra đời,....
IV. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ DỊCH VỤ
- Vị trí địa lí có ý nghĩa trong việc thu hút vốn đầu tư, nguồn lao động chất lượng cao, tiếp cận thị trường bên ngoài, thực hiện toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Ví dụ: Nhờ vị trí địa lí thuận lợi mà Xin-ga-po có ngành dịch vụ rất phát triển.
– Nhân tố tự nhiên có tác động trực tiếp tới sự phát triển và phân bố của một số loại hình dịch vụ: địa hình, khí hậu tác động trực tiếp tới hoạt động của giao thông vận tải và du lịch... Ví dụ, khi xây dựng các tuyến đường giao thông ở miền núi, người ta phải san đường làm hầm.... khắc phục sạt lở; thời tiết bất lợi làm gián đoạn các hoạt động du lịch,...
- Nhân tố kinh tế – xã hội có ý nghĩa quan trọng nhất tới sự phát triển và phân bố dịch vụ.
+Trình độ phát triển kinh tế mang tính quyết định đến định hướng phát triển, trình độ phát triển, quy mô của dịch vụ. Ví dụ: Nước có nền kinh tế phát triển sẽ chú ý đến các lĩnh vực mới, lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao hơn, trình độ công nghệ cao,...
+ Đặc điểm dân số, lao động ảnh hưởng tới tốc độ phát triển, cơ cấu, mạng lưới dịch vụ.
Ví dụ: Nước có cơ cấu dân số trẻ thì các loại hình dịch vụ gắn liền với dân số trẻ phát triển mạnh như giáo dục, y tế,... ngược lại nếu cơ cấu dân số già thì dịch vụ y tế sẽ được chú trọng phát triển.
+ Vốn đầu tư, khoa học - công nghệ ảnh hưởng tới quy mô, trình độ phát triển dịch vụ.
Ví dụ: Vốn đầu tư càng lớn thì quy mô hoạt động dịch vụ càng tăng. Khoa học – công nghệ phát triển làm thay đổi tính chất của sản xuất dịch vụ, làm cho dịch vụ ngày càng giống sản xuất vật chất
+ Thị trường ảnh hưởng tới hướng phát triển, tốc độ và quy mô phát triển dịch vụ. Ví dụ: Thị trường rộng lớn, sức mua cao làm cho các hoạt động dịch vụ cần có quy mô lớn. Thị hiểu của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến hướng sản xuất dịch vụ.