I. MÔI TRƯỜNG
- Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo, có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và tự nhiên.
- Đặc điểm
+ Môi trường sống của con người bao gồm: môi trường tự nhiên, môi trường nhân tạo và môi trường xã hội. Môi trường tự nhiên bao gồm đất, nước, khí hậu, sinh vật, sông ngòi, địa hình...
+ Các yếu tố này tồn tại và phát triển theo quy luật tự nhiên nhưng vẫn chịu tác động của con người.
+ Môi trường nhân tạo bao gồm các yếu tố vật chất, kĩ thuật do con người tạo ra và chịu sự chi phối của con người (nhà ở, công viên, khu đô thị, nhà máy,...). Các thành phần của môi trường nhân tạo sẽ bị huỷ hoại nếu không có sự chăm sóc của con người. Trong giai đoạn hiện nay, dưới tác động của cách mạng công nghiệp. môi trường nhân tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng.
+ Môi trường xã hội là các quan hệ xã hội trong sản xuất, trong phân phối, trong giao tiếp với các luật lệ, thể chế, quy định, cam kết ở các cấp khác nhau. Nó định hướng hoạt động của con người theo một khuôn khổ nhất định.
- Vai trò:
+ Nơi chứa đựng và cung cấp các nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất của con người.
+ Giúp lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người.
+ Không gian sống và bảo vệ con người, sinh vật khỏi những tác động từ bên ngoài.
+ Chứa đựng và phân huỷ các chất phế thải do con người tạo ra trong sinh hoạt và sản xuất.
II. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
1. Khái niệm
Tài nguyên thiên nhiên là toàn bộ giá trị vật chất có trong tự nhiên mà con người có thể khai thác, chế biến, sử dụng để phục vụ cuộc sống của con người.
2. Đặc điểm tài nguyên thiên nhiên
- Phân bố không đồng đều trong không gian, phụ thuộc vào cấu tạo địa chất, khí hậu,... của các lãnh thổ.
- Đại bộ phận các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị kinh tế được hình thành qua quá trình phát triển lâu dài của lãnh thổ.
- Tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, được phân loại dựa vào thuộc tính tự nhiên, dựa vào công dụng kinh tế và khả năng bị hao kiệt trong quá trình sử dụng của con người. Một số loại không thể khôi phục được, đặc biệt là khoáng sản.
3. Vai trò của tài nguyên thiên nhiên
- Là một trong những nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế: yếu tố thúc đẩy sản xuất phát triển, cơ sở để phát triển nông nghiệp và công nghiệp,... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.
=> Ví dụ: Việt Nam nằm trong đới khí hậu nhiệt đới và chịu ảnh hưởng của gió mùa nên thích hợp cho nền sản xuất nông nghiệp nhiệt đới (ưu thế là cây lúa nước), khí hậu có hai mùa rõ rệt góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.
- Yếu tố quan trọng cho phát triển kinh tế ổn định và tích luỹ vốn:
+ Cung cấp nguyên, nhiên liệu ổn định cho sản xuất trong nước; góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
+ Khai thác để xuất khẩu, tích luỹ vốn thực hiện quá trình công nghiệp hoá, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống dân sinh,...
=> Ví dụ: Con người hít thở không khí từ tự nhiên; khai thác các loại khoáng sản, lâm sản, hải sản,… để phục vụ cho nhu cầu trong đời sống, sản xuất của mình.