Mỗi quốc gia, dân tộc lại có một nền văn hóa ẩm thực khác nhau. Người ta biết đến sushi Nhật Bản, kim chi Hàn Quốc và bạn bè quốc tế đều biết đến phở Việt Nam. Phở không những là món ăn dân tộc mà còn là văn hóa ẩm thực Việt trên trường quốc tế.
Không có tư liệu chính xác nào về nguồn gốc của phở. Nhiều người cho rằng phở định hình vào đầu thế kỉ 20. Có quan điểm cho rằng phở vốn bắt nguồn từ món xáo trâu (dạng sợi bún) Việt Nam. Có quan điểm khác lại cho biết phở bắt nguồn từ một món ăn Quảng Đông hoặc nguồn gốc của phở là phương pháp chế biến món thịt bò hầm của Pháp. Dù không rõ phở có nguồn gốc chính xác từ đâu nhưng vào những năm 40 của thế kỉ 20, phở đã rất nổi tiếng ở Nam Định, Hà Nội.
Phở mang nhiều hương vị khác nhau tùy tay người chế biến. Nhưng thành phần chính của phở gồm bánh phở và nước dùng. Bánh phở dạng sợi, thường chế biến từ gạo. Nước dùng có mùi thơm từ gừng, quế, hồi và thảo quả nướng kết hợp với vị ngọt từ xương lợn được ninh nhừ, thịt bò hoặc thịt gà được thái mỏng và trần vào bát phở cùng với các loại rau thơm. Nước dùng là yếu tố quyết định độ ngon của một bát phở, nên khâu chuẩn bị chế biến nước dùng cần đảm bảo kỹ lưỡng. Từ việc chọn xương sao cho ngọt ngon nhất đến ninh xương, nêm nếm gia vị. Vị ngọt của nước dùng phải từ xương thì mới ngon. Nước dùng còn phải có mùi thơm và màu trong. Những yêu cầu này đòi hỏi người đầu bếp phải có kinh nghiệm. Ngoài ra khi ăn phở, người ta hay ăn kèm rau thơm, thêm vị chua thanh thanh từ chanh. Tất cả cùng hòa quyện khiến bát phở thơm ngon đúng điệu không sai lệch đi một chút nào.
Qua nhiều giai đoạn phát triển của phở và sự sáng tạo của người đầu bếp từ thế hệ đi trước đến thế hệ sau, phở có nhiều loại hơn tương ứng cách chế biến của nó. Tuy nhiên có ba món phở chính là: phở nước, phở xào và phở áp chảo. Phở nước là loại được ưa chuộng hơn cả. Phở nước gồm phở bò, phở gà, phở tim gan. Khác nhau như vậy sở dĩ là do nước dùng cùng thịt ăn kèm. Trong số đó, nổi tiếng nhất là phở bò. Phở được trình bày trong bát sứ với độ lớn vừa phải. Khi ăn phở, phải kết hợp dùng cả đũa và thìa để thưởng thức được trọn vẹn hương vị của một bát phở. Ăn phở phải ăn nóng và không ăn kèm thêm bất cứ món ăn, đồ uống nào khác bởi hương vị của nó vốn đã rất đầy đủ, hoàn hảo rồi.
Phở đã trở thành nét tinh tế trong văn hóa ấm thực dân tộc. Bốn mùa xuân hạ thu đông, cả ngày sáng trưa chiều tối, bất cứ khi nào muốn chúng ta đều có thể thưởng thức phở. Trên khắp mọi miền của tổ quốc thân yêu, quán ăn nào cũng phục vụ phở. Có những quán phở đã thành danh từ năm này qua năm khác, có những nơi đã trở thành làng nghề. Phở là một phần không thể thiếu trong tâm hồn mỗi người con Việt Nam, để rồi khi xa quê hương, ở nước ngoài người ta vẫn khao khát được ăn môt bát phở Việt Nam đúng nghĩa. Bạn bè trên thế giới đến với Việt Nam, ai cũng một lần thử qua món phở và thích thú mùi vị của nó. Thậm chí, có nhiều người lặn lội từ vì lẽ đó đã gắn liền với đất nước và con người Việt Nam. Nếu hỏi một người nước ngoài rằng họ biết gì về Việt Nam, chắc chắn sẽ không có câu trả lời nào khác ngoài phở. Phở còn trở thành đề tài cho bao tác phẩm đồ sộ của các tác giả như Thạch Lam, Vũ Bằng... Cùng với tình yêu quê hương, ngày qua ngày, người ta luôn cố gắng giữ gìn nét ẩm thực độc đáo của đất nước mình.
Bao thế hệ đã đi qua, nhưng phở vẫn còn mãi dưới đôi tay khéo léo của người đầu bếp. Bát phở nghi ngút khói trong cái se se lạnh của đất nước nhiệt đới ẩm đã lặng lẽ khắc ghi trong trái tim con người Việt Nam niềm tự hào dân tộc.