Khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, cuộc sống của con người cũng ngày càng hiện đại hơn. Với sự bao phủ của các thiết bị điện tử thông minh, đời sống được cải thiện bởi những phát minh mới. Một trong những phát minh hữu ích cho đời sống sinh hoạt là chiếc nồi cơm điện.
Nồi cơm điện đến với loài người từ đất nước công nghệ phát triển vượt bậc - Nhật Bản. Ý tưởng về việc dùng điện để nấu cơm xuất hiện lần đầu tiên vào những năm giữa thập niên 1920. Khoảng 20 năm sau, một công ty điện tử cho ra đời thành công loại nồi cơm điện làm chín cơm nhờ chuyển năng lượng điện thành năng lượng hơi. Tuy nhiên, chiếc nồi này yêu cầu người dùng phải chú ý theo dõi từ khi bật công tắc nấu cho đến lúc cơm được nấu xong, khá bất tiện. Năm 1956, công ty Toshiba (Nhật Bản) cải tiến và khắc phục nhược điểm đó, cho ra đời một chiếc nồi thuận tiện sử dụng hơn. Theo đó, hơn 700 chiếc nồi cơm điện được đưa ra thị trường và có mặt trong nhà bếp của các bà nội trợ trên toàn thế giới.
Nồi cơm điện bao gồm dây dẫn nguồn nhiệt, vỏ chứa, ruột nồi nấu và thiết bị cảm ứng nhiệt. Dây dẫn dùng để dẫn điện từ nguồn vào nồi. Vỏ nồi cơm điện thường làm bằng nhựa chịu sức nóng tốt, thường có nắp để đậy lại. Trên nắp nồi có một lỗ nhỏ để thoát hơi ra ngoài. Ruột nồi nằm bên trong, thường làm từ kim loại bền, chống dính cao. Trên ruột có các mức nước được kẻ thành vạch, dựa vào đó mà chọn lượng nước phù hợp với gạo để cơm ngon hơn. Thiết bị cảm ứng là thiết bị điện tử, đo nhiệt độ của nồi và kiểm soát nhiệt lượng, báo hiệu tình trạng nồi cơm. Một chiếc nồi hoàn chỉnh sẽ có thêm nhiều phụ kiện khác.
Theo sự phát triển và nhu cầu của từng thời đại mà nồi cơm điện lại được thiết kế theo kiểu mã, chức năng khác nhau. Hiện nay, nhiều loại nồi cơm điện phức tạp được phát minh có nhiều cảm biến hơn và đa chức năng hơn. Những chiếc nồi đơn giản thì có nút bật, chỉ để nấu cơm. Hiện đại hơn, sẽ có cả bảng chức năng cảm ứng, muốn dùng chức năng nào thì chọn nút đó.
Nguyên lí hoạt động của nồi cơm điện khá đơn giản. Để nấu cơm, cho gạo và nước sạch vào ruột nồi trước, chọn nấc cảm ứng nhiệt về vị trí nấu. Trong thời gian nấu, nước và gạo được làm nóng với toàn bộ công suất nhờ một dây dẫn điện tạo ra. Khi đạt đến nhiệt độ 100 °C, nước sẽ chuyển từ lỏng sang dạng hơi, thoát ra theo lỗ thông của vỏ nồi. Nhiệt độ cao tạo ra sẽ nấu chín gạo, đèn báo chuyển chế độ thì kết thúc nấu. Thông thường, sau đó nồi cơm điện sẽ chuyển sang chế độ "hâm nóng" để tiết kiệm năng lượng, giữ cơm đã chin ở nhiệt độ an toàn, tự động ngắt nguồn điện.
Nồi cơm điện đã trở thành vật dụng quen thuộc không thế thiếu trong mỗi gia đình. Nó giúp chúng ta tiết kiệm thời gian đun nấu mà lại có những bát cơm dẻo ngon. Không những thế, nồi cơm điện còn có nhiều chức năng như hấp, nấu cháo, làm bánh, hầm... Chỉ với một chiếc nồi, chúng ta có thể làm bất cứ món gì mình muốn. Nó giống như cầu nối gắn kết cả gia đình với những bữa cơm đàm ấm sum họp.
Trong quá trình sử dụng, cần biết cách để giữ cho nồi bền. Ngay khi đi chọn mua, bạn nên cắm điện thử ngay tại nơi bán, kiểm tra các nút nấu có hoạt động chính xác hay không. Kiểm tra cả trong lẫn ngoài đảm báo nồi không bị trầy xước bên ngoài và ruột men bên trong tráng chống dính không bị bong tróc. Trước khi cho ruột vào nấu, nên lau khô mặt ngoài của ruột nồi. Thường xuyên lau chùi, giữ cho lỗ thông hơi trên vỏ sạch sẽ, thoáng. Không mở nắp quá nhiều khi nồi đang nấu để tiết kiệm điện. Ngoài ra, không nên để cơm chín quá 12 giờ mà không dùng, không rút điện gây hại cho nguồn điện. Thường xuyên lau chùi vỏ nồi và vệ sinh ruột nồi đúng cách để bảo vệ lớp men chống dính. Sử dụng đúng chức năng có ở nồi. Nếu nồi chỉ dùng để nấu cơm, không xào nấu để giữ tuổi thọ của nồi. Chiếc nồi cơm điện có sử dụng tốt được lâu hay không là nhờ vào cách bảo quản của người dùng.
Với sự phát triển tốc độ của kỹ thuật số, giống như nhiều thiết bị, vật dụng khác, nồi cơm điện cũng được cải tiến từng ngày. Nồi cơm điện đi vào đời sống sinh hoạt, có mặt ở khắp thế giới và trở thành một phần trong cuộc sống của con người.