Đề 6: Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (như chiếc nón lá, chiếc áo dài, trò chơi thả diều)

Bài viết tập làm văn số 5 - ngữ văn lớp 8 đề 6: Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (như chiếc nón lá, chiếc áo dài, trò chơi thả diều). Sau đây, ConKec gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.


Bài mẫu 1: Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam - chiếc áo dài

Dàn ý

1. Mở bài:

  • Giới thiệu chiếc áo dài - trang phục đẹp nổi bật nhất của người phụ nữ Việt Nam.
  • Chiếc áo dài từ khi ra đời, gắn bó với người phụ nữ với bề dày lịch sử.

2. Thân bài:

a. Lịch sử 

  • Chiếc áo dài ra đời vào thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 – 1765).
  • Theo thời gian chiếc áo dài có nhiều sự thay đổi thích nghi với cuộc sống và trở thành một trong những trang phục đẹp nhất.

b. Cấu tạo áo dài:

  • Cổ áo cổ điển cao khoảng 4 – 5 cm, có khoét hình chữ V trước cổ. Hiện nay cổ áo có các biến tấu khá đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U…
  • Thân áo may vừa vặn và ôm sát thân phụ nữ. Cúc áo dài thường là cúc bấm, cài từ cổ qua vai xuống đến phần eo. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ tà ở hai bên hông.
  • Áo dài có hai tà: tà trước và tà sau đều phải dài qua gối.
  • Tay áo tính từ vai, may ôm sát cánh tay, dài đến qua khỏi cổ tay.
  • Quần áo dài có màu đi tông với màu của áo để hợp màu sắc và trang nhã.
  • Chất liệu vải và màu sắc: chất liệu may áo là voan, thế, lụa,… màu sắc cũng lựa chọn tùy theo sở thích và độ tuổi của người mặc.

c. Công dụng:

  • Chiếc áo dài là trạng phúc trong công sở, lễ hội mang đậm đà bản sắc dân tộc.
  • Là trang phục đại diện cho đất nước Việt Nam, quảng bá ra các nước trên thế giới.

d. Bảo quản: Giặt sạch sẽ, treo lên mắc áo và cất vào tủ

3. Kết bài: Chiếc áo dài là trang phục đẹp của người phụ nữ, tôn lên vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng và quý phái.

Bài làm

Mỗi đất nước đều có trang phục truyền thống biểu trưng cho văn hóa của quốc gia mình. Nếu Nhật Bản nổi tiếng với Kimono, Hàn Quốc được biết đến với Hanbok thì Việt Nam lại tự hào với Áo dài. Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.

Ngược dòng thời gian để tìm về với nguồn cội, chiếc áo dài đầu tiên với hai tà áo thướt tha bay lượn đã xuất hiện từ trên ba ngàn năm trước. Đồng hành cùng bước đi của lịch sử, áo dài đã trải qua nhiều kiểu dáng khác nhau. Kiểu sơ khai là áo giao lành, được mặc phủ ngoài yếm đào, váy lụa đen, thắt lưng buông thả. Nhưng để tiện cho việc làm ăn, việc đồng áng, áo giao lành được thu gọn thành áo tứ thân. Rồi từ áo tứ thân lại chuyển thành áo dài cổ kính, ôm sát thân, hai vạt trước được tự do tung bay hài hòa giữa cũ và mới. Trải qua bao năm tháng, áo dài dần được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và cuộc sống năng động của người phụ nữ ngày nay.

Áo dài có hình dáng thanh lịch, thướt tha. Cổ áo cổ điển là cổ Tàu, cao khoảng 4 đến 5 cm, khoét hình chữ V  nhỏ trước cổ, tôn lên vẻ đẹp của chiếc cổ cao thanh tú của người phụ nữ. Ngay nay, kiểu cổ áo dài được sáng tạo đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U,...Thân áo kéo dài từ dưới cổ xuống eo, được may vừa vặn ôm sát lấy người mặc. Cúc áo dài thường là cúc bấm, được cài từ cổ qua vai xuống đến phần eo. Sau này, người ta còn thiết kế ra loại ít cúc hơn, hoặc khóa kéo sau lưng áo. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà là tà trước và tà sau. Áo dài truyền thống có tà dài đến gót chân, áo dài cách tân thì chỉ qua gối. Tay áo may ôm sát cánh tay.

Áo dài thường được mặc với quần thụng thay cho váy đen ngày xưa. Quần áo dài thường được may với vải mềm, rũ. Áo dài được may với nhiều chất liệu khác nhau như: nhung, voan, lụa, gấm... với nhiều màu sắc phong phú. Họa tiết trên áo có thể là hoa, con vật như chim phụng hoàng, bướm... và nhiều hoa văn mang đạm bản sắc dân tộc. Với sự sáng tạo không ngừng của các nhà thiết kế, áo dài có thể mang nhiều hình dáng khác nhau.

Chất liệu làm ra một chiếc áo dài đòi hỏi người mặc cần biết cách bảo quản. Khi gặt áo, chỉ giặt bằng tay, giũ cho áo ráo nước và phơi ngoài nắng nhẹ, tránh nắng gắt vì áo dễ bạc màu. Dùng bàn ủi ủi với nhiệt độ thích hợp tránh quá nóng làm cháy áo. Mặc xong nên giặt áo ngay, treo lên bằng móc áo, nếu gấp phải gấp cẩn thận tránh làm gãy cổ áo.

Trong cuộc sống hiện đại, áo dài không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mà còn trở thành trang phục công sở cho nhiều ngành nghề như tiếp viên hàng không, nữ giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng,… Áo dài trắng là biểu tượng tinh khôi của nữ sinh Việt Nam. Áo dài đỏ cung vui trong ngày lễ ăn hỏi, thành hôn của cặp trai tài gái sắc. Mỗi dịp xuân về, nhiều gia đình nô nức chuẩn bị áo dài cho tất cả các thành viên để cùng đón một cái Tết sum vầy, ý nghĩa. Không chỉ như vậy, ở các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế, các thí sinh đều tự chọn cho mình một chiếc áo dài để dự thi. Bạn bè thế giới biết đến vẻ đẹp Việt Nam gắn liền với chiếc áo dài thướt tha, thanh lịch.

Năm tháng qua đi, nhiều trang phục hiện đại dần phổ biến hơn. Nhưng áo dài vẫn lưu giữ trọn vẹn vẻ đẹp truyền thống dân tộc Việt Nam. Áo dài cùng nón lá chính là nét duyên dáng Việt. Nhìn thấy hình ảnh áo dài, bao trái tim xa quê hương vẫn thổn thức nghĩ về Việt Nam yêu thương xa nhớ.

Bài mẫu 2: Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam - chiếc nón lá

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu vật cần thuyết minh: Chiếc nón lá Việt Nam

2. Thân bài: 

  • Lịch sử, nguồn gốc: xuất hiện trên mặt trống đồng 2500-3500 TCN
  • Hình dáng chiếc nón: Hình chóp
  • Các nguyên liệu làm nón:
    • Mo nang làm cốt nón
    • Lá cọ để lợp nón
    • Nứa rừng làm vòng nón
    • Dây cước, sợi guột để khâu nón
    • Ni lông, sợi len, tranh ảnh trang trí.
  • Quy trình làm nón:
    • Phơi lá nón rồi trải trên mặt đất cho mềm, sau đó là phẳng
    • Làm 16 vòng nón bằng cật nứa, chuốt tròn đều
    • Khâu nón: Đặt lá lên khuôn, dùng sợi cước khâu theo 16 vòng để hoàn thành sản phẩm. Khâu xong phải hơ nón bằng hơi diêm sinh.
  • Phân loại:
    • Nón lá có nhiều loại như nón Huế, nón Nghệ An, nón quai thao,…
    • Các nơi làm nón ở Việt Nam: Huế, Quảng Bình. Nổi tiếng là nón làng Chuông - Hà Tây
  • Tác dụng, ý nghĩa:
    • Tác dụng: Che nắng, che mưa làm duyên cho các thiếu nữ, có thể dùng để múa, làm quà tặng.
    • Ý nghĩa: Hình ảnh chiếc nón đã đi vào thơ ca và là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam
  • Cách bảo quản: không dùng để quạt

3. Kết bài: Nêu tình cảm, cảm xúc và khẳng định vai trò của chiếc nón

Bài làm

Cùng với chiếc áo bà ba, chiếc "nón lá" đã theo chân người phụ nữ miệt vườn, cùng với chiếc xuồng ba lá bồng bềnh theo con nước lớn, nước ròng, dầm mưa dãi nắng sớm chiều... Từ lâu chiếc nón lá đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong trang phục của người phụ nữ miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nữ chung.

Ngày nay chiếc nón lá là hình ảnh quen thuộc và gần gũi với mọi người, nhưng có ai biết đâu để có chiếc nón lá đội đầu che mưa, che nắng và để làm duyên, ngày xưa tổ tiên chúng ta đã đổ bao tâm sức đề nghĩ ra và làm nên chiếc nón lá này. Nón lá có dạng hình chóp. Nón lá có nhiều loại khác nhau. Nón Gò Găng (sản xuất ở Bình Định làm bằng lá dứa, thường dùng khi đội đầu cưỡi ngựa), nón quai thao (người miền Bắc Việt Nam thường dùng khi lễ hội), nón bài thơ (ở Huế là thứ nón lá trắng và mỏng có lộng hình hoặc một vài bài thơ), nón dấu (nón có chóp nhọn của chú lính thời xưa)... Nón làm bằng nhiều vật liệu khác nhau như lá cọ, lá dừa, lá buông,... nhưng chủ yếu làm bằng lá nón. Lá nón nguyên liệu được sử dụng là lá không quá non cũng không quá già - lá thường đang còn búp vừa đủ một tháng tuổi và phát triển hết chiều dài, chiều ngang, chưa chuyển sang màu xanh đậm, các bẹ lá ôm khít với nhau, chưa bung ra, có độ mềm với chiều dài khoảng 40 - 50 cm.

Để làm ra được một chiếc nón lá vừa đẹp, vừa bền là cả một nghệ thuật và công phu của những nghệ nhân, đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn của quy trình sản xuất.

Trong khâu kỹ thuật, thợ làm nón lá có kinh nghiệm chọn lá dù cô cũng còn giữ được màu xanh nhẹ, 16 vành nức thường mảnh được vuốt tròn trĩnh, tỉ mỉ và công phu. Lá được ủi nhiều lần, cẩn thận cho thật phẳng và láng. Hình dáng của chiếc nón lá phụ thuộc rất nhiều vào khung chằm. Khung chằm ( còn được gọi là khuôn nón ) phải được đặt riêng với yêu cầu cụ thể để dáng của chiếc nón lá sau này cân đối, đẹp mắt, vừa ý. Người thợ làm khung nón giữ kỹ thuật tạo dáng, khoảng cách giữa các vành và độ tròn của vành... như một thứ gia bảo cha truyền con nối, theo một thẩm mỹ dân gian "hay mắt" mà thật ra là cả một tỷ lệ thích hợp đã được nhiều đời và nhiều vùng kiểm nghiệm "thuận mắt ta ra mắt người".

Khi xây và lợp lá phải thật khéo, nhất là khâu sử dụng lá chêm, tránh việc chồng nhau nhiều lớp để sao cho nón thanh và mỏng, mũi chỉ chằm phải để kẽ lá ôm khích lấy nhau.

Khi nói chằm hoàn tất người thợ đính cái xoài bằng chỉ màu rất đẹp vào chóp nón sau đó mới phủ dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để thành nón bóng láng và giữ được bền.

Từ khi có mặt với chức năng là "cái nón", thì chiếc nón đã theo chân người nông dân ra đồng, theo người phụ nữ đi sớm về trưa, được và dùng để quạt cho cháu vào giấc ngủ, được các bà mẹ vỗ về đội vào đầu và nắm tay dìu con đến trường. Nón cũng được các bà mẹ sụt sùi nước mắt đặt nhẹ lên đầu người con gái thương yêu trước khi lên xe hoa về nhà chồng. Chiếc nón lá còn có mặt trong sách vở, thi ca, qua câu hò tiếng hát của người bình dân để ca ngợi tình yêu trai gái... và chiếc nón thực sự trở thành một phần trong cuộc sống vô cùng đẹp và lãng mạn của đời mình.

Từ lâu chúng ta đã biết đến chiếc nón lá như một đồ vật rất quen thuộc bởi nó đã gắn bó và trở thành một phần trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Nón lá gần với đời sống tạo nhiều nét bình dị, duyên dáng và thực tiễn trong đời sống nông dân "một nắng hai sương" trên cánh đồng, bờ tre làng. Cùng với chiếc áo dài thì chiếc nón lá đã trở thành một biểu tượng, một hình ảnh truyền thống của văn hóa Việt Nam.

Chiếc nón lá đã tự nhiên đi vào huyền thoại là một nét đẹp văn hóa, mang cái tâm hồn dân tộc gợi cảm ứng cho thơ ca. Chiếc nón lá chỉ từ 45 - 50 nghìn đồng mà nó tô lên nét đẹp, vẻ duyên dáng của người Việt Nam.

Do hiện đại có rất nhiều công ty sản xuất ra biết bao nhiêu là ô, mũ,... xinh xắn và lộng lẫy, nhưng trên khắp các nẻo đường nông thôn đến thành thị, hình ảnh chiếc nón lá vẫn xuất hiện chứng tỏ sự tồn tại của nó cùng thời gian cả về giá trị sử dụng lẫn nét đẹp văn hóa thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Những đồ dùng muốn bền và đẹp thì cần bảo quản tốt, chiếc nón lá cũng vậy, sau khi đã sử dụng, người phụ nữ Việt Nam đều mắc lên và bao lại cẩn thận. Cũng vì thế mà sử dụng sẽ lâu hơn.

Dẫu chiếc nón lá làm ra không dành riêng cho phái nữ, nhưng nói đến cái nón lá xưa nay người mình có thói quen liên tưởng đến người phụ nữ "nón nghiêng che" đầy ấn tượng!

So với chiếc nón lá các vùng miền khác thì nón Huế đi vào thơ ca, nhạc họa nhiều nhất. Hình ảnh cô gái Huế với chiếc nón lá bài thơ, khi che trên đầu, khi cầm trên tay, khi nghiêng nghiêng e thẹn đã tạo nên một vẻ đẹp rất Huế. Đã từ lâu rồi, khi nhắc đến nón bài thơ, người ta đều nghĩ ngay đến Huế.

Chiếc nón lá Việt Nam là một vật dụng không thể thiếu và là người bạn thân thiết đối với con người. Tuy nó mang giá trị vật chất không cao nhưng về giá trị tinh thần thì không chiếc nón nào so sánh được.

Bài mẫu 3: Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam - trò chơi thả diều

Dàn ý

1. Mở bài: giới thiệu trò chơi thả diều - trò chơi dân gian vô cùng thú vị.

2. Thân bài: thuyết minh về trò chơi thả diều

a. Nguồn gốc của trò chơi:

  • Thả diều có nguồn gốc vào thời cổ đại của người Trung Quốc cách đây 2800 năm.
  • Chiếc diều đầu tiên có thể đã xuất hiện vào thời kỳ Xuân Thu do người thợ nước Lỗ có tên Lỗ Ban dùng gỗ chế tạo thành
  • Chiếc diều nhờ gió để bay lên, nên diều có ý nghĩa như sự vương lên trong cuộc sống, bay cao bay xa như diều

b. Vật liệu làm nên diều:

  • Hình dạng diều: hình hộp, hình rồng, hình chim, hình người...
  • Làm diều:
    • Chuẩn bị que tre, dài khoảng 90cm
    • Sau khi xong nó sẽ trở thành khung quạt
    • Sau đó ta dán giấy bao quanh khung
    • Phần đuôi ta có 3 miếng giấy dài, 3 miếng cho cân đối và dài
    • Dây nối ở đầu diều và thả diều

c. Cách chơi:

  • Chọn chỗ thật thoáng, không có cây cối, không có dây điện
  • Từ từ đưa diều lên rồi giật giật dây để diều bay
  • Từ từ đưa diều lên cao

3. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về trò chơi thả diều

  • Đây là một trò chơi thú vị
  • Chúng ta hãy bảo vệ những trò chơi dân gian

Bài làm

Thả diều không chỉ là thú vui của trẻ con mà của nhiều người thuộc các lứa tuổi khác nhau. Một mảng trời mùa hạ sẽ là không gian rộng lớn cho những cánh diều mặc sức vút lên cao. Chỉ mười đến mười lăm nghìn là ta sẽ có một chiếc diều khá đẹp. Nhưng bay bổng lên trời cao bằng chính sự khéo léo của đôi tay mới thật sự là thú vui của người chơi thả diều.

Muốn có một chiếc diều tốt do chính tay mình làm, ta cần có: Tre, phải là tre tươi, dẻo, cứng; Giấy: Tùy thuộc vào kích cỡ diều ta định làm, nhưng cứ chuẩn bị càng nhiều càng tiện; Dây: Nếu là diều to phải có dây to, nếu không sẽ bị đứt dây nửa chừng lúc đang thả diều, dây cũng phải hai ba cuộn mới đủ cho một chiếc diều cỡ thường; Hồ dán; Sáo (chỉ cần khi làm sáo diều to).

Diều có rất nhiều loại: Hình hộp, hình vuông, hình rồng, hình chim, hình người… Nhưng để bay cao và vững chắc là diều quạ. Vì thế ta hãy tự làm cho mình một chiếc diều hình quạ là tốt nhất.

Đầu tiên ta phải làm khung cánh bằng tre nứa. Có lẽ ta nên chuẩn bị hai thanh tre dài 90 cm thì vừa. Ta phải buộc vào thanh tre ở trên, đầu kia là thanh ở dưới sao cho thật thang bằng hai bên cánh. Thanh tre này ta nên để dài khoảng 22, 23cm thì đẹp. Nhưng như thế là chưa đủ, ta phải làm cho hai bên cánh cong lên bằng cách buộc hai đầu vào thanh trục ở giữa (buộc vào trung điểm của thanh trục). Nhưng đững có uốn cong quá kẻo gãy. Thường thì hai cánh sẽ không cong đều như đường tròn và cong tụ lại ở một chỗ, như thế cũng không sao. Thế là ta đã có được đôi cánh của con quạ giấy rồi.

Tiếp theo là phần đầu và đuôi rất đơn giản:

Đầu: Ta chuẩn bị hai thanh tre nhỏ, ngắn khoảng 9-10cm, buộc vào sát cái trục rồi buộc tiếp vào đầu kia thành mũi nhọn.

Đuôi: Cũng là hai thanh tre nhưng dài hơn, khoảng từ 20-30cm, buộc thành hình tam giác. Nhưng một đầu nhọn của tam giác là gắn chặt với thanh trục (ở khoảng 1/3 trục), góc nhọn khoảng 70 độ thì vừa.

Khi đã có khung cả rồi thì ta mới dán giấy. Nếu giấy nhỏ thì ta phải dán từng đoạn của cánh và phải kín. Giấy được phủ lên cánh diều, vuốt một nếp theo đường dây, kéo cho phẳng rồi dán mép giấy vào xung quanh thanh tre. Đầu và đuôi cũng tương tự.

Cuối cùng là phần buộc dây (lèo). Ta phải đục hai lỗ nhỏ trên giấy sát thanh tre ở trên của cánh (hai lỗ nhỏ cân giữa trục, từ trục đến một lỗ khoảng 10-15cm), buộc hai đầu của sợi dây khoảng 3cm vào hai lỗ ta được một phần của lèo. Tiếp theo lấy một đoạn dây khoảng 30cm buộc vào trung điểm của đoạn dây trước, đầu kia buộc vào đuôi của trục. Và đoạn dây nối với cuộn dây của ta sẽ buộc vào đoạn thứ hai ấy, buộc thật chắc nhưng vẫn di chuyển được trên dây thứ hai để chỉnh. Phần chính này khoảng từ 3-5cm (trên đoạn dây thứ hai tính từ phần buộc với dây thứ nhất). Như thế là ta đã có một con quạ giấy rồi.

Trò chơi thả diều sẽ mãi mãi là thú vui của nhiều người trong những ngày hè oi ả. Những ngày gió to, ta đem diều ra ngoài đồng hoặc nơi không bị vướng nhà cửa, dây điện mà đưa diều lên trời cao. Đảm bảo sẽ có những giây phút bình yên cùng một cánh chim và một mảng trời xanh biêng biếc.

Xem thêm các bài Văn mẫu lớp 8, hay khác:

Xem thêm các bài soạn Văn mẫu lớp 8 được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục theo sát chương trình Lớp 8 giúp bạn học tốt hơn.

Bài viết số 1

Bài viết số 2

Bài viết số 3

Bài viết số 5

Bài viết số 6

Bài viết số 7

Đề tham khảo

Lớp 8 | Để học tốt Lớp 8 | Giải bài tập Lớp 8

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 8, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 8 giúp bạn học tốt hơn.