Bài mẫu 1: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt - chiếc nồi cơm điện
Dàn ý
1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về chiếc nồi cơm điện
2. Thân bài:
- Nguồn gốc ra đời chiếc nồi cơm điện
- Giới thiệu các bộ phận của nồi cơm điện
- Miêu tả thiết kế nồi cơm điện theo kiểu mã, chức năng...
- Nguyên lí hoạt động của nồi cơm điện
- Công dụng của nồi cơm điện đối với con người
- Cách bảo quản, giữ gìn nồi cơm điện bền lâu
3. Kết bài. Mối quan hệ của nồi cơm điện đối với người dùng.
Bài làm
Khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, cuộc sống của con người cũng ngày càng hiện đại hơn. Với sự bao phủ của các thiết bị điện tử thông minh, đời sống được cải thiện bởi những phát minh mới. Một trong những phát minh hữu ích cho đời sống sinh hoạt là chiếc nồi cơm điện.
Nồi cơm điện đến với loài người từ đất nước công nghệ phát triển vượt bậc - Nhật Bản. Ý tưởng về việc dùng điện để nấu cơm xuất hiện lần đầu tiên vào những năm giữa thập niên 1920. Khoảng 20 năm sau, một công ty điện tử cho ra đời thành công loại nồi cơm điện làm chín cơm nhờ chuyển năng lượng điện thành năng lượng hơi. Tuy nhiên, chiếc nồi này yêu cầu người dùng phải chú ý theo dõi từ khi bật công tắc nấu cho đến lúc cơm được nấu xong, khá bất tiện. Năm 1956, công ty Toshiba (Nhật Bản) cải tiến và khắc phục nhược điểm đó, cho ra đời một chiếc nồi thuận tiện sử dụng hơn. Theo đó, hơn 700 chiếc nồi cơm điện được đưa ra thị trường và có mặt trong nhà bếp của các bà nội trợ trên toàn thế giới.
Nồi cơm điện bao gồm dây dẫn nguồn nhiệt, vỏ chứa, ruột nồi nấu và thiết bị cảm ứng nhiệt. Dây dẫn dùng để dẫn điện từ nguồn vào nồi. Vỏ nồi cơm điện thường làm bằng nhựa chịu sức nóng tốt, thường có nắp để đậy lại. Trên nắp nồi có một lỗ nhỏ để thoát hơi ra ngoài. Ruột nồi nằm bên trong, thường làm từ kim loại bền, chống dính cao. Trên ruột có các mức nước được kẻ thành vạch, dựa vào đó mà chọn lượng nước phù hợp với gạo để cơm ngon hơn. Thiết bị cảm ứng là thiết bị điện tử, đo nhiệt độ của nồi và kiểm soát nhiệt lượng, báo hiệu tình trạng nồi cơm. Một chiếc nồi hoàn chỉnh sẽ có thêm nhiều phụ kiện khác.
Theo sự phát triển và nhu cầu của từng thời đại mà nồi cơm điện lại được thiết kế theo kiểu mã, chức năng khác nhau. Hiện nay, nhiều loại nồi cơm điện phức tạp được phát minh có nhiều cảm biến hơn và đa chức năng hơn. Những chiếc nồi đơn giản thì có nút bật, chỉ để nấu cơm. Hiện đại hơn, sẽ có cả bảng chức năng cảm ứng, muốn dùng chức năng nào thì chọn nút đó.
Nguyên lí hoạt động của nồi cơm điện khá đơn giản. Để nấu cơm, cho gạo và nước sạch vào ruột nồi trước, chọn nấc cảm ứng nhiệt về vị trí nấu. Trong thời gian nấu, nước và gạo được làm nóng với toàn bộ công suất nhờ một dây dẫn điện tạo ra. Khi đạt đến nhiệt độ 100 °C, nước sẽ chuyển từ lỏng sang dạng hơi, thoát ra theo lỗ thông của vỏ nồi. Nhiệt độ cao tạo ra sẽ nấu chín gạo, đèn báo chuyển chế độ thì kết thúc nấu. Thông thường, sau đó nồi cơm điện sẽ chuyển sang chế độ "hâm nóng" để tiết kiệm năng lượng, giữ cơm đã chin ở nhiệt độ an toàn, tự động ngắt nguồn điện.
Nồi cơm điện đã trở thành vật dụng quen thuộc không thế thiếu trong mỗi gia đình. Nó giúp chúng ta tiết kiệm thời gian đun nấu mà lại có những bát cơm dẻo ngon. Không những thế, nồi cơm điện còn có nhiều chức năng như hấp, nấu cháo, làm bánh, hầm... Chỉ với một chiếc nồi, chúng ta có thể làm bất cứ món gì mình muốn. Nó giống như cầu nối gắn kết cả gia đình với những bữa cơm đàm ấm sum họp.
Trong quá trình sử dụng, cần biết cách để giữ cho nồi bền. Ngay khi đi chọn mua, bạn nên cắm điện thử ngay tại nơi bán, kiểm tra các nút nấu có hoạt động chính xác hay không. Kiểm tra cả trong lẫn ngoài đảm báo nồi không bị trầy xước bên ngoài và ruột men bên trong tráng chống dính không bị bong tróc. Trước khi cho ruột vào nấu, nên lau khô mặt ngoài của ruột nồi. Thường xuyên lau chùi, giữ cho lỗ thông hơi trên vỏ sạch sẽ, thoáng. Không mở nắp quá nhiều khi nồi đang nấu để tiết kiệm điện. Ngoài ra, không nên để cơm chín quá 12 giờ mà không dùng, không rút điện gây hại cho nguồn điện. Thường xuyên lau chùi vỏ nồi và vệ sinh ruột nồi đúng cách để bảo vệ lớp men chống dính. Sử dụng đúng chức năng có ở nồi. Nếu nồi chỉ dùng để nấu cơm, không xào nấu để giữ tuổi thọ của nồi. Chiếc nồi cơm điện có sử dụng tốt được lâu hay không là nhờ vào cách bảo quản của người dùng.
Với sự phát triển tốc độ của kỹ thuật số, giống như nhiều thiết bị, vật dụng khác, nồi cơm điện cũng được cải tiến từng ngày. Nồi cơm điện đi vào đời sống sinh hoạt, có mặt ở khắp thế giới và trở thành một phần trong cuộc sống của con người.
Bài mẫu 2: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt - chiếc bút chì
Dàn ý
1. Mở bài: Giới thiệu đồ dùng học tập thân quen đối với em - chiếc bút chì
2. Thân bài:
- Miêu tả hình dáng, màu sắc chiêc bút chì
- Giới thiệu các bộ phận của chiếc bút chì
- Công dụng của bút chì đối với các bạn học sinh và đối với mọi người
- Cách sử dụng và bảo quản chiếc bút chì
3. Kết bài:
- Chiếc bút chì là dụng cụ không thể thiếu đối với bất kì thế hệ học sinh
- Những nét vẽ đơn sơ nguệch ngoạc của bút chì sẽ là sự khởi nguồn, nền móng của một nền tảng tri thức
Bài làm
Trong đời sống học tập hàng ngày có vô số những dụng cụ đã gắn bó với chúng ta thậm chí nó còn trở thành những người bạn đồng hành không thể thiếu. Song được nhiều bạn nhỏ yêu mến nhất, cũng gắn bó với ta nhiều nhất từ lúc mới tập viết chữ đến khi trưởng thành có lẽ chính là cây bút chì thân yêu.
Nhắc đến bút chì chắc không ai còn xa lạ nữa. Nó đã xuất hiện từ rất lâu trong cuộc sống mỗi người. Từ thưở khai sinh ra chữ viết ông cha ta đã biết dùng mực tàu, dùng than nghiền nát trộn lẫn nước để tạo nên nét chữ.
Và đến hôm nay khi nhân loại đổi thay hàng loạt những phát minh hiện đại ra đời thì bút chì vẫn là một vật dụng không thể thay thế thậm chí nó còn được kế thừa và cải biến đi cho phù hợp hơn với đời sống.
Ngày xưa khi còn đi học chắc ai cũng đã từng cầm chiếc bút chì trên tay, vỏ gỗ to thô sơ vẫn chưa được bào mòn bên trong là ruột than nhỏ. Cây bút chì nếu không được biết trước chúng ta còn tưởng nó là một cây gỗ nào đó. Mỗi lần dùng hết chì lại phải dùng dao để gọt cho đầu chì hiện ra để viết tiếp.
Trải qua bao nhiêu năm bao nhiêu thế hệ học trò qua đi chiếc bút chì đã có những cải biến nhất định về hình dáng cũng như cách sử dụng vừa giúp học sinh tiết kiệm thời gian lại vừa sạch sẽ và không mất nhiều công sức. Vẫn là những chiếc vỏ gỗ dài khoảng 15 -20cm bút chì đã được tạo hình rất đẹp mắt, thon gọn. Cầm vô cùng chắc tay, và đi liền với nó không còn phải dùng dao vót chì nữa mà đã có cả một dụng cụ chuyên dụng để gọt chì.
Hiện nay cũng có rất nhiều loại bút chì hiện đại ra đời như bút chì kim, bút chì bấm… với những chất liệu khác nhau như kim loại, nhựa…. tuy nhiên dù có đổi thay như thế nào thì nó cũng không biến đổi về kĩ thuật.
Những nét bút chì gắn bó với chúng ta từ thưở mẹ mới cầm tay tập viết những nét bút chì đậm nhạt, nét vuông nét tròn đã gắn liền với cả tuổi thơ của chúng ta. Không giống với những chiếc bút bi viết xong không thể xóa đi, những nét bút từ chiếc bút chì bạn có thể xóa đi một cách dễ dàng. Chính vì vậy mà những đứa trẻ khi mới tập viết hoặc bắt đầu học chữ đều sử dụng loại bút hữu dụng này. Bạn đừng nghĩ rằng chỉ dùng nó khi đã học xong chữ viết thành thao rồi thôi mà nó còn găn bó với bạn trong rất nhiều những nấc thang quan trọng của cuộc đời. Cuộc thi đại học cam go với những bài trắc nghiệm cần tô tròn đều phụ thuộc chủ yếu vào nét bút chì nó giúp bạn chinh phục cả một đỉnh vinh quang trong cuộc đời mỗi người.
Rồi khi lớn nên có thể bạn theo nghiệp cầm phấn, có thể trở thành một kĩ sư xây dựng hay một họa sĩ thì việc gắn bó với cây bút chì càng trở nên gần gũi và thân thuộc hơn. Bạn có biết những ngôi nhà cao tầng kia xuất phát từ đâu không? Bạn có biết những bức tranh những tác phẩm kiệt xuất giá hàng triệu đô la xuất phát từ đâu không? Nó cũng được phác thảo nên từ chính những mẩu bút chì thân quen và giản dị. Hiện nay trên thị trường các nhà sản xuất đã in dấu đậm nhạt phân chia theo từng loại bút với những công dụng khác nhau cho người dùng thoải mái lựa chọn. Đó là loại bút chì 1B, bút chì 2B, bút chì 3B….Ngoài ra nó còn là những món quà ý nghĩa để chúng ta dành tặng cho bạn bè, tuy không phải quý giá về vật chất song nó mang ý nghĩa tinh thần lớn lao. Gửi gắm những tâm tư, nỗi niềm những mong mỏi của người tặng dành cho người nhận. Từ cây viết này sẽ có thêm thật nhiều thật nhiều những giá trị vật chất tinh thần được tạo nên để làm đẹp cho đời.
Giá thành của những chiếc bút chì này rất rẻ thậm chí nó còn được sử dụng trong một thời gian rất dài và rất bền. Thế nhưng dường như có những bạn trẻ lại không biết nâng niu quý trọng nó. Thường bẻ gãy hoặc dùng một lần rồi vứt đi một cách vội vàng. Tại sao chúng ta lại không biết trân trọng nó? Trân trọng những thứ đã gắn với cả một tuổi thơ đầy biến động của mỗi người?
Chiếc bút chì - tôi nghĩ rằng dù có là bây giờ thậm chí là đến vài chục năm nữa thì nó vẫn sẽ là một trong những dụng cụ không thể thiếu đối với bất kì thế hệ học sinh nào. Chính từ những nét vẽ đơn sơ nguệch ngoạc này sẽ là sự khởi nguồn, nền móng của một nền tảng tri thức và những giá trị tinh thần bất diệt.
Bài mẫu 3: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt - chiếc xe đạp
Dàn ý
1. Mở bài: Giới thiệu đồ dùng thân quen trong học tập cũng như trong sinh hoạt - chiếc xe đạp
2. Thân bài:
- Nguồn gốc ra đời của chiếc xe đạp
- Các bộ phận cấu tạo nên một chiếc xe đạp: khung xe, bàn đạp, trục giữa, ổ bi giữa, dây xích, đĩa, ổ líp...
- Hệ thống điều khiển gồm ghi đông, ổ bi...
- Hệ thống chuyên chở gồm yên xe và giàn đèo hàng hoặc giỏ đựng...
- Công dụng của chiếc xe đạp đối với học sinh nói riêng và mọi người nói chung
3. Kết luận:
- Xe đạp là một phát minh vĩ đại trong lịch sử
- Xe đạp vẫn là phương tiện quen thuộc của nhiều người, nhất là học sinh
Bài làm
Cuộc sống ngày càng hiện đại hơn. Những cuộc cách mạng khoa học đã từng bước nâng đời sống con người lên tầm cao mới. Một trong những phát minh vĩ đại không thể không nhắc tới của toàn nhân loại là xe đạp. Đó là phương tiện quen thuộc trong giao thông.
Chiếc xe đạp đầu tiên ra mắt năm 1817 bởi Baron von. Chiếc xe này phải dùng đến lực của hai bàn chân chứ không có bánh như ngày nay. Bánh xe ở đằng trước rất to có tác dụng giúp việc dừng lại dễ dàng hơn. Đến năm 1879, môt người nước Anh đã sáng tạo ra xích để truyền lực cho bánh sau giúp xe lăn bánh. Năm 1885, J.KSartley cải tiến hai bánh xe cùng kích cỡ và thêm khung xe thép. Năm 1887 Jonh Boys Dunlop tiếp tục cải tiến bánh xe bằng cách thêm ống hơi cho cao su vào bánh để xe chạy êm hơn. Sau đó, người ta còn khiến cho bánh xe có thể tháo lắp linh hoạt. Năm 1920 xe đạp sử dụng hợp kim nhẹ, xe nhẹ đi đáng kể. Qua thời gian, người ta dần cải tiến xe đạp và cho ra nhiều chức năng, lợi thế hơn. Hiện nay xe đạp có mặt trên thi trường với đa dạng mẫu mã, mục đích sử dụng và kích thước như: xe thiết kế cho phụ nữ, đàn ông, trẻ con, xe đua, xe leo núi...
Xe đạp được cấu tạo bởi nhiều bộ phận. Quan trọng là hệ thống truyền động, hệ thống điều khiển và hệ thống chuyên chở. Hệ thống truyền động gồm khung xe, bàn đạp, trục giữa, ổ bi giữa, dây xích, đĩa, ổ líp, hai trục, ổ bi và hai bánh trước sau. Khi đi, ta ngồi lên xe, chân đạp bàn đạp làm trục xe chuyển động, đĩa chuyển động theo kéo dây xích làm ổ líp và bánh sau chuyển động, tạo lực đẩy để xe tiến về phía trước. Đĩa răng cưa có đường kính lớn và nhiều răng cưa. Ổ líp chuyển động 2 vòng thì đĩa mới chuyển động một vòng. Bánh xe hình tròn, có nhiều thanh sắt được ghép chụm lại ở tâm bánh gọi là vành. Đường kính bánh xe được thiết kế tùy theo đối tượng, mục đích sử dụng nhưng lơn gấp nhiều lần ổ líp. Ban đầu, bánh xe chỉ làm bằng gỗ, khi chạy xe bị xóc. Dần dần người ta dùng cao su, lốp ở ngoài, săm ở trong, khi bơm đủ hơi, có lực đàn hồi, xe giảm xóc.
Hệ thống điều khiển gồm ghi đông có hai tay cầm xoay đủ 180 độ trái phái, có ổ bi, nhờ vậy xe được lái đi theo ý muốn dễ dàng. Phanh xe gồm tay phanh, giây phanh lắp ở hai đầu tay cầm, điều khiển tốc độ nhanh chậm. Ghi đông vừa là tay lái, vừa giúp người lái giữ thăng bằng.
Hệ thống chuyên chở gồm yên xe và giàn đèo hàng hoặc giỏ đựng. Yên xe lắp ở trên khung xe thường bọc da, là chỗ ngồi của người đi xe. Dàn đèo hàng lắp ở phía sau yên, dựa trên trục bánh xe sau, kích thước đa dạng. Cũng có chiếc xe lắp bộ phận này ở phía trước, dựa trên trục bánh xe trước.
Ngoài các bộ phận chính như trên, xe đạp còn có cái chắn xích và hai chắn bùn, chuông báo ở tay cầm để xin đường, đèn lắp ở bánh xe. Khi trời tối, đạp xe tạo ra nhiệt, nhiệt chuyển hóa thành điện năng làm đèn sáng có tác dụng soi đường. Xe đạp có thể lắp giỏi hoặc không. Giỏ xe được làm bằng nhiều chất liệu, màu sắc phong phú dùng đựng hoặc tăng vẻ đẹp cho xe.
Xe đạp là phương tiện giao thông quen thuộc mà mọi người ưa chuộng. Xe đạp dễ sử dụng , giá thành không đắt đỏ, chỉ cần vài lần tập luyện là có thể điều khiển được. Tốc độ không cao nhưng an toàn, lại sử dụng sức người nên vừa có tác dụng giảm ô nhiễm môi trường vừa giúp con người rèn luyện sức khỏe. Trong thi đấu thể thao, đua xe đạp là bộ môn nhận được đông đảo sự quan tâm. Xe đạp cũng là sự lựa chọn lý tưởng khi đến các công viên, ta có thể vừa cùng nhau đạp xe vừa hít thở không khí trong lành. Đối với Việt Nam, xe đạp còn có ý nghĩa trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đó là phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực chính của chúng ta, góp phần không nhỏ vào chiến thắng dân tộc. Ngày nay chiếc xe đạp đã trở thành phương tiện thuận lợi cho mọi tầng lớp trong xã hội.
Khoa học kỹ thuật phát triển cho ra đời nhiều phương tiện hiện đại hơn. Nhưng xe đạp vẫn là sự lựa chọn quen thuộc của nhiều người. Đó thực sự là một phát minh vĩ đại trong lịch sử nhân loại.