D. Hoạt động vận dụng
1. Thực hiện thí nghiệm
Pha một ít nước mực xanh loãng rồi đổ vào hai cốc thủy tinh như nhau, đáy trong suốt. Một cốc đổ rất ít, một cốc đổ khá đầy. Đặt hai cốc lên mặt bàn có trải khăn trắng.
a, Mô tả màu của nước trong mỗi cốc khi:
- Nhìn theo phương ngang thành cốc.
- Nhìn theo phương thẳng góc với mặt nước.
b, Tiến hành thí nghiệm.
c, Giải thích kết quả thí nghiệm.
Bài Làm:
Nếu nhìn theo phương ngang của thành cốc thì thấy nước trong hai cốc xanh như nhau. Nếu nhìn theo phương thẳng đứng thì ta sẽ thấy nước ở trong chiếc cốc đầy sẽ xanh hơn nước ở trong chiếc cốc vơi.
Ta giải thích hiện tượng này như sau. Mỗi lớp nước màu coi như một tấm lọc màu, ánh sáng truyền qua lớp nước màu càng dày thì coi như truyền qua một tấm lọc màu dày, nên màu của nó càng thẫm.
Nếu nhìn theo phương ngang thì lớp nước màu mà ánh sáng truyền qua trong hai cốc là như nhau và ta thấy trong hai cốc xanh như nhau.
Nếu nhìn theo phương thẳng đứng thì ánh sáng truyền từ trên xuống, gặp khăn trắng, bị tán xạ trở lại qua lớp nước rồi vào mắt coi như truyền qua một lớp nước màu có bề dày dày hơn nhiều bề dày lớp nước trong cốc ít. Do đó, ở cốc đầy nước thì ánh sáng phải truyền qua một lớp nước dày, nên nó có màu thẫm. Ở cốc vơi thì ánh sáng truyền qua lớp nước mỏng hơn nhiều, nên màu của nó nhạt.