Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha của ông là một nhà nho đức độ, không có duyên với nghiệp thi cử nên ông về quê mở lớp dạy học. Vốn là một nhà nho nên ông dạy dỗ con cái rất nghiêm cẩn, cả trong gia đình, học hành lẫn lối sống, cách ứng xử. Những câu chuyện về tướng quân Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương của mẹ, sự nghiêm khắc, cẩn trọng trong dạy dỗ của cha cùng với tình cảnh túng quẫn của gia đình đã gieo vào trong tâm hồn của cậu bé Giáp ý chí cách mạng để rồi chính cậu bé ấy sau này trở thành vị đại tướng lỗi lạc không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn của cả nhân loại.
Suốt thời niên thiếu, tướng Giáp đã tích cực tham gia các cuộc bãi khóa, biểu tình để đấu tranh đòi quyền lợi cho con người. Dù sau đó, ông bị đuổi học song điều ấy không đủ để ngăn Võ Nguyên Giáp dấn thân vào con đường cách mạng. Đặc biệt, khi ông đọc được bài phát biểu của Nguyễn Ái Quốc trong cuộc họp của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Bài viết ấy giống như “một luồng điện giật” khơi dậy ý chí chiến đấu và lòng căm thù giặc sâu sắc của người thanh niên ấy. Và đó cũng là sợi dây đầu tiên nối liền số mệnh của Võ Nguyên Giáp với Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau này là cả sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Là một học trò xuất sắc và thân cận nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã sớm tiếp thu được tinh hoa tư tưởng của Người kết hợp với những kinh nghiệm được đúc rút từ chiến thuật quân sự của tổ tiên, từ Ngô Quyền đến Trần Hưng Đạo, những danh tướng lẫy lừng trên thế giới đặc biệt là tướng Napoleon, Võ Nguyên Giáp đã xây dựng nên nghệ thuật quân sự của riêng ông. Đó là tiến hành cuộc “chiến tranh nhân dân”. Ngay từ trong tư tưởng của tướng Giáp, nhân dân chính là yếu tố cốt lõi để làm nên mọi thứ và quả thực, suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, tướng Giáp đã làm đúng như những gì ông nói: “Trong chiến tranh chỉ có hai yếu tố - con người và vũ khí. Dù vậy, cuối cùng con người vẫn là nhân tố quyết định. Con người! Con người!”
Chưa từng được học qua một trường lớp quân sự nào trước đó, nhưng những gì mà tướng Giáp đã thể hiện trên chiến trường với tiên cảm chính trị xuất sắc, tài nghệ chỉ huy xuất chúng, ông đã trở thành huyền thoại trong làng quân sự thế giới. Ông trở thành nỗi khiếp sợ của những viên tướng lừng danh của cả Pháp và Mĩ lúc bấy giờ khi làm thất bại gần như toàn bộ các kế hoạch mà chúng đề ra. Trong cuộc chiến không khoan nhược với kẻ thù, tướng Giáp luôn cứng rắn, mạnh mẽ, quyết đoán đưa ra những chỉ thị chính xác để đảm bảo lực lượng của ta không bị tổn thất quá nhiều và khả năng thắng của ta là cao nhất. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử trên thế giới coi tướng Giáp là người lạnh lùng, để đạt được mục đích thì bất chấp cả tính mạng con người và vì thế nên ông không thể được coi là một vị Đại tướng được. Trước những lời nói ấy, tướng Giáp đã từng trả lời rất thẳng thắn: “Người phương Đông chúng tôi khác người phương Tây các ông. Chúng tôi đặt sự tồn vong của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Mỗi phút có trăm hàng ngàn người chết trên trái đất này. Sự sống hoặc cái chết của hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn con người, đối với đồng bào của chúng tôi, cũng là không đáng kể (đối với sự nghiệp giành độc lập dân tộc)”
Võ Nguyên Giáp được phong lên quân hàm Đại tướng vào ngày 20 tháng 1 năm 1948, trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam, là vị đại tướng trẻ nhất (ông được phong hàm khi mới chỉ 37 tuổi), hiển hách nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam. Trong suốt cả sự nghiệp quân sự của mình, tướng Giáp đã đánh bại tất thảy 11 đại tướng của cả Pháp và Mĩ với 7 đại tướng cao cấp của Pháp và 4 tổng tư lệnh của Mĩ. Đặc biệt, các quyết định của Đại tướng trong hai cuộc chiến đấu chống Pháp và Mĩ, là những quyết định mang đậm dấu ấn lịch sử, làm thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp đã quyết đoán thay đổi phương châm trận đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chính sự thay đổi chiến thuật này đã khiến cho trận đánh Điện Biên Phủ trở thành trận chiến có tính quyết định nhất trong cuộc chiến tranh chống Pháp lần hai của nhân dân Việt Nam, tạo ra sự thau đổi trong cục diện của cuộc chiến, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và kí hiệp định Giơ-ne-vơ. Điện Biên Phủ cũng trở thành trận đánh “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”, là phát súng lệnh mở đầu cho một cuộc nổi dậy liên tiếp của những nước thuộc địa như Việt Nam. Nó trở thành trận đánh mang tính quyết định nhất mọi thời đại và ghi tên Võ Nguyên Giáp vào sử sách.
Trong trận quyết chiến với đế quốc Mĩ năm 1975, tướng Giáp đã ra một mệnh lệnh mang tính lịch sử, mà mãi cho đến sau này, những người lính dưới trướng của ông vẫn thấy hừng hực khí thế dù đã qua bao nhiêu năm sau cuộc chiến khốc liệt ấy. Mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và quyết thắng” đã trở thành sức mạnh tinh thần phi thường để rút ngắn thời gian giải phóng miền Nam từ 2 năm xuống 1 năm và cuối cùng chỉ trong 56 ngày đêm, quân và dân ta đã giành lại được miền Nam.
Sau này khi giải phóng, trong một cuộc giao lưu với thế hệ trẻ tại Nhà hát lớn Hà Nội, tướng Giáp đã nói đầy xúc động: “Thế hệ cha anh đã xóa được nỗi nhục mất nước, thế hệ trẻ cần phải xóa đi nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu”.
Vào một ngày trời trở lạnh, ngày 4 tháng 10 năm 2013, nhân dân cả nước đã bàng hoàng đón nhận tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện 108. Sự ra vĩnh viễn của Đại tướng là sự mất mát to lớn, là tổn thất không gì có thể bù đắp được đối với nhân dân Việt Nam nói riêng, với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung. Suốt một tuần lễ, cả nước để quốc tang để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc, vị Đại tướng đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Đã từ lâu lắm rồi, nhân dân Việt Nam mới được trải nghiệm tâm trạng xúc động, đau đớn như thế, từ sau khi Bác Hồ mất. Hàng ngàn người Hà Nội đã xếp hàng trước nhà để được vào viếng Đại tướng. Những người con từ khắp mọi miền của Tổ quốc cũng về đây, chỉ để được tiễn đưa linh cữu của con người vĩ đại về với đất mẹ. Vẫn biết quy luật của đời người là thế, sinh-lão-bệnh-tử, ai mà không phải trải qua nhưng cũng như Viễn Phương khi viếng lăng Bác vậy, biết là thế nhưng trong lòng nhói đau khi nghi đến Người. Đại tướng được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, nằm cách đèo Ngang khoảng 4 km, theo di nguyện của Đại tướng và gia đình.
Không chỉ người Quảng Bình mà bất kể ai là đồng bào Việt Nam đều tự hào, ngưỡng mộ, kính trọng và dành những tình cảm cao đẹp nhất cho tướng Giáp - một người con của dải đất hình chữ S. Tướng Giáp đã sống trọn cuộc đời mình với non sông, đất nước, đến cả hơi thở cuối cùng. Xin mượn hai câu thơ dưới đây thay cho lời kết, như một cách để nghiêng mình trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
“Văn lo vận nước Văn thành Võ
Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”