Cách Hà Nội khoảng 100km về phía Nam, Nam Định là mảnh đất còn lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa có giá trị đã tồn tại từ lâu đời. Có nhiều điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi nên ngay từ thời cổ đại cho đến giờ, mảnh đất Thành Nam luôn là một trong những tỉnh thành phố có nền kinh tế phát triển hàng đầu miền Bắc, chỉ sau Hà Nội và Hải Phòng.
Nam Định nói nhỏ cũng không nhỏ mà nói lớn cũng chưa hẳn đã đúng. Nhưng thành phố Nam Định của tôi chỉ cần đi một vòng trong buổi chiều là hết. Sự hiện đại đang len lỏi trong hơi thở của cuộc sống hàng ngày ở thành phố này, song nếu tinh ý ta sẽ phát hiện ra, Nam Định vẫn còn giữ được nét cổ kính, màu sắc và phong vị xưa cũ của người Thành Nam. Nếu Hà Nội xưa có 36 phố phường thì thành phố Nam Định cũng nổi tiếng và có tới 40 con phố cổ. Kể cũng lạ, xưa người ta đặt tên cho con phố, cho con người cũng đơn giản như cách mà họ sống với nhau vậy. Phố cổ xưa là phố của dân buôn bán, nên phố bán gì thì đặt tên ấy: Phố Hàng Mâm, phố Hàng Mã, phố hàng Vàng, phố hàng Bạc,...Những con phố cổ cứ nối tiếp nhau, năm giữa dòng sông Vị Hoàng và hai mặt tường thành phía Đông và phía Nam. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, thành phố Nam Định có 35/38 phố Hàng, 4 phố Bến, 4 phố Cửa trong các phố. Ngay từ thế kỉ XIII, Nam Định đã trở thành trung tâm Đô thị lớn thứ hai của cả nước, ngay khi nhà Trần thành lập thành phố này. Suốt thời gian sau đó tới thời Pháp thuộc, thành phố liên tục thay đổi diện mạo và phát triển không ngừng, được mệnh danh là “Thành phố Dệt”.
Phố cổ - Nam Định
Là mảnh đất địa linh nhân kiệt, Nam Định là một tỉnh có bề dày văn hóa và có truyền thống hiếu học. Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (là trường Thành Chung Nam Định xưa) là một trong những ngôi trường có lịch sử gần 100 năm xây dựng và phát triển với biết bao thế hệ học sinh đã và đang thành công trên tất cả mọi lĩnh vực. Người Nam Định còn gọi trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bằng một cái tên thân thương, gần gũi hơn “trường Lê”, cũng là để phân biệt với ngôi trường cùng tên ở TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, ở Nam Định cũng có những ngôi trường rất nổi tiếng, gắn liền với kí ức của mỗi người: trường THPT Giao Thủy A, Hải Hậu A, Xuân Trường A....Những ngôi trường ấy không chỉ nằm trong top những ngôi trường có kết quả giáo dục cao nhất cả nước mà ngay cả kiến trúc của chúng cũng rất đặc biệt: vừa mang hơi hướng hiện đại nhưng vẫn phảng phất được nét cổ kính, xưa cũ.
Về với Nam Định mùa lễ hội, tức là khoảng từ tháng Giêng đến tháng hai âm lịch, ta sẽ được sống trong không khí hào hùng, hứng khởi thời nhà Trần trong quá khứ. Lễ hội khai ấn Đền Trần diễn ra vào đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tế kễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của nhà Trần. Cũng nhờ thế mà lễ hội diễn ra với hào khí Đông Á như một cách để tưởng nhớ tới công lao to lớn của nhà Trần với nhân dân với 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông - đạo quân xâm lược bách chiến bách thắng, là nỗi khiếp sợ của các quốc gia lúc bấy giờ. Ngoài ra, còn có hội Chợ Viềng ở huyện Vụ Bản vào đêm mồng 7 rạng sáng mồng 8 tháng Giêng âm lịch. Đây là lễ hội mùa mới, người ta đi hội mua nông cụ, mua cây cỏ với hi vọng một năm mới với vụ mùa bội thu, mưa thuận gió hòa, ấm no hạnh phúc.
Cổng chính đền Trần - Nam Định
Nam Định cũng là mảnh đất sinh ra những con người mà chỉ cần nhắc đến tên người ta cũng thấy cả một cuộc đời hào hùng của họ. Dưới thời nhà Trần, thời đại phong kiến kéo dài và hùng mạnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là cái tên gây nên nỗi khiếp sợ cho kẻ thù xâm lược bởi chính ông là người đã tham gia chỉ huy 2 trận đánh chống quân Nguyên Mông, cũng vì thế mà ông được vinh danh là một trong 10 vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Gần hơn với cuộc sống hiện đại, Nam Định có những chính khách nổi tiếng như cố tổng bí thư Trường Chinh, cố vấn Trung Ương Đảng Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch,...
Sẽ thật thiếu sót nếu như ta không nhắc tới những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của mảnh đất Thành Nam. Ta bắt gặp tuổi thơ cay đắng, ngậm ngùi của chú bé Hồng - cuốn hồi kí đẫm nước mắt về thời thơ ấu cơ cực, tủi nhục của chính tác giả Nguyên Hồng, mà không khỏi thương cảm cho những đứa trẻ sinh ra mà không nhân được sự yêu thương từ gia đình của mình. Ta cũng ngây ngất trong những vẫn thơ tình chân chất, bình dị của nhà thơ quê mùa Nguyễn Bính.Ta cũng cảm nhận được sự lạc lõng, căm phẫn của Trần Tế Xương với chế độ thực dân phong kiến thối nát qua những vần thơ trào lộng, mỉa mai, châm biếm.Hay những vần bài thơ mang đậm màu sắc của vùng nông thôn Bắc Bộ trong thơ Nguyễn Khuyến.
Người xưa nói:
“Yêu nhau yêu cả đường đi
Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”
Không hiểu vì lí do gì mà người Nam Định trở nên đặc biệt trong mắt của nhiều người: yêu thì yêu hết mực mà ghét thì ghét đến không muốn nhắc tới. Có lẽ là bởi con người Nam Định mang tất cả những phẩm chất của dân cả nước: nét thâm trầm, lãng mạn của dân Hà Thành; máu ngang tàng, khí khái của dân Hải Phòng; sự ranh mãnh của dân Thái Bình; thói khôn vặt của dân Thanh Hóa; kiểu nho nhã lõi đời của dân Hải Dương; chút lả lơi, đưa đẩy của liền anh liền chị Kinh Bắc; sự phóng khoáng, sôi nổi của dân Sài Gòn; óc khôi hài, hóm hỉnh của dân xứ Nghệ và cả cái trầm trầm, nhẹ nhàng rất Huế. Chừng ấy cũng đủ để khiến người ta nhắc đến người Nam Định như những con người kì lạ và thú vị mà chỉ cần gặp một lần cũng khó có thể nào quên. Có người đã đi xa gần 30 năm mà ta vẫn còn da diết nhớ, có người cách tới nửa vòng trái đất mà vẫn cảm giác thân thiết, gần gũi như đang còn ngay ở bên cạnh. Hẳn là vì người Nam Định đặc biệt quá mà người ta cũng tò mò về mảnh đất mà họ đã sinh ra và lớn lên. Càng tò mò càng tìm hiểu, càng hiểu lai càng yêu, và lúc giật mình nhìn lại không biết mình đã yêu mảnh đất Thành Nam này từ bao giờ rồi....