I. TÌM HIỂU CHUNG
1. Bối cảnh lịch sử văn hóa, xã hội với việc đọc hiểu tác phẩm văn học
- Đọc hiểu tác phẩm văn học luôn gắn liền với việc vận dụng kiến thức về hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội.
- Hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội thời kì nhà văn sống với những sự kiện, các mối quan hệ xã hội, sinh hoạt văn hóa đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới sáng tác của nhà văn và được phản ánh một cách sâu sắc trong các tác phẩm của họ.
- Nhiều vấn đề trong tác phẩm văn học chỉ có thể cắt nghĩa được khi vận dụng các tri thức về hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội vào việc đọc hiểu tác phẩm đó.
2. Hoàn cảnh lịch sử thời đại Nguyễn Trãi
- Thời đại đại đau thương và quật khởi:
+ Đau thương: bởi sau hơn bốn thế kỉ độc lập, tự chủ (từ năm 938 đến 1407), dân tộc ta lại rơi vào thảm hoạ mất nước, chịu sự thống trị tàn bạo của giặc Minh xâm lược.
+ Quật khởi: bởi đây là giai đoạn truyền thống yêu nước, anh hùng được trỗi dậy và phát huy mạnh mẽ, mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - cuộc khởi nghĩa gian khổ bậc nhất, thắng lợi huy hoàng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam trước năm 1945.
- Nguyễn Trãi là người sống hết mình với thời đại, có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và sự nghiệp xây dựng đất nước sau khi dân tộc giành lại quyền độc lập, tự chủ.
3. Đọc văn bản
- Thể loại: văn bản nghị luận.
- Bố cục: 2 phần
+ Phần 1: Người anh hùng dân tộc
-
Giới thiệu quê hương, gia đình và cuộc đời Nguyễn Trãi, giới thiệu sự nghiệp chính trị, quân sự, ngoại giao của ông.
+ Phần 2: Nhà văn hóa – nhà văn kiệt xuất
- Giới thiệu những đóng góp về văn hóa hết sức quan trọng của Nguyễn Trãi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho việc phục hồi và xây dựng mới nền văn hóa Đại Việt đã bị kẻ thù xâm lược hủy hoại.
- Giới thiệu Nguyễn Trãi với tư cách của một nhà văn, nhà thơ, người có những đóng góp hết sức quan trọng cho sự nghiệp phát triển văn học dân tộc. Trong đó, việc xây dựng cơ sở cho một nền văn học mới là đóng góp to lớn của ông.
II. TÌM HIỂU CHI TIẾT
1. Người anh hùng dân tộc
a. Trước và trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
- Nhà Trần suy yếu, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần tiến hành xây dựng lại thể chế.
- Nhà Minh xâm lược và thống trị Đại Việt, thực hiện chế độ đàn áp, bóc lột dã man, huỷ hoại triệt để nền văn hóa Đại Việt.
- Các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh đều thất bại.
- Lê Lợi lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, đánh quân Minh, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nguyễn Trãi có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
+ Cuộc đời Nguyễn Trãi luôn gắn bó với số phận của dân tộc; có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
+ Thơ văn Nguyễn Trãi luôn là vũ khí lợi hại góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc trước quân Minh xâm lược.
b. Sau khởi nghĩa Lam Sơn
- Yêu cầu xây dựng một chính quyền vững mạnh, một quốc gia hùng cường.
- Xây dựng một nền văn hoá dân tộc độc lập, từng bước) khôi phục lại bộ phận văn hoá đã bị kẻ thù xâm lược huỳ hoại, tiếp thu tinh hoa của văn hoá khu vực. Trong đó, việc xây dựng nền móng cho một nền văn học mới là quan trọng.
c. Những sự kiện và dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Nguyễn Trãi có ảnh hưởng đến sự nghiệp văn học của ông
- Trước khi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.
- Trong thời gian tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.
+ Thơ văn Nguyễn Trãi luôn là vũ khí lợi hại góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc trước quân Minh xâm lược
+ Ông giúp Lê Lợi xây dựng một đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, nhân đạo, thực hiện phương thức “công tâm”; các bức thư của ông “có sức mạnh hơn mười vạn quân" làm tan rã tinh thần kẻ địch, giúp cuộc kháng chiến nhanh chóng thắng lợi.
+ Các tác phẩm của Nguyễn Trãi đã phản ánh cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc.
+ Thời kì xây dựng đất nước và bi kịch của Nguyễn Trãi.
+ Trong thời kì xây dựng đất nước, Nguyễn Trãi đã có lúc đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong triều đình. Thơ văn của ông luôn thể hiện những khát vọng lớn lao với mong muốn xây dựng một xã hội “vua sáng, tôi hiền", người dân được ấm no, hạnh phúc, đất nước luôn phồn vinh, giàu đẹp.
+ Các tác phẩm của ông là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền văn hoá, văn học mới.
2. Nhà văn hóa, nhà văn kiệt xuất
a. Nhà văn hóa kiệt xuất
- Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi xây dựng đường lối chính trị, quân sự đúng đắn khi tham gia khởi nghĩa lam Sơn.
- Khi kháng chiến chống giặc Minh sắp sửa kết thúc, ông đã giúp Lê Lợi:
+ Cho mở kì thi, lựa chọn nhân tài để phục vụ cho công cuộc kiến thiết đất nước lâu dài.
+ Nguyễn Trãi chủ trương xây dựng thể chế chính trị thân dân vững mạnh, kết hợp truyền thống dân chủ, đoàn kết của dân tộc và những mặt tích cực của Nho giáo.
+ Nguyễn Trãi có những kế hoạch mới mẻ về việc xây dựng hình luật, âm nhạc, khoa cử, tiến hành các quy chế về lễ nghi, nội trị, biên soạn sách vở,...
-> Dù đương thời chưa thực hiện được trọn vẹn mong muốn của ông, nhưng đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước.
b. Một nhà văn kiệt xuất
- Ông để lại một di sản to lớn trên nhiều lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, quân sự, lịch sử, địa lí, văn học… với nhiều tác phẩm có giá trị.
- Các tác phẩm được sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm (Quốc âm thi tập).
* Về nội dung:
- Thơ văn Nguyễn Trãi thấm nhuần tư tưởng yêu nước, nhân nghĩa vì dân, đề cao vai trò của người dân, cùng với niềm suy tư thế sự và tình yêu thiên nhiên, đất nước. Đó là một con người luôn gắn yêu nước với thương dân, biết ơn người dân.
- Thơ văn Nguyễn Trãi phản ánh bức chân dung con người Nguyễn Trãi với vẻ đẹp của sự hài hoà giữa một vĩ nhân và một con người hết sức đời thường. Đó là:
+ Một người con hiếu thảo, một người bạn chân tình.
+ Một người gắn bó với quê hương, đất nước, ông sống hết mình vì lợi ích của dân tộc cả trong cuộc kháng chiến chống quân Minh và trong thời bình khi nhiệm vụ xây dựng đất nước được đặt ra cấp thiết.
+ Luôn nâng niu, giữ gìn vẻ đẹp của thiên nhiên, yêu thiên nhiên, sống chan hoà cùng tạo vật.
- Nguyễn Trãi yêu tình yêu của con người và cũng đau nỗi đau của con người. Thơ ông chứa đựng nhiều chiêm nghiệm về thói đen bạc của lòng người. Tuy nhiên, cần thấy rằng Nguyễn Trãi đau khi thấy con người chưa hoàn thiện là để mong ước về sự hoàn mĩ của con người.
-> là biểu hiện tình yêu người sâu sắc, tha thiết của Ức Trai.
* Về nghệ thuật:
- Thơ văn Nguyễn Trãi là sự kết tinh của nhiều thế kỉ văn học: ông có công lớn trong việc hoàn thiện, phát triển, khơi đầu nhiều thể loại văn học.
- Ông là một nhà văn chính luận xuất sắc; đưa thể văn nghị luận ở giai đoạn này đạt đến độ hoàn thiện.
- Với thể phú, ngòi bút của Nguyễn Trãi cũng đã đạt được những thành công lớn.
- Về thi ca, Nguyễn Trãi là một nhà thơ trữ tình sâu sắc Với Ức Trai thi tập.
+ Đặc biệt, với tập thơ chữ Nôm Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã khẳng định tiếng Việt là một ngôn ngữ văn học có khả năng phản ánh sâu sắc thế giới nội tâm của con người, cũng như đời sống xã hội.
+ Ông đã đưa vào thơ Nôm một hệ thống thẩm mĩ mới đưa vào thơ: tục ngữ, ngôn ngữ, hình ảnh đời thường.
+ Những sự vật bình dị, dân dã, đời thường như quả núc nác, lảnh mùng tơi, bè rau muống, con đòng đong,... cũng được Nguyễn Trãi đưa vào thơ một cách tự nhiên, tạo nên những rung động thẩm mĩ mới.
-> Ông là một nhà văn kiệt xuất
III. TỔNG KẾT
1. Nghệ thuật
- Lập luận logic, chặt chẽ.
- Dẫn chứng sát thực, thuyết phục.
2. Nội dung
- Giới thiệu Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, nhà văn hoá, nhà thơ nổi tiếng của đất nước. Xót thương cho số phận bi kịch của danh nhân. Học tập tinh thần yêu nước, vì dân và đề cao công lao của Nguyễn Trãi.