Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam

Đề bài: Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam

Dân tộc ta là vùng đất của văn hóa dân gian đậm đà bản sắc Việt. Trong hành trình lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, trò chơi dân gian đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của bao thế hệ. Trò chơi dân gian mà người ta luôn ghi nhớ mãi chính là thả diều

Thả diều là một trong những trò chơi dân gian độc đáo của con người Việt Nam, được hình thành và phát triển trong quá trình sống, lao động của người Việt Nam. Thả diều xuất hiện từ rất sớm. Ngay từ ngày đất nước thành lập, trên những cánh đồng xanh mượt khắp mọi miền, cánh diều đã bay lượn trên cao. Cùng với cuộc sống cần cùa làm lụng, ông cha ta luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của con cháu nên đã sáng tạo ra trò chơi như kéo co, thả diều... Những trò chơi này được lưu truyền rộng rãi mà không rõ người sáng lập nên gọi là trò chơi dân gian. Thả diều được giữ gìn và duy trì đến tận ngày nay.

Diều là thứ không thể thiếu của trò chơi. Bộ phận quan trọng nhất là khung diều, thường sẽ được làm bằng tre hoặc bằng gỗ. Khung diều chống đỡ cho con diều, tạo cho diều hình dáng nhất định và giúp nó bay lên. Những chiếc tre hay gỗ dùng để làm khung diều này phải thật mảnh, dẻo dai để diều bay được và bay cao hơn. Bộ phận thứ hai là nguyên liệu phụ để trang trí cho con diều. Chúng giúp diều đón được gió và bay lên cao. Người ta còn gọi là áo diều. Áo diều có thể làm bằng giấy báo, vải mỏng hoặc có thể bằng ni lông. Ngày nay, thẩm mĩ của con người phát triển nên con diều được trang trí với những màu sắc vô cùng bắt mắt. Kích cỡ và hình dáng ngày càng đa dạng hơn, có thể là hình con chim đại bàng, con bươm bướm, chim phượng hoàng... Đặc biệt, một con diều không thể thiếu đi dây diều. Dây buộc giúp người chơi điều khiển diều, nâng lên hay hạ xuống theo ý muốn của mình. Nó có thể làm bằng những sợi chỉ, gai hoặc dây tre, dây mây, dây thừng nhỏ và sau này người ta dùng đến cả dây thép, dài khoảng từ tám đến mười mét. Diều có thể có sáo hoặc không. Sáo diều bằng ống tre hay gỗ khoét rỗng, hai đầu bằng gỗ bịt, có khe cho gió luồn vào tấu lên khúc nhạc du dương, trầm bổng

Khi chơi thả diều, người chơi cầm dây diều mượn sức gió trong tự nhiên để đưa những cánh diều bay lên cao. Cầm dây diều phải hơi giật nhẹ để điểu khiển diều bay ổn định.Vừa thả có thể vừa chạy nhảy, nô đùa. Khi thu diều lại, người chơi từ từ cuộn dây lại đưa diều gần mặt đất hơn. Và chờ đến khi diều hạ cánh, thì xếp lại cẩn thận, mang về nhà. Diều chỉ bay khi có gió, nên khi trời lặng gió thì không thể chơi thả diều. Nhưng trời có gió, diều bay được hay không lại phụ thuộc vào kĩ năng của người chơi. Đưa diều bay ngược chiều gió thổi, diều mới có thể cất cánh bay lên, Gió cần đủ mạnh để nâng diều lên. Thời điểm thả diều thích hợp và thú vị nhất là lúc chiều tà. Khi ấy tiết trời mát mẻ gió lồng lộng thổi. Địa điểm lý tưởng là trên những cánh đồng cỏ xanh mơn mởn, chạy dài mãi.

Trò chơi thả diều là một trò chơi dân gian đã gắn bó với bao thế hệ con người Việt Nam. Những cánh diều bay tận mây xanh cùng tiếng sáo vi vu trong gió trời là kỉ niệm, là tuổi thơ của biết bao người. Bỏ lại những lo toan, căng thẳng của cuộc sống, thả hồn mình theo những cánh diều, tâm hồn ta như thoải mái thư thái hơn. Thả diều là trò chơi dân gian, là nét văn hóa cần bảo tồn và phát huy của dân tộc. Đó là giá trị tốt đẹp mà thế hệ đi trước truyền lại, là biểu hiện cho sự sáng tạo và đời sống tinh thần của dân tộc từ xa xưa. Trân trọng trò chơi dân gian ấy là trân trọng và biết ơn tấm lòng cha ông. Những lễ hội được tổ chức cũng không hề thiếu đi hình dáng con diều. Hằng năm, nhiều nơi vẫn tổ chức thi thả diều. Những cánh diều rực rỡ trên nền trời xanh cùng tiếng sáo ngân vang còn vương vấn mãi lòng người.

Thả diều chính là trò chơi dân gian độc đáo của dân tộc Việt Nam. Mỗi cá nhân hãy tìm hiểu và cùng chung tay giữ gìn phát huy nét đẹp văn hóa quý giá này.

 

 

Xem thêm các bài Văn mẫu lớp 8, hay khác:

Xem thêm các bài soạn Văn mẫu lớp 8 được biên soạn cho Học kì 1 & Học kì 2 theo mẫu chuẩn của Bộ Giáo dục theo sát chương trình Lớp 8 giúp bạn học tốt hơn.

Bài viết số 1

Bài viết số 2

Bài viết số 3

Bài viết số 5

Bài viết số 6

Bài viết số 7

Đề tham khảo

Lớp 8 | Để học tốt Lớp 8 | Giải bài tập Lớp 8

Giải bài tập SGK, SBT, VBT và Trắc nghiệm các môn học Lớp 8, dưới đây là mục lục các bài giải bài tập sách giáo khoa và Đề thi chi tiết với câu hỏi bài tập, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và 2 (đề kiểm tra học kì 1 và 2) các môn trong chương trình Lớp 8 giúp bạn học tốt hơn.