4. VẬN DỤNG CAO (6 câu)
Câu 1: Tính phi địa đới của các thành phần tự nhiên được tạo nên từ địa hình trên Trái Đất như thế nào?
Câu 2: Quy luật địa đới có tác động như thế nào tới thiên nhiên Việt Nam?
Câu 3: Quy luật phi địa đới có tác động như thế nào tới thiên nhiên Việt Nam?
Câu 4: Tại sao nhiệt độ không khí trên bề mặt Trái Đất làm thay đổi theo quy luật địa đới?
Câu 5: Trên Trái Đất có các đới khí hậu và trong một số đới có các kiểu khí hậu. Giải thích tại sao?
Câu 6: Phân biệt khí hậu nhiệt đới và khí hậu nhiệt đới gió mùa?
Bài Làm:
Câu 1:
- Địa hình tạo ra sự thay đổi của các thành phần tự nhiên theo hướng đông tây và theo độ cao. Địa hình là yếu tố phi địa đới nên tác động của địa hình đã tạo nên tính phi địa đới cho các thành phần tự nhiên khác. - Địa hình tác động đến sự phân bố nhiệt độ không khí trên Trái Đất:
+ Càng lên cao, nhiệt độ không khí càng giảm. Trong tầng đối lưu, trung bình cứ lên cao 100 m, nhiệt độ giảm 0,6°C.
+ Theo hướng phơi của sườn núi, nhiệt độ cũng khác nhau. Sườn đón nắng có nhiệt độ cao hơn sườn khuất nắng; sườn dốc có góc nhập xạ lớn hơn sườn thoải nên có nhiệt độ cao hơn.
+ Địa hình tác động đến khí áp: Càng lên cao, không khí càng loãng nên sức nén càng nhỏ, khí áp giảm. - Địa hình tác động đến sự phân bố mura:
+ Cùng một sườn núi, càng lên cao nhiệt độ càng giảm, mưa càng nhiều; nhưng tới một độ cao nào đó, độ ẩm không khí đã giảm nhiều, sẽ không còn mưa, vì thế những đỉnh núi cao thường khô ráo.
+ Cùng một dãy núi thì sườn đón gió mưa nhiều, còn ở sườn khuất gió thường mưa ít, khô ráo.
- Địa hình tác động đến lượng nước ngầm: Mặt đất dốc, nước mưa chảy đi nhanh nên thấm ít; mặt đất bằng phẳng, nước thấm nhiều.
- Địa hình ảnh hưởng đến sự hình thành đất:
- Ở vùng núi cao, do nhiệt độ thấp nên quá trình phong hóa diễn ra chậm, quá trình hình thành đất yếu.
+ Địa hình dốc làm cho quá trình xâm thực, xói mòn mạnh, đặc biệt khi lớp phủ thực vật bị phá hủy, nên tầng đất thường mỏng và bạc màu.
+ Ở nơi bằng phẳng, quá trình bồi tụ chiếm ưu thế, tầng đất dày và giàu chất dinh dưỡng hơn.
+ Các hướng sườn khác nhau, sẽ nhận được lượng nhiệt, ẩm khác nhau, vì thế sự phát triển của lớp phủ thực vật cũng khác nhau, ảnh hưởng gián tiếp đến sự hình thành đất.
- Địa hình ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của sinh vật: Độ cao, hướng sườn, độ dốc của địa hình ảnh hưởng đến sự phân bố của sinh vật ở vùng núi.
+ Nhiệt độ, độ ẩm không khí thay đổi theo độ cao địa hình, dẫn đến hình thành các vành đai sinh vật khác nhau.
+Các hướng sườn khác nhau thường nhận được lượng nhiệt, ẩm và chế độ chiếu sáng khác nhau, do đó ảnh hưởng đến độ cao bắt đầu và kết thúc của các vành đai sinh vật.
+ Độ dốc địa hình: Nơi có độ dốc lớn, đất bị xói mòn, xâm thực mạnh mẽ hơn nơi có độ dốc nhỏ, từ đó sự phát triển của sinh vật cũng khác nhau.
Câu 2:
Tác động của quy luật địa đới
- Thiên nhiên nước ta có sự phân hóa Bắc – Nam. -
- Nguyên nhân: do lãnh thổ trải dài trên 150 vĩ tuyến.
- Biểu hiện:
+ Miền Bắc có khí hậu nhiệt đới cận chí tuyến, có mùa đông lạnh. Thực vật có các loài cây chịu lạnh như chè, cây dược liệu, cây ăn quả, rau vụ đông,...
+ Miền Nam khí hậu nhiệt đới cận Xích đạo nóng quanh năm. Thực vật
cây nhiệt đới: cà phê, cao su, dừa...
Câu 3:
Tác động của quy luật phi địa đới
- Thiên nhiên nước ta có sự phân hóa theo độ cao:
+ Miền Bắc, độ cao dưới 600–700m, miền Nam 900–1,000m có khí hậu
nhiệt đới gió mùa.
+ Từ 600–700m ở miền Bắc và 900–1,000m ở miền Nam lên đến độ cao 2600m là đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi.
+ Từ 2,600m trở lên là đại ôn đới gió mùa trên núi.
- Quy luật địa ô (sự phân hóa theo Đông – Tây): -
+ Từ Đông sang Tây, thiên nhiên nước ta có sự phân hóa thành 3 dải rõ rệt: vùng biển và thềm lục địa, vùng đồng bằng ven biển, vùng đồi núi.
+ Vùng đồi núi có sự khác biệt về thiên nhiên vùng Tây Bắc so với vùng Đông Bắc (về các mặt địa hình và khí hậu,...).
+ Có sự khác biệt tự nhiên giữa sườn Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn.
- Khi Đông Trường Sơn mưa muộn vào thu đông (tháng 9 → 12) thì Tây Trường Sơn lại là mùa khô.
- Khi Tây Trường Sơn vào mùa mưa (tháng 5 → 10) thì Đông Trường Sơn lại là mùa khô; nhiều nơi chịu tác động của gió Phơn khô nóng.
Câu 4:
- Nhiệt độ trung bình năm giảm dần từ Xích đạo về cực (từ vĩ độ thấp lên vĩ độ cao).
- Biên độ nhiệt năm tăng dần từ Xích đạo về cực (từ vĩ độ thấp lên vĩ độ cao).
Sự phân bố các vòng đai nhiệt trên Trái Đất. Từ Bắc cực đến Nam cực có bảy vòng đai nhiệt.
+ Vòng đai nóng nằm giữa hai đường đẳng nhiệt năm +20°C của hai bán cầu (khoảng giữa hai vĩ tuyến 30⁰B và 30⁰N).
+ Hai vòng đai ôn hòa ở hai bán cầu nằm giữa các đường đẳng nhiệt năm +20°C và đường đẳng nhiệt +10⁰C của tháng nóng nhất.
+ Hai vòng đai lạnh ở các vĩ độ cận cực của hai bán cầu, nằm giữa đường đẳng nhiệt +10⁰C và 0⁰C của tháng nóng nhất.
+ Hai vòng đai băng giá vĩnh cửu bao quanh cực, nhiệt độ quanh năm đều dưới 0⁰C.
Câu 5:
- Bức xạ mặt trời là một trong những nhân tố chủ yếu hình thành nên khí hậu. Bức xạ mặt trời tác động đến chế độ nhiệt làm thay đổi khí hậu theo vĩ độ địa lí, tạo ra các đới khí hậu trên Trái Đất.
- Trong một số đới như nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới có các kiểu khí hậu do chịu tác động của sự phân bố lục địa và đại dương, độ cao địa hình. Các yếu tố này tác động nhiều đến chế độ mưa làm thay đổi khí hậu theo hướng tây đông, tạo nên các kiểu khí hậu khác nhau.
Câu 6:
Khí hậu nhiệt đới nằm từ 10B – 30B và 5⁰N đến 25⁰N. Khí hậu nhiệt đới - được đặc trưng bởi nhiệt độ cao quanh năm và trong năm có một thời kì khô hạn (khoảng 3 tháng hanh khô liên tục).
Cụ thể:
+ Nhiệt độ trung bình năm trên 20C, có sự thay đổi theo mùa: một mùa khô trùng với mùa đông và một mùa hạ ẩm. Thời kì nhiệt độ tăng cao là khoảng thời gian Mặt Trời lên thiên đỉnh. Càng gần chí tuyến thời kì khô hạn càng kéo dài, biên độ nhiệt càng lớn.
+ Lượng mưa trung bình năm từ 500mm đến 1,500mm, chủ yếu tập trung vào mùa mưa (có ít nhất 3 tháng mưa liên tục).
– Khí hậu nhiệt đới gió mùa nổi bật với hai đặc điểm: nhiệt độ, lượng mưa thay đổi theo mùa gió và thời tiết diễn biến thất thường.
Cụ thể:
+ Nhiệt độ trung bình năm trên 20°C, biên độ nhiệt trung bình năm khoảng 8⁰C.
+ Lượng mưa trung bình năm trên 1,000mm, nhưng thay đổi tùy thuộc vào vị trí gần hay xa biển, vào sườn đón gió hay khuất gió. Mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) tập trung từ khoảng 70% đến 95% lượng mưa cả năm. Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4) lượng mưa ít.
+ Thời tiết diễn biến thất thường. Mùa mưa có năm đến sớm, có năm đến muộn, lượng mưa có năm ít, năm nhiều, dễ gây hạn hán, lũ lụt.