1. Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới.
CÂY BÀNG
Năm nào cũng thế, trời lạnh dài suốt tháng chạp, vắt qua giêng, lạnh buốt sương, và sau đó, tất cả cây trong thành phố nối tiếp nhau rụng lá. Huế trút lá hiện ra một gương mặt riêng, đầy những biến động bất ngờ trên cây cối.
Dáng lá đẹp nhất là cây bàng. Bàng bắt đầu chuyển màu vào cuối đông và với từng chiếc lá, từ màu lục già sang màu vàng. dừng lại vài ba ngày trên màu đỏ trước khi rụng. Vào giữa cuộc chuyển mình, cây bàng chơi màu rất đẹp, cùng lúc xen lẫn lục vàng và đỏ nồng nhiệt chất sơn dầu trong gam vàng của Van Gogh, đến nỗi nhiều lúc tôi sửng sốt nhìn nó, tưởng đấy là một cây bàng vẽ bởi chính Van Gogh. Trước sau rồi cây bàng cũng tới kì lá đỏ, đỏ lộng lẫy không sót lại chiếc lá xanh nào cả. Trong không gian rộng, những cây bàng cổ thụ cao ngất nổi bật trên nền trời với những tầng lá đỏ rực và ướt đẫm, như thế lúc này, họ hàng bàng đang phơi ra giữa đời ngàn vạn lá gan còn tươi máu. Và rồi bất ngờ trong một hành động rũ sạch dĩ vãng quyết liệt, cây bàng rụng đến tận ngọn lá cuối cùng, giăng bày trên sông một giấc mơ giang phong ngư tỏa trong màn sương nào đó xa lơ lắc ... Cành bàng trụi lá trông giống những bàn tay gân guốc khô khốc, đầu bàn tay giơ lên như cử chỉ ngửa xin một chút gì của thời gian. Người mẹ Tạo Vật hào hiệp không để nó phải chờ lâu; chỉ vài hôm lộc non đã tràn đầy trên bàn tay mùa đông của cây bàng. Dáng mọc của lộc rất lạ, thẳng đứng trên cành, như thể là đêm qua có ai đó đã thả ngàn vạn búp lá nhỏ xíu từ trên trời, xanh biếc chi chít đầy cành và xoay thành những tán tròn quanh thân cây. Lá non lớn nhanh, đứng thẳng và cao chừng gang tay, cuộn tròn rất giống những chiếc tai thỏ ... Vẫn chưa hết chuyện lạ, khi những tai thỏ xòe ra thành vài ba chiếc lá nhỏ, cây bàng nẩy thêm một lứa lộc lần thứ hai màu đỏ đọt mưng giữa những chùm lá; tán bàng bây giờ là một màu áo lục non lỗ đỗ những vết hoa hồng thẫm. Chỉ trong vòng mười hôm từ khi nẩy lộc, nhìn lại thấy lá đã già trên thân cây đầy những hốc bướu cổ quái, tưởng như cây bàng vẫn y nhiên như thế từ trăm năm. Ai ngờ trên thân thể đại lão của nó là một linh hồn rất trẻ, bởi không một chiếc lá nào của năm ngoái còn lại trên cây.
(Hoàng Phủ Ngọc Tường)
a) Khi miêu tả cây bàng, tác giả chú ý đến bộ phận nào của cây?
.....................................................................................................
b) Tác giả quan sát cây bàng bằng giác quan nào là chủ yếu? Những chi tiết nào cho thấy tác giả quan sát lá bàng rất tỉ mỉ và chọn lọc được nhiều đặc điểm lí thú?
......................................................................................................
2. Quan sát một cây ăn quả đang mùa quả chín và ghi chép kết quả quan sát của em theo các câu hỏi gợi ý sau:
- Cây ăn quả mà em quan sát là cây gì? Cây mọc ở đâu?
.................................................................................................
- Nhìn từ xa cây có đặc điểm gì dễ nhận?
.................................................................................................
- Những nét nào nổi bật chứng tỏ cây đang ra quả và đang ở độ chín?
.................................................................................................
- Quả mọc thế nào? Hình dáng, màu sắc vỏ quả có gì đặc biệt? Hương vị của quả có gì đặc sắc so với nhiều cây ăn quả khác?
.................................................................................................
- Các bộ phận của cây, khung cảnh xung quanh cây có nét gì đáng chú ý?
.................................................................................................